Mua bán dự án năng lượng tái tạo: Làm gì để đảm bảo an ninh năng lượng?

(PLVN) - Việc mua bán các dự án năng lượng tái tạo là chuyện bình thường, được pháp luật cho phép nhưng M&A (mua bán sáp nhập) như thế nào để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là điều mà nhiều chuyên gia lo ngại. 
M&A các dự án năng lượng tái tạo đã diễn ra khá nhiều ở Việt Nam.

Nhu cầu mua bán lớn!

Tính đến thời điểm này, các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) đổi chủ khá nhiều, trong đó các ông chủ mới đa phần là nhà đầu tư nước ngoài, từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc... Trên thị trường, Công ty RumtechS JSC đã từng đăng tin công khai: Với sự uỷ quyền của Tập đoàn Công nghiệp Đức Noar Industries và Hiệp hội Nhà đầu tư châu Âu, RumtechS JSC nhận chuyển nhượng 100% cổ phần các dự án, nhà máy điện tái tạo như điện mặt trời (ĐMT), điện gió, điện rác, điện khí… có công suất tối thiểu từ 30MW, đã đi vào vận hành thương mại và có giá bán điện FIT1 hoặc FIT2. Công ty CP Giải Pháp TOMICA (một thành viên của Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam) cũng thông tin về việc sẵn sàng đứng ra làm cầu nối giữa bên mua và bên bán trong các dự án NLTT.

Có thể thấy nhu cầu mua bán các dự án NLTT là hoàn toàn có thật. Việc các DN nước ngoài muốn đầu tư vào ngành NLTT Việt Nam dưới hình thức M&A là chuyện bình thường. Bộ Công Thương cũng đã từng phát đi thông báo cho rằng, việc mua bán các dự án này là việc hoàn toàn bình thường và được pháp luật cho phép.

Tuy nhiên, việc bán các dự án NLTT cho các chủ đầu tư ngoại cũng khiến dư luận băn khoăn. Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cũng cho rằng, nếu là các dự án khó khăn thì phải có cách nào đó để các doanh nghiệp (DN) Việt có thể tham gia được một phần nào đó của dự án, chỉ bằng cách ấy DN Việt mới dần lớn lên được, có thể tham gia những dự án khó khăn như các dự án điện gió xa bờ…

Cần có chiến lược chọn đối tác 

Trong khi các chuyên gia vẫn lên tiếng lo lắng về vấn đề mua bán các dự án NLTT thì tin Trung Nam Group bán 49% cổ phần tại dự án ĐMT Trung Nam Thuận Bắc (Ninh Thuận) cho Công ty CP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) khiến dư luận ngạc nhiên. Bởi dự án được chuyển nhượng có vốn đầu tư tới 5.000 tỷ đồng, với công suất 204MW vừa được vận hành hơn 1 năm trước và được hưởng giá bán điện 9,35 cent/kWh trong 20 năm theo chính sách ưu đãi. 

Đáng chú ý, thông tin này lại do chính ACIT phát đi. Theo đó, bản tin của ACIT cho biết đã mua 49% cổ phần của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc của Trungnam Group. Sau khi hoàn tất chuyển nhượng 49% số cổ phần, Trung Nam cũng đã chuyển giao chức vụ Giám đốc Công ty CP ĐMT Trung Nam cho một Phó Tổng Giám đốc ACIT. 

Chỉ với thông tin này, lập tức ACIT trở thành một cái tên được tìm kiếm khá “hot”. Bởi dư luận muốn “xem giò, xem cẳng” DN nhảy vào dự án được coi là khá “béo bở” và là tiền đề tạo dựng danh xưng “nhà đầu tư NLTT hàng đầu Việt Nam” của Trung Nam. Lúc này, nhiều người mới biết ACIT là một DN sản xuất, kinh doanh và lắp đặt các thiết bị điện và mới đầu tư vào mảng NLTT thời gian gần đây. Trong đó sở hữu Nhà máy điện mặt trời Bầu Zôn (Ninh Thuận) có tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. ACIT là một trong những đơn vị triển khai thi công các công trình NLTT như Nhà máy ĐMT Trung Nam Thuận Nam công suất 450MW, Nhà máy ĐMT Hòa Hội công suất 257MWp, cụm Nhà máy ĐMT Dầu Tiếng tổng công suất 500MWp, Nhà máy Điện gió Trung Nam Ninh Thuận công suất 148MW....

Từ khi thành lập (2006) cho đến nay, Công ty này chủ yếu làm nhà thầu cung cấp các sản phẩm và thi công xây lắp các dự án điện, các dự án hạ tầng lớn như hầm đường bộ Hải Vân 2, hầm đường bộ Đèo Cả, hầm đường bộ Cù Mông, cảng quốc tế Lạch Huyện… Như vậy, có thể thấy ACIT là một DN lớn nhưng lại khá “kín tiếng” cho tới khi công bố mua nhà máy ĐMT Trung Nam.

Nói về việc bán cổ phần nhà máy ĐMT cho ACIT cũng như 35% cổ phần của nhà máy điện gió cho một DN Nhật Bản (một thành viên của Tập đoàn Hitachi), ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Trung Nam Group khẳng định, M&A trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng là cách thức để làm DN khỏe hơn bởi nó đồng nghĩa với việc DN có thêm vốn đối ứng để chứng minh với ngân hàng. Từ đó có thể tiếp tục vay thêm vốn thực hiện các dự án khác để phát triển tầm vóc DN. 

Riêng về lo ngại vấn đề an ninh năng lượng, ông Tiến chia sẻ, Trung Nam không bao giờ bán cổ phần chi phối và bán cho các đối tác có nguồn vốn không rõ ràng. Ông Tiến cũng tiết lộ, trước khi bán 35% cổ phần nhà máy điện gió cho Hitachi, đã có nhiều đối tác từ Philippines, Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc) đặt vấn đề mua cổ phần Trung Nam nhưng bị từ chối. “Trung Nam sẽ chỉ chọn bán cho chính DN Việt hoặc những tập đoàn châu Âu, Mỹ hoặc các tập đoàn Nhật có nền tảng tốt”, ông Tiến nói. 

Theo một số chuyên gia kinh tế, trong khi vẫn chưa có cách thức để kiểm soát việc bán, chuyển nhượng các dự án NLTT, đặc biệt là các dự án có vị trí nhạy cảm thì việc mỗi DN Việt cần có chiến lược cẩn trọng trong việc lựa chọn đối tác.

Đọc thêm