Mối bất hoà mới mang tên Alexeij Navalny - nhân vật đối lập ở Nga

(PLVN) - Giữa Đức với Nga nói riêng và EU với Nga nói chung lại có mối bất hoà mới liên quan đến nhân vật đối lập ở Nga Alexeij Navalny. Nhưng chuyện này lại có cái cốt chuyện cũ chứ không phải mới.
Đức công bố thông tin chính trị gia Alexei Navalny đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh thuộc nhóm “Novichok”.
Đức công bố thông tin chính trị gia Alexei Navalny đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh thuộc nhóm “Novichok”.

Ông Navalny được chính phủ Đức đón sang chữa bệnh ở Đức sau một thời gian trị bệnh ở Nga. Phía Đức tiến hành xét nghiệm rồi tuyên bố là ông Navalny đã bị đầu độc. Không công bố công khai bất kỳ bằng chứng nào nhưng phía Đức quả quyết là ông Navalny bị đầu độc bằng một loại chất độc chỉ được sản xuất ở Liên Xô trước đây, cũng là loại đã được sử dụng để đầu độc cha con cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal ở Anh hồi năm 2017. 

Giống như chính phủ Anh hồi năm ấy, chính phủ Đức cáo buộc chính quyền Nga đứng sau vụ đầu độc ông Navalny bởi người này bất đồng quan điểm với chính quyền, thường phê phán, chỉ trích đích thân tổng thống Nga Vladimir Putin công khai và quyết liệt nhất. Mối bất hòa mới nhưng bản chất vụ việc là đầu độc thì lại không có gì mới.

Trước chuyện liên quan đến ông Navalny, giữa EU cùng một số thành viên với Nga vốn đã xảy ra chuyện tương tự hồi năm 2017 liên quan đến cha con nhà ông Skripal hay như hồi năm 2006 với điệp viên Nga đào tẩu Alexander Litvinenko.

Mô thức hành xử của các nước phương Tây trong những lần xảy ra chuyện không thay đổi. Trước tiên là cáo buộc chính quyền Nga đứng sau vụ việc, đòi thẩm vấn hay bắt giữ và dẫn độ một vài người Nga sang phía EU để tiến hành điều tra. Các nước này quả quyết những người kia bị đầu độc bằng độc dược được sản xuất ở Nga hoặc ở Liên Xô trước đây nhưng không công khai bằng chứng.

Sau đó, họ áp dụng một số biện pháp chính sách trừng phạt Nga. Hồi năm 2017, Mỹ và các nước thành viên EU cùng với một số đối tác khác cùng trục xuất rất nhiều nhân viên ngoại giao Nga. Đương nhiên, Nga cũng phản ứng đáp trả theo nguyên tắc có đi có lại thông dụng trong thế giới ngoại giao.

Từ sau khi Nga tiếp nhận Crimea, Mỹ và các nước phương Tây đã thực thi những biện pháp chính sách trừng phạt Nga và duy trì các quyết sách này từ đó đến nay. Trên thực tế, họ đã hết vở với việc trừng phạt Nga bởi họ gây khó khăn và khó xử cho Nga nhưng bản thân cũng bị ảnh hưởng và tác động tiêu cực do Nga đáp trả và do họ phụ thuộc vào sự hợp tác với Nga để giải quyết không ít vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích chiến lược thiết thực và lâu dài của họ.

Vì thế, ở lần bất hòa mới này với Nga liên quan đến ông Navalny, suy tính của EU nói chung và của Chính phủ Đức nói riêng về trừng phạt Nga tập trung gần như hoàn toàn vào việc tiếp tục hay dừng thực hiện dự án hợp tác xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. 

Dự án này được Nga và một số hãng của các nước thành viên EU hợp tác xây dựng với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ Euro và sắp hoàn thành. Nó bị phía Mỹ chống đối quyết liệt. Nó giúp Nga tăng được khối lượng khí đốt cung cấp cho các nước ở vùng Tây Âu mà không phụ thuộc gì vào những nước láng giềng ở vùng xung quanh Nga như Ukraine hay Ba Lan.

Nếu quyết định dừng dự án này, phía EU có thể hạn chế xuất khẩu khí đốt của Nga trong tương lai, nhưng mặt trái của quyết sách ấy đối với EU là việc nhập khẩu khí đốt từ Nga sẽ không thể được đảm bảo về lâu dài. Các nước EU không thiếu nguồn cung ứng năng lượng khác nhưng sẽ phải trả giá mua cao hơn và cần thời gian dài chứ không thể trong một sớm một chiều là có nguồn cung ứng năng lượng thay thế. Hiện tại, khí đốt của Nga đáp ứng khoảng 40% nhu cầu năng lượng của các nước EU.

Chính vì thế mà con chủ bài này không dễ dụng đối với EU bởi trước mắt có thể được lợi về chính trị nhưng tổn hại lâu dài về kinh tế và thương mại không hề nhỏ. Ấy là còn chưa kể đến khả năng phải bồi thường vì đơn phương chấm dứt việc thực hiện dự án đã ký kết.

Dù EU có quyết như thế nào thì mối quan hệ hiện tại của EU với Nga và của một số thành viên EU với Nga, đặc biệt là Đức, đang trở nên căng thẳng và trắc trở rõ rệt. Phía này đã tự đặt ra cho họ mô thức hành xử trong quan hệ với Nga để rồi tự ràng buộc vào đấy và chưa tìm ra cách thoát khỏi sao cho vừa giữ được thể diện lại vừa không bị coi là yếu thế trước Nga.

Đọc thêm