Một lễ hội cầu ngư độc đáo ở Hà Tĩnh vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ VH-TT&DL vừa có quyết định công bố Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm, xã Xuân Liên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: PV
Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm, xã Xuân Liên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: PV

Ông Ngô Văn Mạnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết, ngày 21/2/2024, Bộ VH-TT-DL có Quyết định số 389 công bố Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm, xã Xuân Liên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đây là niềm vui mừng, phấn khởi của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Sau khi có quyết định, xã sẽ giao cho các thôn, các dòng họ trên địa bàn chuẩn bị chu đáo kế hoạch, điều kiện để tổ chức lễ đón bằng công nhận trang trọng, ý nghĩa, theo đúng phong tục địa phương.

Lễ hội cầu ngư những ngày đầu năm là nét văn hóa tín ngưỡng có từ lâu đời của người dân xã Xuân Liên. Ảnh: PV

Lễ hội cầu ngư những ngày đầu năm là nét văn hóa tín ngưỡng có từ lâu đời của người dân xã Xuân Liên. Ảnh: PV

Cũng theo ông Mạnh, Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm diễn ra dịp đầu Xuân, vào ngày rằm tháng Giêng, gắn liền với đền Đông Hải thuộc thôn Lâm Hoa (xã Xuân Liên), thờ Đông Hải Đại Vương - cá Ông (cá voi). Đền có lịch sử hàng trăm năm đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Đây là lễ hội truyền thống lâu đời, nét văn hóa tín ngưỡng của người dân xã Xuân Liên và các xã quanh vùng có nghề đánh bắt trên biển. Sau nhiều năm bị mai một, gần đây, lễ hội đã được phục dựng.

Lễ hội góp phần giáo dục, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, tinh thần gắn kết cộng đồng...

Trong Lễ hội cầu ngư còn có các trò chơi dân gian như đi cà kheo. Ảnh: PV

Trong Lễ hội cầu ngư còn có các trò chơi dân gian như đi cà kheo. Ảnh: PV

Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức một cách trang trọng, gồm lễ tế tại đền và lễ rước Đông Hải Đại Vương ra biển, cầu mưa thuận, gió hòa, biển nhiều tôm cá, nhân dân ra khơi đánh bắt an toàn, thắng lợi.

Phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian, các đêm diễn xướng văn nghệ dân gian như: Trò Kiều, dân ca ví, giặm... Ngoài ra, tổ chức các hoạt động thể thao đua thuyền, đi cà kheo, kéo co, đấu võ cổ truyền... sôi nổi, náo nhiệt.

Đến nay, Hà Tĩnh đã có 4 lễ hội được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội đền Lê Khôi, Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông, Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn và Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm.

Đọc thêm