Một công dân Nhật trầy trật xin được xử ly hôn

(PLO) - 3 năm nay, ông Kambayashi Hiroaki (quốc tịch Nhật Bản) phải chạy vạy nhiều nơi, cầu cứu nhiều chỗ, chờ đợi trong mệt mỏi và vô vọng để được xử ly hôn với người vợ quốc tịch Việt Nam…

Ông Hiroaki trao đổi với phóng viên.
Ông Hiroaki trao đổi với phóng viên.
Tự nhiên xuất hiện khoản nợ
Trong đơn gửi báo chí, ông Hiroaki cho biết, ông đã bán nhà bên Nhật và dành dụm tiền để mua 1 căn nhà ở quận Bình Thạnh, TP HCM,  một căn hộ chung cư ở quận 2 và hai lô đất ở Long Thành, Đồng Nai. Tất cả bất động sản trên đều do vợ ông - bà Võ Xuân Mai hoặc người thân của bà Mai đứng tên vì luật pháp Việt Nam thời đó chưa cho người nước ngoài đứng tên bất động sản. Năm 2009 bà Mai đã có giấy cam kết rằng tất cả tài sản trên đều thuộc về ông Hiroaki sau khi ly hôn vì nó được mua bằng tiền của ông Hiroaki.
Vào năm 2011, bà Mai đã có đơn xin ly hôn nhưng sau đó vụ án đã bị TAND quận Bình Thạnh đình chỉ.
Theo ông Hiroaki thì sau đó ông đã bị vợ đuổi ra khỏi nhà, phải đi mướn nhà trọ. Điều đó buộc ông phải có đơn xin ly hôn ra tòa và được TAND quận Bình Thạnh thụ lý vào tháng 8/2012. Lúc này, bà Mai đã đưa ra một giấy vay tiền của ông Võ Quang Minh (quốc tịch Mỹ), ghi số tiền 1,2 tỷ đồng, năm 2009, thế chấp bằng giấy tờ căn nhà số 106/25 Vạn Kiếp, phường 3, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, ông Minh đã được tòa coi là  người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Sự xuất hiện của giấy vay nợ này làm ông Hiroaki thắc mắc vì tại Bản tự khai ngày 2/11/2011, Biên bản hoà giải ngày 21/12/2011 và Biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn cùng ngày, bà Mai đều xác nhận ông Hiroaki và mình không có nợ chung. 
Như vậy thì nếu có việc bà Mai mượn tiền người khác thì đây cũng là khoản nợ riêng của bà Mai, ông Hiroaki không chịu trách nhiệm. Ngoài ra thì khoản 1,2 tỷ này cũng không thể liên quan đến việc mua căn nhà 106/25 Vạn Kiếp vì theo hợp đồng năm 2009 thì giá mua căn nhà chỉ là 300 triệu đồng. Việc thế chấp này cũng không đúng quy định vì tại Bản tự khai ngày 28/6/2012, bà Mai cũng xác nhận mình không có giấy tờ gì liên quan đến căn nhà số 106/25 Vạn Kiếp, căn hộ lầu 4, chung cư Bình Minh (quận 2) và miếng đất ở Đồng Nai vì “những tài sản này không thuộc quyền sở hữu của tôi”.
Vì sao vụ án bị kéo dài?
Ông Hiroaki cho biết, ông Minh không hề có yêu cầu nào trong vụ án ly hôn này cả. Cả nguyên đơn và bị đơn đều không yêu cầu đưa ông Minh tham gia tố tụng. Không hiểu sao, ông này vẫn được đưa vào vụ án với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, làm vụ án thêm phức tạp? 
Ngoài ra, vụ án này còn bị dây dưa, kéo dài do chính sự bất hợp tác của bị đơn. Ngày 15/7/2015, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Hồ Chí Minh đã phải ra Quyết định thi hành án chủ động số 2269/QĐ-CTHA buộc bà Mai và những người liên quan đang cư trú ở 3 căn nhà (số 93/19C Vạn Kiếp, số 73/18  Vạn Kiếp, số 106/25 Vạn Kiếp, phường 3, quận Bình Thạnh) phải chấp hành việc đo vẽ và định giá nhà đất. Tuy nhiên, tới nay việc đo vẽ, định giá vẫn chưa thể thực hiện được khiến nguyên đơn phải có đơn khiếu nại đến Cục THADS TP Hồ Chí Minh.
Như vậy, tính đến nay vụ án đã kéo dài hơn 3 năm và với tình trạng này thì phiên tòa sơ thẩm xem ra còn rất mịt mờ. Đề nghị TAND TP Hồ Chí Minh sớm đưa vụ án ra xét xử theo đúng quy định./.

Đọc thêm