"Một màu sơn taxi” và cái nhìn về tư duy người quản lý

(PLO) - Có hai câu chuyện, tưởng như đơn giản nhưng rất đáng lưu ý ở Hà Nội trong cuối tuần qua. Đó là câu chuyện “bỏ loa phường” ở 4 quận nội thành có hiệu lực từ ngày 01/8 và xe taxi sơn một màu.
Ảnh từ internet.
Ảnh từ internet.

Với “loa phường”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký quyết định phê duyệt đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP”. Theo đó, TP sẽ sắp xếp lại hệ thống loa truyền thanh phường, xã, thị trấn theo hướng hiệu quả, tối ưu, phân bổ hợp lý, đặt tại địa điểm công cộng, đông dân cư, tránh ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, trật tự mỹ quan đô thị.

Các cụm loa phường tại địa bàn 4 quận cũ (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) chỉ phát nội dung thông báo các trường hợp khẩn cấp (phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh...) hoặc theo yêu cầu của TƯ và TP.

Địa bàn các quận còn lại, loa phường chỉ phát thông tin có liên quan đến dân cư trên địa bàn. Thời gian phát được quy định tối đa 2 buổi một ngày, 5 ngày/tuần và thời lượng tối đa 15 phút/buổi. Với thị xã Sơn Tây và các huyện, hệ thống loa được tiếp tục duy trì nhưng sắp xếp lại, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động…

Cùng với đó, TP sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới hình thức tuyên truyền, thí điểm sử dụng thiết bị thông minh phục vụ công tác thông tin cơ sở, từng bước thay thế hệ thống loa phường tại các phường thuộc quận nội thành...

“Loa phường” sản phẩm của tư duy thời chiến tranh đã hoàn thành “nhiệm vụ lịch sử”. Thế nhưng, bỏ “loa phường” thực sự là một cuộc “cách mạng” về tư duy và chỉ với Chủ tịch trẻ như ông Nguyễn Đức Chung mới làm được? Điều đó do thấy bất cứ sự thay đổi nào cũng khó khăn, đòi hỏi bản lĩnh của người lãnh đạo.

Với kinh doanh taxi, Sở GTVT Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP, dự kiến phê duyệt trong năm 2017.

Có nhiều điểm đáng lưu ý trong dự thảo này, ví dụ: từ năm 2025, thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn TP. Thực chất, quy định này nhằm “quản lý”. Câu chuyện “một màu” xe taxi đã được các “nhà quản lý” nói đến từ lâu, khi sửa đổi Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ. Khi đó người ta lý giải việc thống nhất màu sơn nhằm bảo đảm quyền lợi cho hành khách đi xe và khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn chân chính, kéo giảm được tình trạng xe taxi dù, taxi nhái. Thực tế cho thấy, dù vẫn dù, thậm chí hơn dù.

Như vậy “một màu” đâu phải “bảo đảm quyền cho khách”? Đấy là chưa nói đến “tư duy một màu” hoàn toàn không phải là “tư duy thị trường”. Màu sắc cũng là một phần của thương hiệu doanh nghiệp.

Hai câu chuyện cho thấy, để quản lý thực sự có hiệu lực, hiệu quả, các nhà quản lý cần sát thực tiễn, không thể “tư duy đồng nhất” xưa, cũ.

Đọc thêm