Một góc nhìn khác về chửi bậy!

(PLO) - Những ngày qua, dư luận xôn xao về chuyện “nói tục”. Thế nào là “nói tục”? Vì sao người ta “nói tục”?  Làm thế nào để ngăn chặn “nói tục”?... là những góc nhìn khác nhau về câu chuyện này…
“Thánh chửi”, “thánh bậy”… 
Thương hiệu quán “bún chửi” của bà chủ quán tên Hán Kim Thảo (60 tuổi), trên phố Ngô Sỹ Liên  được nhiều người biết đến từ vài chục năm nay. Có một điều lạ là người ta vẫn nườm nượp đến ăn mặc dù bà chủ quán giọng the thé luôn miệng la mắng khách. 
Thực khách vừa bước vào quán, bà chủ quán “mắng xơi xơi” là “ăn bún gì, tìm chỗ ngồi đi…”. “ Chị ăn gì, nói một lần thôi. Tai tôi không điếc”… Thế nhưng, mọi người đều lẳng lặng và không ai “ho he” gì bởi đều đã biết tính bà chủ. Dù vậy, làm thực khách của bà đã lâu năm nhưng nhiều  người cũng chưa từng thấy bà… cười.
Bà Hán Kim Thảo cho biết: “Tính tôi thì sớm nắng, chiều mưa, tối còn có thể có bão… nên dễ nóng giận quát tháo, mắng chửi khách hàng. Nhiều khách bị mắng nhưng họ cũng không tỏ thái độ khó chịu. Đó đã là cái tính của tôi rồi, không sửa được và cũng không có ý định thay đổi, tôi ầm ĩ thế thôi chứ không phải là ác ý với ai”.
Có lẽ đó là đặc trưng ở Hà Nội, có thể ăn không nhiều nhưng phải ngon và hợp khẩu vị. Thế nên, những quán mắng chửi, khinh khỉnh cũng kha khá ở những hàng quán đã được người Hà Nội chọn lựa. Giống như người bạn biết tính nhau, người ta không chấp nhau bởi biết người mắng kiểu Trương Phi và người ăn cũng không thấy đó là sự… “nhục”, mà xem đó là “thương hiệu” nên dù có chút phiền toái nhưng họ xem như đó là một trải nghiệm theo phong cách không giống ai mà thôi. 
Bởi theo lý giải của không ít bạn trẻ: ở Hà Nội, muốn ăn ngon phải nghe chửi. Tất nhiên, điều này chỉ chấp nhận được với những thực khách Hà Nội, còn khách phương xa, ngoài sự sốc thì họ cũng mang theo một ấn tượng không mấy… mặn mà.
Và ngày nay, ở bất cứ đâu, người ta có thể nói bậy bên ly cà phê, bên bàn nhậu… mà không bị “đánh giá”, không bị nhắc nhở, không xấu hổ. Không hẳn chỉ những nguời ít học, nghèo khó mới nói tục. Có người lầm tưởng nông dân ở nông thôn nhiều nguời nói tục. Nhưng thực ra không phải. Nhất là trong những năm gần đây, người thành phố (chẳng kể Nam hay Bắc) đôi khi nói nhiều vô kể. Bởi với nhiều người, nói bậy như cách xả stress, như nói vui vô thưởng vô phạt. 
Nhiều người cho rằng, phạt chửi bậy, nói bậy bằng cách nào khi mà người ta không thấy giận dữ về điều đó. Và như thế nào là nói bậy. Đó là chưa kể tới một số người mắc tật nói nhịu tới… khó đỡ. Một số clip được tung lên mạng về nói nhịu như chị hàng vải và bà cụ nói nhịu “hot” nhất tết 2015. Khi được hỏi, họ thường lẫn những từ “nhịu bậy” nhưng họ vẫn nói và trong tâm thức họ không hề nghĩ mình đang nói bậy. 
Nhiều người cho rằng nói nhịu là do lúc vừa sinh con xong không chịu kiêng cữ, ngồi trong màn nói với ra ngoài hoặc nói quá nhiều, nói to nên sau đó sẽ bị nói nhịu. Về chuyện “nhịu bậy” này thì ngày nay vẫn có người “không may” mắc phải chứ không chỉ các cụ ngày xưa. Như tâm sự của một bà mẹ trẻ trên một diễn đàn mạng. 
Chị kể có lần chồng ngồi gọt bưởi, gọt xong bảo chị mời mẹ đang ở phòng trong ra ăn. Thế là chị liền gọi với rõ to vào trong phòng: “Bà ơi, bà ăn b… không? Ngon lắm ạ!”. Rồi tự dưng chị thấy anh chồng nằm lăn ra nhà ôm bụng cười rũ đến gần 10 phút, nước mắt, nước mũi giàn giụa. Chị vẫn ngơ ngác không hiểu chuyện… 
Thực tế, theo các bác sỹ, nói nhịu, hay chính là nói lầm, nói lẫn, không chuẩn các từ ngữ như bản thân muốn diễn đạt của các trường hợp trên đây không phải là do không kiêng, nói nhiều, nói to trong thời kỳ ở cữ như một số người vẫn nói mà có thể là một tình trạng stress sau sinh…
Không phải chuyện 
từ… ngọn
Đành rằng nói tục có thể xuất hiện bất cứ đâu chứ không riêng ở Hà Nội. Nhưng tại sao chúng ta phải đặt ra một quy tắc ứng xử cho người ở Hà Nội? Có phải người Hà Nội nói tục hơn chỗ khác? Một phần Hà Nội là đất kẻ chợ, là người khắp nơi, có sinh hoạt, ngôn ngữ riêng của họ. 
Nhưng một phần những người từ tỉnh ngoài đến đều theo nếp ăn nói của người Hà Nội, tròn vành, rõ tiếng, đúng chính tả. Những người ở Hà Nội lâu hơn, họ có quy tắc bất thành văn là giao thiệp một cách lịch lãm. Họ không nhún nhường, không kiêu ngạo, càng không cáu gắt, chửi mắng… Và con số này còn lại quá ít ỏi ở thành phố 7 triệu dân này.
Thế nên, thực tế, để chấn chỉnh lại câu chuyện “nói tục, chửi bậy” đang trở thành thời thượng là điều không dễ dàng, không chỉ “hô khẩu hiệu” là được. Bởi đó là văn hoá của mỗi người, mỗi gia đình và chỉ khi nào nơi công cộng nói bậy là chuyện hãn hữu, đáng xấu hổ chứ không phải chuyện thường ngày hoặc “chẳng liên quan” tới ai như hiện nay.
Gần đây nhất ông Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn đã ra văn bản giao cho các đơn vị dưới quyền việc kiểm tra, ngăn chặn hay đôn đốc chấn chỉnh tình trạng nói tục, chửi thề tràn lan tại thành phố Hà Nội. Văn bản này đề nghị bắt đầu từ nhà trường nơi có số học sinh chửi thề, nói tục cần phải được kiểm soát trước khi tiến hành trên toàn xã hội.
PGS Văn Như Cương chia sẻ: “Nguyên nhân mà thanh niên nói tục, chửi bậy là từ gia đình. Gia đình người lao động đôi lúc trong bữa ăn bố mẹ nói tục với nhau. Đón con đi học về muộn hay con bị điểm kém ngoài đánh con ra lại còn văng tục là chuyện thường xuyên." 
Trong hàng ngũ học sinh từ tiểu học  đến phổ thông trung học thì vấn đề nói tục, chửi bậy tôi cho là rất ít. Việc các em nói tục, chửi bậy trong nhà trường đều bị nghiêm cấm và có những nhắc nhở, phê bình cần thiết, do đó các em chấp hành khá là nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, có thể lúc đi học về hay vào chỗ khác thì có lúc xảy ra chuyện nói tục, chửi bậy.
Cái số đông hơn tôi nghĩ là trong hàng ngũ sinh viên, họ có vẻ tự do hơn, họ đàn đúm với nhau nhiều hơn. Ngồi ở quán nước hay quán bia, quá cà phê chính những lúc ấy họ có chuyện gì ấm ức thì họ văng tục ra. Ngoài ra, số thanh niên tụ tập không có công ăn việc làm tụ tập chỗ này, chỗ kia thì thành phần ấy mới nhiều cho nên chúng ta cần nhận định điều ấy cho rõ. Chẳng hạn như các em học sinh trường tôi tuyệt đối không bao giờ có chuyện nói những lời xấu xí như thế”.
Và ở câu chuyện phạt thế nào cũng là điều băn khoăn với nhiều người. Ví dụ nơi bán hàng hay chợ búa nên có những câu tuyên truyền để họ giảm nói bậy. Bởi vì cơ chế nào, ai làm nhiệm vụ ấy, đội nào thì được phạt? 
Thật khó mà tưởng tượng ra người thi hành lệnh phạt về chửi tục, nói bậy sẽ thực hiện ra sao khi mà anh ta không chắc rằng trong khi viết giấy phạt, lại nóng giận vì bị chọc tức có buột miệng chửi thề do phản xạ hay không.
Dường như người săn tìm kẻ chửi thề, nói tục để ghi giấy phạt sẽ là một câu chuyện hài hước. Không giống như công an giao thông đứng chờ người vi phạm trên đường phố để ghi giấy phạt, người ta chửi thề bất cứ đâu và bất cứ thời gian nào, vậy thì đội quân “rình” ghi giấy phạt không lẽ rình rập trên cả nước nơi có con người xuất hiện hay sao? 
Thế nên, có ý kiến cho rằng, để ra một lệnh cấm thì quá đơn giản nhưng ai sẽ xử phạt? Làm sao để có chứng cứ? Người ta không nộp phạt thì làm thế nào?… Cũng giống như câu chuyện xử phạt hút thuốc lá, hay vợ chồng cãi nhau bị phạt… 1 triệu trước đó rồi cũng chỉ là ý tưởng khó thực hiện…
Có thể nói, ở bất cứ đất nước nào kể cả đất nước có những giáo phái cấm kỵ chuyện này thì người ta vẫn chửi thề, nói tục một cách thầm kín. Nó như một căn tính của con người mà nếu bị buộc phải nhìn nhận chửi thề, nói tục là một thói xấu thì con người cần phải có một bản lĩnh từ bỏ thói quen ấy như bỏ hút thuốc, bỏ rượu hay bỏ cờ bạc. 
Và theo GS Văn Như Cương, việc nói tục, chửi bậy xuất phát từ gia đình, chính nó như một tấm gương mà trẻ con soi vào để ứng xử như những gì chúng thấy từ mái nhà nhỏ bé của chúng, như văn hóa trong mỗi con người…

Đọc thêm