Mua ô tô ở nội địa, vẫn bị coi là buôn lậu

(PLO) - Sau 3 lần bị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh Quảng Ninh đã buộc phải thay đổi Quyết định khởi tố đối với Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1974, trú tại TP Uông Bí, Quảng Ninh) từ tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Tuy Hùng được chuyển sang tội danh nhẹ hơn nhưng vợ bị can này liên tục có đơn cho rằng chồng mình bị truy tố oan vì không chứng minh được việc Hùng mua và cầm cố xe ô tô nhập lậu.

2 năm tạm giam và 3 lần điều tra bổ sung

Ngày 30/5/2014, trong khi làm nhiệm vụ, Công an tỉnh Quảng Ninh đã tạm giữ hành chính 1 xe ô tô Range Rover Sport HES do người sử dụng không xuất trình được giấy tờ hợp pháp. Lái xe cho biết họ nhận quản lý giúp xe ô tô cho ông Nguyễn Trung Kiên (SN 1974, chủ hiệu cầm đồ Trung Kiên ở khu 3, phường Trưng Vương, TP Uông Bí).

Lúc đầu, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho rằng chiếc xe trên là xe nhập lậu do Nguyễn Văn Thành (tức Hải “lé”, SN 1982 trú tại phường Hải Hòa, TP Móng Cái, Quảng Ninh) mua của A Sáng (người Trung Quốc). Sau đó, Thành nhờ Hùng bán hộ xe. Hùng đã nói dối là xe mới mua, chưa có giấy tờ để thế chấp cho ông Kiên vay tiền. Tháng 9/2014, Cơ quan CSĐT đã khởi tố, bắt  tạm giam Hùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đầu năm 2016 thì Thành bị khởi tố, bắt giam về tội “Buôn lậu”.  

Sau ba lần bị trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung, nhận thấy không đủ cơ sở để quy kết Hùng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của ông Kiên nên vào tháng 7/2016, Cơ quan CSĐT đã có Quyết định thay đổi quyết định khởi tố đối với Hùng sang tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Mới đây, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã có Cáo trạng truy tố Thành về tội “buôn lậu” vì cho rằng bị can này đã mua chiếc xe ô tô Range Rover Sport HES của A Sáng (người Trung Quốc). Hồ sơ thể hiện chiếc xe trên là do Cty CP Quốc tế Tân Đại Dương làm thủ tục hải quan theo hình thức tạm nhập tái xuất và đã xuất qua cửa khẩu Ka Long. Mặc dù biết chiếc xe trên là hàng nhập lậu, do Thành buôn lậu mà có nhưng ngày 20/6/2012, tại TP Uông Bí, Hùng vẫn mua chiếc xe trên với giá 1,3 tỷ đồng. Vì vậy, Hùng bị truy tố về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. 

Mua ô tô ở nội địa, vẫn bị coi là buôn lậu

Theo quy định tại điều 153 BLHS thì dấu hiệu bắt buộc của tội buôn lậu là hành vi “buôn bán trái phép qua biên giới”. Tuy nhiên, trong vụ án này thì cả CQĐT và VKSND tỉnh Quảng Ninh đều không làm rõ được việc chiếc xe Range Rover Sport HES đã được đưa qua biên giới trái phép như thế nào, càng không chứng minh được Thành là người mua bán chiếc xe này qua biên giới. Cả Kết luận điều tra (KLĐT) và Cáo trạng đều nêu rõ A Sáng giao và bán cho Thành xe với giá 35 vạn nhân dân tệ (tương đương 1,2 tỷ đồng) tại khu vực ngã ba ông Liềng, thuộc khu 4, phường Hải Hòa, TP Móng Cái, Quảng Ninh. 

Luật sư (LS) Nguyễn Anh Tuấn (Cty Luật TNHH Trường Lộc) cho rằng, địa điểm giao nhận hàng hóa này nằm hoàn toàn trong nội địa Việt Nam nên không thể nói Thành có hành vi buôn lậu được.

Thông tin cụ thể hơn, LS Tuấn cho hay, Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC quy định rõ “tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua). Như vậy,  khi không chứng minh được Thành có được chiếc xe trên do đã trực tiếp mua bán qua biên giới thì cũng có nghĩa là Hùng không có hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Trước cáo buộc về quá trình sử dụng chiếc xe Range Rover Sport HES, Hùng khẳng định mình không phải là chủ sở hữu chiếc xe mà chỉ là người giới thiệu để Thành và anh Nguyễn Anh Dương mang xe đến cầm cố cho ông Kiên. 

Trong khi đó, CQĐT và VKSND tỉnh Quảng Ninh thì vẫn cho rằng Hùng đã mua (tiêu thụ) xe và nhờ anh Dương đưa xe đến chỗ anh Kiên để cấm cố, vay 1,55 tỷ đồng. Tuy nhiên, cáo buộc này vô lý ở chỗ, Giấy biên nhận vay tiền 1,55 tỷ đồng này không hề liên quan đến Hùng vì chỉ có tên và chữ ký của Dương và cũng không ghi nội dung về tài sản thế chấp.

KLĐT mô tả, Hùng mua xe giá 1,5 tỷ; sau khi nhận 1,55 tỷ từ anh Dương thì Hùng đã trả Thành 1,25 tỷ đồng vào ngày 20/6/2012. Trong khi đó, Cáo trạng lại kết luận khác: Hùng mua xe giá 1,3 tỷ đồng và trả Thành 1,3 tỷ đồng vào ngày 20/6/2012 (không trừ 50 triệu tiền đặt cọc-PV). Còn tại đơn đầu thú thì Thành lại khai mình được người đàn ông đi cùng Hùng đưa 1,45 tỷ đồng. Khi người này đi khỏi thì Thành đưa lại Hùng 200 triệu.

Không biết, tại phiên tòa tới đây, TAND tỉnh Quảng Ninh có làm rõ được các mâu thuẫn trong những cáo buộc về việc Hùng mua xe và cầm cố xe trên đây?

Đọc thêm