Lễ hội mang đậm nét tâm linh, xuất phát điểm là lòng thành kính của cả cộng đồng đối với sức mạnh thiên nhiên hoặc nhân vật lịch sử đã được thần thánh hóa. Ngay cả những lễ hội mang tính bạo lực như đâm trâu, giết lợn cũng nhằm tôn vinh và tỏ lòng thành kính với các lực lượng siêu nhiên, tế lễ một vị thần linh nào đó. Vì thế, chớ vội chỉ phê phán một chiều hoặc cấm đoán, can thiệp thô bạo vào đó mà chỉ nên hạn chế sự phô diễn quá mức thành tàn bạo trước công chúng.
Hoặc, tục cướp hoa, cướp lộc cũng là nét văn hóa truyền thống của lễ hội bởi đi lễ hội là cầu may đầu xuân, “cướp” là biểu hiện của sự đua tranh, sức mạnh mà thôi. Cái “cướp” được không có giá trị vật chất, đơn giản chỉ mang ý nghĩa tâm linh, “lấy may” cho năm mới. Do vậy, khi Ban tổ chức Lễ hội Đền Gióng thay thế việc cướp hoa bằng việc phát hoa đã có những ý kiến không đồng tình.
Rất nhiều lễ hội của nước ta, ở các dân tộc khác nhau mang màu sắc vũ lực như tranh phết, đấu vật, cướp cầu, đâm trâu... thậm chí tụ tập để đánh nhau cầu may. Đó là sự biểu dương tinh thần thượng võ, phô diễn sức mạnh cơ bắp - cái cần có trong một đất nước luôn luôn bị ngoại bang nhòm ngó, cần có cái nhìn đúng mức và tôn trọng tập tục này. Duy trì trật tự lễ hội, ngăn cản những kẻ phá đám làm xấu đi hình ảnh lễ hội là chức năng của Ban tổ chức chứ không phải là cái gì không quản được thì cấm.
Cái nguy hiểm nhất, đáng báo động nhất là tình trạng lợi dụng lễ hội để kinh doanh, để làm những việc mê tín dị đoan, biến tướng những lễ hội thuần khiết tâm linh thành nơi buôn thần, bán thánh, kể cả việc tạo ra những lễ hội mới khiến ngày xuân lâm vào tình trạng bội thực lễ hội. Như vậy, nét văn hóa truyền thống quý giá đã không giữ được mà sự lai căng, nhốn nháo chiếm chỗ trong thánh địa tâm linh, đã không mang một ý nghĩa khuyến khích con người thiện lương mà còn phản văn hóa, phản giáo dục.
Lễ hội có điểm chung là tâm linh nên những nhà tổ chức lễ hội trước hết phải là người có tâm, hướng thiện. Rất đáng phê phán các hiện tượng lợi dụng lễ hội để quảng cáo cho thương hiệu, thi nhau lập kỷ lục về bánh chưng to, chai rượu khổng lồ,... biến sự thành kính dâng lễ thành sự biểu dương sức mạnh của việc ăn uống, mang cái thô lậu, nghênh ngang vào chốn linh thiêng.
Những lễ hội dân gian cần trả lại cho dân gian, để người dân địa phương tự tổ chức lễ hội của mình, sự quản lý đôi khi trở thành sự can thiệp quá mức, chẳng còn màu sắc dân gian nữa thì còn gì là lễ hội?
Du xuân và trảy hội, đó là nét đẹp văn hóa truyền thống, mang lại nhiều ý nghĩa trong việc cầu an, cầu may, cầu khỏe mạnh,... cho cuộc sống đáng sống hơn, là dịp để di dưỡng tinh thần, thu nạp năng lượng để năm mới tấn tới hơn năm cũ, nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước. Nét đẹp văn hóa đó cần trân trọng giữ gìn chứ không phải nhân cơ hội đó mà “chặt chém” – theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này!