Mùa lễ hội Kỷ Hợi 2019: Quyết “dẹp loạn” hình ảnh phản cảm

(PLVN) - Năm 2019, mùa lễ hội đầu tiên sau khi Nghị định 110/2018/NĐ- CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội của Chính phủ được ban hành. Nếu các địa phương có lễ hội không có giải pháp khắc phục tiêu cực, tiếp tục để xảy ra các hiện tượng phản cảm khiến dư luận xã hội lên án thì lãnh đạo địa phương sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Hiện, các ban tổ chức đưa ra nhiều phương án “dẹp loạn” hình ảnh phản cảm để tổ chức lễ hội trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm.
Lễ hội Gióng Đền Sóc

Lắp camera, xử phạt nghiêm trường hợp cố tình ép giá, ép khách…

Lễ hội đền Trần Nam Định, hình thức phát ấn được duy trì vào đêm 14 và rạng sáng 15 tháng Giêng (ngày 18 và 19/2/2019). Theo ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban quản lý đền Trần cho biết, dự kiến, mùa lễ hội 2019 sẽ phát ra khoảng 10 vạn lá ấn.

Ban Tổ chức tiếp tục lắp camera tại các điểm nóng để nhanh chóng có phương pháp xử lý nếu phát hiện ra những sai phạm hoặc những hình ảnh không đẹp tại lễ hội.

Được biết, mùa lễ hội năm 2018, việc lắp đặt camera giám sát tại khu vực đền Trần đã phát huy tác dụng, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm. Ví dụ, hiện tượng ném tiền vào nơi thờ tự; hình ảnh cán bộ, công chức đi lễ trong giờ làm việc; ăn xin, ăn mặc không phù hợp vào đền…

Với chủ đề “Lễ hội kỷ cương, văn minh du lịch”, Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương 2019 đã quyết định không bố trí điểm kinh doanh ở nội tự các chùa, động, đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn, khu vực sân di tích.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, Ban Tổ chức đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh khu vực lễ hội không quảng cáo và tổ chức các dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội; không cho phép phương tiện xe công nông, xe lam hoạt động trên các tuyến đường bộ; xuồng, đò có gắn máy động cơ không có giấy phép không được hoạt động trên suối Yến…

Năm Kỷ Hợi, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm những trường hợp cố tình ép giá, ép khách, nhũng nhiễu đòi tiền bồi dưỡng. Lực lượng chức năng cũng kiểm tra, quản lý chặt chẽ vé thắng cảnh, xử lý trường hợp tranh giành, dẫn khách trốn vé... 

Cũng như năm trước, ở Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn năm Kỷ Hợi, Ban Tổ chức chia nhỏ lộc để tán lộc tránh tình trạng tranh giành cướp lộc, đánh nhau gây thương tích. Công an huyện Sóc Sơn cũng xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự trong các ngày diễn ra lễ hội, có phương án tổ chức bảo vệ đoàn rước hoa tre thôn Vệ Linh và trầu cau thôn Đan Tảo theo đúng nghi thức, xử lý nghiêm các hành vi gây rối trật tự công cộng. Đồng thời, đảm bảo an toàn giao thông, có phương án chống cướp giật trên núi đảm bảo an toàn cho khách về dự lễ hội.

Chọi trâu Hải Lựu (Vĩnh Phúc) cũng thay đổi. Bên cạnh đó, không tổ chức bán vé thu tiền vào lễ hội, huy động xã hội hóa bù đắp chi phí. Hàng rào chắn và cổng ra vào sới chọi được bố trí kiên cố, khu giết mổ được xây dựng riêng biệt, đảm bảo vách che kín đáo và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đối với cướp Phết Hiền Quan (Phú Thọ), chỉ tổ chức diễn phết mà không tổ chức cướp phết nhằm tránh hiện tượng tranh cướp, chen lấn xô đẩy quá đà. Lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc) với màn… cướp chiếu, Ban Tổ chức đã tiến hành đặt may chiếu đơn giản, không có diềm xung quanh, không có nút thắt để dễ tản chiếu, dễ phát lộc cho người tham gia.

Lãnh đạo địa phương sẽ chịu trách nhiệm nếu lễ hội xảy ra phản cảm

Mùa lễ hội 2019, Nghị định 110 về quản lý và tổ chức lễ hội đi vào đời sống, giao trách nhiệm cho tất cả các ngành, từ Công an, Y tế, Giao thông cho đến Văn hóa, Thông tin và truyền thông… Trong các hoạt động đó, các ngành phải chủ động xây dựng kế hoạch để tăng cường công tác quản lý, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ở lĩnh vực của mình theo Nghị định mà Chính phủ giao. 

Ngày 23/1/2019, Bộ VH-TT& DL có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019. Theo đó, Văn bản số 323/BVHTTDL-VHCS do Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ký.

Tại văn bản đó, có nhấn mạnh nhiều nội dung trong đó có nội dung: các địa phương không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.

Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Nghị định của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội đã phân cấp quản lý rất rõ ràng. Nếu các địa phương có lễ hội không có giải pháp khắc phục tiêu cực, tiếp tục để xảy ra các hiện tượng phản cảm khiến dư luận xã hội lên án thì lãnh đạo địa phương sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Đọc thêm