Theo trình bày của nhiều người, thông qua người phụ nữ tên Trần Thị Thoại (SN 1966, ngụ xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, Cà Mau), họ quen biết bà N.T.B.T (huyện Cái Nước) để vay lãi nặng với hình thức chuyển nhượng tài sản. Theo thỏa thuận khi vay, người vay đóng lãi cho bà T. tùy theo số tiền vay và tài sản được chuyển nhượng, trung bình khoảng từ 5-10% số tiền vay và phải đóng trước lãi suất một năm cộng vào số vốn mà người vay phải chịu ghi trong hợp đồng chuyển nhượng tài sản (thường gọi là “chuyển nhượng giả cách”).
Cụ thể, bà Phan Thị Út (ngụ xã Tân Phú, huyện Thới Bình, Cà Mau) đầu tháng 9/2014 vay của bà T. 150 triệu đồng, nhưng khi làm giấy sang nhượng quyền sử dụng đất, bà T. ghi khống lên thành 200 triệu đồng, buộc bà Út ký nếu không thì không nhận được tiền. Sau đó, bà Út vay thêm 100 triệu đồng nhưng lại làm giấy chuyển nhượng là 200 triệu đồng. Tương tự, ông Nguyễn Minh Luân (ngụ xã Thới Bình, huyện Thới Bình) vay số tiền 200 triệu đồng, nhưng khi làm hợp đồng chuyển nhượng giả cách, bà T. ghi 320 triệu đồng; ông Trần Văn Mười 108 triệu nhưng làm giấy chuyển nhượng giả cách đến 200 triệu đồng…
Đối với bà Út, bà này chỉ thế chấp đất, không thể chấp nhà nhưng trong lúc bà Út không có nhà, bà T. cho người khóa cửa lại rồi ghi chữ “bán nhà” kèm theo điện thoại của bà T. Nhà và đất của bà Út không cùng một thửa đất mà bà Út thế chấp cho bà T. theo hình thức giả cách.
Còn ông Luân cho biết, vợ ông không ký tên trong giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà T. mà người ký là một phụ nữ ông không quen biết do bà T. dẫn đến trao đổi với công chứng viên rồi ký vào hợp đồng chuyển nhượng rồi ghi tên vợ ông vào hợp đồng. Sau khi hoàn tất hồ sơ, người phụ nữ này đòi ông thêm 5% số tiền ông vay của bà T.
Bà Dương Bé Sáu, ngụ huyện Phú Tân trình bày, bà chỉ thế chấp đất, không thế chấp nhà, đến khi bà T. đòi lấy đất bà phải dỡ nhà để giao đất thì bà T. buộc gia đình phải bồi thường 340 triệu đồng. Lúc này do không biết được hợp đồng giả cách nên bà Sáu đành bồi thường cho bà T. Còn ông Nguyễn Văn Tòng (ngụ xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) trình bày, vào tháng 9/2013, TAND huyện Cái Nước có mời ông dự phiên xét xử liên quan đến vấn đề tranh chấp tài sản giữa ông và bà T. Tuy nhiên, khi ông định đi dự phiên tòa thì có người gọi điện xưng là đại diện VKSND nói phiên tòa dời lại buổi chiều khiến ông không dự tòa và bị xử thua kiện…
Những người tố cáo cho biết thêm, sở dĩ họ dám đứng ra tố cáo như nói trên vì được người được cho là môi giới đã đồng ý đứng ra làm nhân chứng trước cơ quan chức năng. Người này đã trình bày với TAND huyện Thới Bình về việc từ năm 2013 đến nay đã giới thiệu khoảng 40 người đến vay tiền bà T. dưới hình thức làm hợp đồng thế chấp tài sản giả cách.
Được biết, cơ quan tiếp dân tỉnh Cà Mau đã hướng dẫn người dân làm đơn gửi cơ quan điều tra và TAND các cấp để được giải quyết đúng quy định pháp luật.