Một doanh nghiệp Khánh Hòa kêu cứu vì không được cấp chứng nhận kiểm dịch

(PLVN) - Không đồng ý với việc Chi cục Thú ý vùng VI từ chối cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch để thông quan lô hàng, đại diện Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cam Ranh (Cty Cam Ranh) đã khiếu nại đến cơ quan chức năng.
Biên bản của Chi cục Thú y vùng VI lập đối với Cty Cam Ranh.

Đại diện Cty Cam Ranh (trụ sở tại xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) cho biết, Cty nhập khẩu lô hàng thực phẩm là trứng cá Minh Thái đông lạnh từ Hàn Quốc với số lượng 170.908,8kg để làm nguyên liệu chế biến và xuất khẩu 100%. Ngày 20/2/2021, lô hàng nói trên được vận chuyển từ cảng BuSan (Hàn Quốc), dự kiến về đến cảng Cát Lái (TP HCM) vào ngày 27/2/2021. Tuy nhiên, do tàu vận chuyển bị kẹt nên đến ngày 1/3/2021 lô hàng trên mới được cập cảng. Cũng trong ngày 1/3/2021, Kiểm dịch viên Chi cục Thú y vùng VI (CCTY VI) đã tiến hành kiểm tra và nhận thấy nhãn mác trên bao bì các sản phẩm của lô hàng ghi “Best Before dates”  vào các ngày 1/3/2021, ngày 8/3/2021, ngày 19/3/2021 và ngày 20/3/2021.

Phía CCTY VI lại cho rằng cụm từ “Best Before dates” ghi trên nhãn mác sản phẩm là “Hạn sử dụng đến ngày” nên đã không đồng ý cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch để Cty Cam Ranh được thông quan lô hàng trên.

Theo đại diện Cty Cam Ranh, trên nhãn mác sản phẩm ghi “Best Before dates” thường được sử dụng trên các sản phẩm đông lạnh, đồ hộp hoặc thức ăn khô, các thực phẩm có thể để được lâu. “Best Before dates” nghĩa là “Sử dụng tốt nhất trước ngày” nên không phải là ngày hết hạn, mà có nghĩa là sản phẩm sẽ đảm bảo được chất lượng tốt nhất trước mốc thời gian này. Sau ngày này, sản phẩm có thể bị giảm chất lượng nhưng vẫn an toàn và vẫn được phép bán ra thị trường nếu nhà sản xuất chứng minh được sản phẩm đó là an toàn với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Công ty Cam Ranh cho rằng quan điểm của CCTY VI như trên dẫn đến từ chối cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch đã gây thiệt hại cho Cty. 

Liên quan đến sự việc trên, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho biết: Theo quy định tại khoản 19 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 thì “Thời hạn sử dụng thực phẩm là thời hạn mà thực phẩm vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng và bảo đảm an toàn trong điều kiện bảo quản được ghi trên nhãn theo hướng dẫn của nhà sản xuất”.

 Về việc ghi nhãn thực phẩm, tại khoản 1 Điều 44 Luật này cũng quy định: “Đối với thời hạn sử dụng thực phẩm thể hiện trên nhãn thì tùy theo loại sản phẩm được ghi là “hạn sử dụng”, “sử dụng đến ngày” hoặc “sử dụng tốt nhất trước ngày”.

Các quy định nêu trên được hướng dẫn tại Điều 17 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/04/2012 của Chính phủ, theo đó: Hạn sử dụng an toàn bắt buộc phải ghi “Hạn sử dụng”, hoặc “Sử dụng đến ngày” đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm tăng cường vi chất và những thực phẩm dễ có khả năng bị hư hỏng do vi sinh vật. Hạn sử dụng an toàn đối với các thực phẩm khác có thể ghi “Sử dụng tốt nhất trước ngày” phù hợp với loại sản phẩm thực phẩm.

Đối với thực phẩm ghi “Hạn sử dụng” hoặc “Sử dụng đến ngày” thì không được phép bán ra thị trường khi đã quá thời hạn này. Đối với thực phẩm ghi “Sử dụng tốt nhất trước ngày” thì sau thời điểm này thực phẩm vẫn được phép bán trên thị trường nếu nhà sản xuất chứng minh được thực phẩm đó an toàn với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải ghi hạn sử dụng rõ ràng theo một trong hai hình thức “Hạn sử dụng”, hoặc “Sử dụng đến ngày”. Chỉ nhà sản xuất thực phẩm mới được kéo dài hạn sử dụng cho sản phẩm thực phẩm của mình và hạn sử dụng kéo dài tối đa chỉ bằng hạn sử dụng đã quy định lần đầu tiên”.

Theo Luật sư Hùng, căn cứ vào các quy định nêu trên và các quy định đang được áp dụng phổ biến trên thế giới, thì tùy từng loại sản phẩm mà theo quy định của pháp luật nhà sản xuất sẽ có 03 cách thức ghi hạn sử dụng là: “Hạn sử dụng”, “Sử dụng đến ngày” và “Sử dụng tốt nhất trước ngày” (Best before dates).

Khi nhãn thực phẩm ghi cụm từ “Sử dụng tốt nhất trước ngày” có nghĩa là: Sản phẩm nên được sử dụng trước ngày ghi trên nhãn vì khi đó chất lượng của sản phẩm sẽ được đảm bảo tốt nhất. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn có thể sử dụng sau ngày “sử dụng tốt nhất” ghi trên nhãn, vì sản phẩm vẫn an toàn, không gây hại cho sức khỏe của người sử dụng. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm có thể bị suy giảm (như là hương vị hoặc các yếu tố về dinh dưỡng sẽ không được như ban đầu). Do đó, thực phẩm ghi thời hạn “sử dụng tốt nhất trước ngày” vẫn có thể bán ra thị trường sau ngày đó, với điều kiện phải chứng minh được sản phẩm đó là an toàn với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên, từ ngày 02/02/2018 thì Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực (thay thế cho Nghị định số 38/2012/NĐ-CP) và không còn các quy định như tại Điều 17 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP. Mặc dù vậy, tại Mục 1 Phụ lục III (kèm theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa) có quy định hướng dẫn về cách ghi hạn sử dụng đối với “Hạn sử dụng tốt nhất” (“Best if used by dates” hoặc “Best before dates”). 

Mặt khác, theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12391:2018 (ISO 16779:2015) Phân tích cảm quan - Đánh giá (xác định và xác nhận) thời hạn sử dụng thực phẩm quy định: Hạn sử dụng tốt nhất (Best before date) là ngày kết thúc giai đoạn trong điều kiện bảo quản khuyến cáo, sản phẩm vẫn bán được và vẫn duy trì dược chất lượng đặc thù như đã công bố và Hạn sử dụng (Use by date), sau ngày này, thực phẩm không được phép lưu thông.

Như vậy, có thể thấy rằng hiện vẫn có những quy định ghi nhận về việc ghi thời hạn “Sử dụng tốt nhất trước” (Best if used by dates hoặc Best before dates). Do đó, quan điểm cho rằng cụm từ “Best before dates” (sử dụng tốt nhất trước ngày) đồng nghĩa với “Hạn sử dụng đến ngày” (Use by date) để từ chối cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch là không có căn cứ…

Đọc thêm