Một số bất cập cần khắc phục trong Nghị định 34

Sau khi Nghị định số 34/2010/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ) được ban hành, bên cạnh những tác dụng thì còn một số bất cập cần khắc phục. Xin nêu ra một số vấn đề cùng bàn thảo.

Sau khi Nghị định số 34/2010/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ) được ban hành, bên cạnh những tác dụng thì còn một số bất cập cần khắc phục. Xin nêu ra một số vấn đề cùng bàn thảo.

Thứ nhất, tại Điều 15, Khoản 1, Khoản 2 quy định xử phạt việc trồng cây, xây dựng lều quán, nhà ở … vi phạm đất dành cho đường bộ. Theo tôi, đất dành cho đường bộ- là thuật ngữ “ngoại đạo”, không có trong Luật Giao thông đường bộ. Vì thế, thuật ngữ này không thể bao gồm cả đất của đường bộ và hành lang an toàn đường bộ. Điều 15 quy định như thế sẽ không thể xử lý-dỡ bỏ được lều quán, nhà ở … xây dựng vi phạm hành lang an toàn đường bộ.

Thứ hai, Điều 19, Khoản 4, Phần c chỉ quy định xử phạt người lái ô tô “không có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường”. Chứ không có quy định xử phạt người lái ô tô không có bộ phận giảm khói và xả khí thải không đạt tiêu chuẩn giới hạn. Như vậy nếu thực tế ô tô có xả khói đen ngòm đến đâu chăng nữa, Cảnh sát giao thông cũng chỉ đứng nhìn khi lái xe xuất trình đầy đủ giấy hoặc tem kiểm định còn hạn sử dụng. 

Thứ ba, tình trạng mô tô, xe gắn máy từ tỉnh nọ mua bán, chuyển vùng về tỉnh kia; từ người này bán cho người khác mà không làm thủ tục chuyển vùng, sang tên đổi chủ còn tương đối đại trà, gây khó khăn cho công tác điều tra TNGT (khi lái xe gây tai nạn bỏ chạy). Đấy là chưa kể đến việc Nhà nước sẽ thất thu một khoản thuế trước bạ. Song về lỗi vi phạm này, điều 33 chỉ quy định phạt tiền từ 1 trăm nghìn đồng đến 2 trăm nghìn đồng là chưa thoả đáng.

Cần quy định chặt việc đọi mũ bảo hiểm khi đi xe máy    Ảnh minh họa

Thứ tư, trở lại vấn đề người đi mô tô, xe gắn máy đội mũ bảo hiểm dởm cũng “hiên ngang” như người đội mũ bảo hiểm xịn. Vì Điều 9 chỉ quy định phạt tiền người đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chứ không quy định cấu tạo và tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn (TCVN) của mũ. Cho nên CSGT chẳng thể “bắt bẻ” người này đội mũ bảo hiểm không có phần đệm hấp thu xung động bên trong thân mũ, người kia đội mũ thiếu bộ phận chắn gió, che mắt. Hậu quả sẽ rất hạn chế tác dụng của việc bắt buộc người đi mô tô, xe gắn máy đội mũ bảo hiểm. Mà thực tế mới chỉ mang nặng tính hình thức.

Thứ năm, việc quy định khu vực nội thành đô thị loại đặc biệt, để phục vụ nhân dân chấp hành mức phạt (người vi phạm về giao thông) sẽ liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như: địa giới hành chính, quy hoạch kiến trúc xây dựng, giá cả đền bù đất đai… Do đó, không nên giao UBND 2 thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội quy định khu vực nội thành tại Điều 57, Khoản 6 (NĐ 34), mà nên giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp UBND 2 thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng các Bộ Xây dựng, Tư pháp… trình Thủ tướng ký-ban hành quy định (khu vực nội thành).

Mong rằng những ý kiến trên sẽ được Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia xem xét. Nếu cần thì hiệu chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quy định bổ sung để NĐ 34 hoàn thiện hơn-đi vào thực tế cuộc sống xã hội chúng ta, trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông. 

Nguyễn Thành Lập

Đọc thêm