Mùa tựu trường, bình về những điểm 10 môn Văn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù vẫn còn hãn hữu, có thể nói là đếm trên đầu ngón tay nhưng các kỳ thi Tốt nghiệp THPT vừa qua đã xuất hiện những điểm 10 môn Ngữ Văn. Điều này liệu có bình thường? PLVN ghi nhận một số ý kiến bình giải về câu chuyện này.

Có câu “Học văn là học làm người”, hay “văn mình vợ người”. Cũng chính vì tính chất đặc thù nên cho đến nay, trong khi các môn khác đã thi trắc nghiệm thì Ngữ Văn vẫn thi luận. Và vì thi luận nên để đạt điểm tuyệt đối, vẹn tròn “đã khó lại càng khó”. Các kỳ thi tuyển sinh trước đây, đạt điểm điểm 8 môn Văn đã được xem là giỏi.

Ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng, đã là môn học trong trường phổ thông và được dùng làm môn thi (không phải để sáng tác) nên Ngữ Văn cũng có tiêu chí đánh giá, có đáp án, thang điểm. Vì vậy cũng không nên quá khắt khe. Đương nhiên, bài thi được cho điểm 10 ngoài việc bám sát đáp án còn cần có sự nổi trội, ưu điểm vượt trên các bài thi khác.

Người chấm sẽ cân nhắc kỹ lưỡng

Ts. Đỗ Thị Thu Thuỷ - Trưởng Khoa Viết văn – Báo chí (Trường Đại học Văn hoá Hà Nội).

Ts. Đỗ Thị Thu Thuỷ - Trưởng Khoa Viết văn – Báo chí (Trường Đại học Văn hoá Hà Nội).

Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thuỷ - Trưởng Khoa Viết văn – Báo chí (Trường Đại học Văn hoá Hà Nội) cho rằng: Căn cứ đầu tiên khi chấm bài thi bất kỳ môn nào là đáp án/hướng dẫn chấm theo nội dung và thang điểm qui định của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên khác với bài thi các môn Khoa học Tự nhiên, Ngoại ngữ, kể cả một số môn Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý) mà hầu hết hiện thi trắc nghiệm, thí sinh chỉ cần làm đúng 100% như đáp án đã có thể đạt điểm tuyệt đối (điểm 10) thì môn Ngữ Văn, do bài thi theo hình thức viết tự luận/nghị luận (trừ phần đọc hiểu), gồm Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học.

"Vì thế để đánh giá một bài thi ở mức điểm tuyệt đối, tôi nghĩ ngoài việc đáp ứng đầy đủ yêu cầu/tiêu chí đặt ra như trong đáp án, cần/nên căn cứ thêm một số yếu tố được xem là đặc biệt (thậm chí khác biệt) của thí sinh thể hiện trong bài thi: khả năng tư duy, vốn kiến thức về đời sống, văn học, ngôn ngữ, cách lập luận, diễn đạt, hành văn…"

Theo TS Thủy, điều này cũng thể hiện điểm khác biệt của bài thi môn Ngữ văn so với bài thi các môn khác và cũng được lưu ý trong đáp án. Tuy nhiên, việc lượng hóa nội dung giữa bài thi trắc nghiệm và bài thi tự luận là không giống nhau, nhất là ở môn Ngữ văn nên trong cách đánh giá sẽ không tránh khỏi có trường hợp rơi vào chủ quan, cảm tính. Tâm lý thông thường của giáo viên là xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng để xác tín bài văn ấy có thực sự xứng đáng đạt điểm tuyệt đối hay không?

Liên quan đến điểm số môn Văn so với các kỳ thi tuyển sinh trước đây, TS Đỗ Thị Thu Thủy cho rằng: rất khó để so sánh việc chấm điểm môn Ngữ văn (rộng hơn là các môn học khác) hiện nay so với trước đây bởi những thay đổi về chương trình, cách đánh giá, những yêu cầu, định hướng phát triển năng lực người học… chưa kể tới những tác động xã hội khác.

“Tuy nhiên do đặc trưng riêng của môn học này, tôi cho rằng những bài văn được đánh giá ở mức điểm tối đa sẽ có chung một số tiêu chí khác biệt so với bài thi của thí sinh khác như đã đề cập ở trên, trong đó những bài viết thể hiện kiến văn sâu rộng, sự sáng tạo trong tư duy, diễn giải vấn đề, trong cách thức diễn đạt…thường sẽ gây chú ý và thiện cảm với người đọc/người chấm”.

Vì sao môn Văn ít điểm tuyệt đối?

Còn TS Nguyễn Phượng – Giảng viên Khoa Ngữ Văn (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) trước khi phân tích chi tiết đã đưa ra một vài số liệu để so sánh.

Theo đó, năm 2020, tổng số điểm 10 cho tất cả các môn là 5.965 trong đó môn Văn chiếm 2 điểm 10 cho một học sinh ở Nam Định và một học sinh ở An Giang. Năm 2021, tổng số điểm 10 cho tổng tất cả các môn tăng vọt lên 24.555 (gấp 4 lần năm 2020), trong đó môn văn chiếm 3 cho một học sinh ở Quảng Nam, Tiền Giang và Thừa Thiên Huế.

“Nhìn qua tỉ lệ có thể thấy môn Ngữ Văn dù là một trong những môn quan trọng nhất của bậc giáo dục phổ thông, chiếm thời lượng lớn, là một trong những môn học được đầu tư kỹ lưỡng hơn các môn khác. Tuy nhiên, về mặt điểm số, như chúng ta thấy đó là môn có điểm tuyệt đối ít nhất trong tất cả các môn không chỉ bây giờ mà cả nhiều năm trước đây”, TS Phượng nhận xét.

Về nguyên nhân của thực tế này, theo vị giảng viên môn Ngữ văn là do: Thứ nhất là đặc thù môn thi: Môn Văn là môn tự luận duy nhất trong các môn thi hiện hành. Đặc điểm của môn tự luận là thí sinh phải bộc lộ năng lực cá nhân mình qua các thử thách cực khó như: một hiểu vấn đề; hai giải quyết vấn đề; ba diễn đạt vấn đề và bốn năng lực sáng tạo trong khi xử lý vấn đề.

Khó có thí sinh nào thể hiện 100% năng lực cho các thử thách nói trên. Hiểu vấn đề tốt chỉ là điều kiện cần chưa phải là điều kiện đủ cho việc giải quyết vấn đề. Giải quyết vấn đề tốt cũng chỉ là điều kiện cần chưa phải là điều kiện đủ cho diễn đạt vấn đề. Và diễn đạt vấn đề tốt cũng chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ cho sáng tạo vấn đề.

Thứ hai là thời gian môn thi: Yêu cầu thể hiện 100% các năng lực nói trên trong khoảng thời gian 120 phút, khách quan mà nói: không chỉ cực khó đối với thí sinh mà còn là cực khó cả với những giám khảo tài ba nhất.

Thứ ba là đáp án: Đáp án môn thi Ngữ văn thực ra trừu tượng và mơ hồ hơn các môn thi khác. Do đó, khó có thí sinh nào vừa thỏa mãn tuyệt đối các yêu cầu của đáp án vừa đạt được sự đồng thuận tuyệt đối của các giám khảo. Trong khi đáp án các môn khác như: Toán, Lý, Hóa… là cụ thể, rõ ràng và do đó, việc đạt được sự đồng thuận giữa giám khảo và thí sinh là hiển nhiên.

Thứ tư là giám khảo và hội đồng giám khảo môn Văn từng khu vực chấm có những quan điểm khác nhau về vấn đề cho điểm tuyệt đối. Trước hết là do quan niệm đã thành gần như bất di bất dịch là môn Văn không thể cho điểm tuyệt đối và điều này đã ngăn cản việc các giám khảo cho điểm tuyệt đối môn Văn. Thêm vào đó, phần lớn giám khảo và hội đồng thi ngại sự săm soi, bàn tán của dư luận nên thường chọn giải pháp an toàn là cho điểm cận tuyệt đối, chẳng hạn: 9.5 hoặc 9.75.

Từ các khảo sát và phân tích trên có thể đi tới nhận định: việc cho điểm tuyệt đối với môn Văn là rất khó khăn và nếu có đạt được thì cũng rất hiếm hoi. Nhưng ngay cả việc cho điểm tuyệt đối hiếm hoi đó cũng không dễ nhận được sự đồng tình của dư luận.

"Yếu tố thoáng trong quan niệm và nhiệt hứng chủ quan khẳng định của cá nhân hoặc hội đồng giám khảo cho thí sinh điểm 10 môn văn nào đó vẫn can thiệp khá lớn vào việc cho điểm tuyệt đối. Đó cũng là nguyên nhân cho hiện tượng hậu kiểm diểm tuyệt đối môn Văn cho một vài trường hợp, người ta bỗng nhận thấy những sai sót như ngô nghê trong nhận thức và diễn đạt".

TS Phượng cũng bày tỏ ý kiến: Trong bối cảnh giáo dục đương đại, khi hệ thống tiêu chí đánh giá trong nhiều nền giáo dục khác nhau đã thay đổi thì theo xu hướng toàn cầu hóa, việc cho điểm tuyệt đối cho môn ngữ văn ở nước ta cũng có thay đổi. Điểm 10 cho môn Văn trong học trên lớp và trong các kỳ thi quan trọng đã xuất hiện nhiều hơn so với trước đây.

Cho dù vậy, người ta vẫn thấy việc chênh lệch tỉ lệ đến mức trở thành hiển nhiên mà không gây ngạc nhiên giữa điểm chấm môn Văn với các môn học khác thực sự là vô lý. Như thể một sự kỳ thị trên thực tế trong khi chúng ta vẫn nói: văn học là nhân học…

"Muốn thanh toán hiện tượng nói trên, chắc phải thay đổi hình thức thi nói chung và đặc biệt với môn Văn nói riêng. Chẳng hạn ở nhiều nước, người ta chuyển dần sang thi trắc nghiệm về năng lực ngôn ngữ, lượng câu hỏi lên tới 40 – 50 câu và chấm điểm theo hình thức scaled score (điểm chuyển đổi – PV). Với hình thức chấm này, số điểm tuyệt đối cho môn thi trong đó có một phần văn chương tăng lên ngang mức bình đẳng với điểm tuyệt đối của các môn thi khác", TS Phượng nêu ý kiến.

Điểm môn văn luôn mang tính tương đối. Bài làm dù đủ ý nhưng chưa hẳn đã được điểm cao vì còn phụ thuộc vào cách diễn đạt. Theo tôi, khi chấm văn giáo viên nên xem xét ở góc độ học sinh cảm nhận về tác phẩm như thế nào. Có thể đó là cách cảm nhận riêng của học sinh nhưng nếu giáo viên thấy nó không thoát ly văn bản thì vẫn có thể cho điểm tốt.

Tuy nhiên, cho một bài văn điểm cao nhất giáo viên nên hết sức cân nhắc. Bởi rất khó để "đi" hết các tầng vỉa của một tác phẩm hay. Rất ít khi ta nhìn nhận được tuyệt đối một tác phẩm. Nên trong môn văn, bài làm cực kỳ xuất sắc mới cho điểm 10. Còn không thì nên để mức dưới 10.

- Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý.

Đọc thêm