Hiếu là đạo lí của trời đất
Bất kì một quốc gia, tôn giáo nào cũng đều nhắc đến chữ hiếu, chỉ có điều cách thể hiện và quan niệm có phần khác nhau. Minh chứng là người giàu nhất nước Mỹ - tỷ phú Bill Gates cũng từng nói: “Tôi cho rằng, việc cần làm ngay không thể chờ đợi trong cuộc sống này đó chính là hiếu thuận với cha mẹ”.
Người xưa cũng thường nhắc nhở: hiếu là đạo lí của trời đất, tức là luật của trời, là nghĩa của đất. Hiếu được coi là biểu hiện của lòng yêu thương, là trách nhiệm với người thân. Gia đình là một xã hội thu nhỏ, vì vậy, sự hiếu thuận sẽ quyết định gia đình đó hạnh phúc hay không và chỉ khi nhà nhà đều hạnh phúc thì xã hội mới yên bình.
Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, quan niệm chữ hiếu trong một số người bắt đầu nhạt dần. Chúng ta thường nghe thấy câu, công việc bận bịu, muốn báo hiếu mà không có thời gian; thu nhập thấp quá, muốn tận hiếu mà không có khả năng thực hiện; hay làm ăn xa, đường xá đi lại khó khăn khó có cơ hội bày tỏ lòng hiếu thuận.
Không những thế, điều đáng trách ở đây là, có những người có cuộc sống đủ đầy nhưng không muốn phụng dưỡng cha mẹ, thậm chí có trường hợp còn ngược đãi chính người sinh thành ra mình. Chứng kiến những trường hợp này khiến người ta cảm thấy đau lòng. Bởi con người đều do cha mẹ sinh ra, trưởng thành cũng do cha mẹ nuôi dưỡng.
Vì thế, người xưa mới nói, ân nghĩa của cha mẹ vĩnh viễn không bao giờ trả hết được, cũng tuyệt đối không bao giờ được quên. Đối với cha mẹ, cho dù phải trả bao nhiêu tiền của, sức lực, thời gian cũng đều là điều nên làm. Đó là tấm lòng tri ân đối với cha mẹ mà từ cổ chí kim cha ông đã đúc kết thành một đức tính tốt, còn gọi là “mỹ đức” đời đời lưu giữ và giáo dục con cháu.
Chữ Hiếu trong quan niệm Phật giáo
Nhiều người do không hiểu hết triết lí nhà Phật nên khi thấy người xuất gia tu hành, dường như không liên hệ phụng dưỡng cha mẹ nữa nên cho rằng Phật giáo không coi trọng chữ hiếu. Nhưng trên thực tế lại hoàn toàn ngược lại, có thể nói trong giáo giới nhà Phật lại coi trọng chữ hiếu bậc nhất.
Trong triết lí nhà Phật, xét về phạm vi, hiếu được chia làm “hiếu trong cuộc sống nhân gian” và “hiếu vượt ra ngoài cuộc sống nhân gian”. Xét về mức độ, hiếu được chia làm bốn kiểu là: Đại hiếu (hiếu lớn); tiểu hiếu (hiếu nhỏ); viễn hiếu (hiếu xa); cận hiếu (hiếu gần).
Trong nhân gian người ta hiếu thuận với cha mẹ là cố gắng phụng dưỡng, thành tâm chăm sóc. Đại hiếu là báo đáp ân đức đời đời kiếp kiếp của cha mẹ. Tiểu hiếu là báo đáp cha mẹ trong kiếp sống hiện tại. Viễn hiếu là kính trọng tổ tiên, những vị hiền thánh trước đây. Cận hiếu là ngoài việc hiếu thuận với cha mẹ mình thì còn phải hiếu thuận với cha mẹ người khác.
Đại hiếu cũng chính là hiếu vượt trên cái hiếu ở trần gian. Người tu hành tuy không thể thực hiện chữ hiếu trong cuộc sống nhân gian nhưng sau này có thể giúp cha mẹ thoát khỏi bể khổ trần gian, để họ được sống ở cõi trời, hưởng an lạc.
Hoa đăng trong Lễ Vu Lan. |
“Hiếu vượt ra ngoài cuộc sống nhân gian” hay “xuất thế gian” trong triết lí nhà Phật tức là giải thoát người thân của mình khỏi cuộc sống luân hồi sinh tử. Nhà Phật cho rằng phương pháp hiếu thuận triệt để với cha mẹ là phải giúp cha mẹ thoát khỏi khổ đau hưởng sự an lạc, thoát khỏi luân hồi sinh tử.
Đức Phật muốn xuất giá đi tu nhưng cha ông không đồng ý, bắt ông phải lấy vợ, ông vẫn thuận theo ý cha. Lấy một người vẫn chưa đủ, cha ông còn muốn ông lấy vợ thứ hai, sau đó sinh con nối dõi, Đức Phật vẫn thuận theo. Khi Đức Phật hoàn thành xong tâm nguyện của cha, trong đêm tối Đức Phật dời khỏi cung điện, đi khắp nơi tìm thầy học đạo.
Sau khi Đức Phật tu thành chính quả, tức đã thành Phật, ngài tìm cách thuyết giảng giáo pháp cho cha mình, để người cha lĩnh hội được sự an lạc của sự giải thoát. Ông giúp cha mình vĩnh viễn thoát khỏi đau khổ trong kiếp luân hồi, đây chính là sự hiếu thuận lớn nhất trong giáo lí nhà Phật. Khi cha chết, Đức Phật vẫn về chịu tang, tự tay khâm niệm thi thể cha, sau đó cùng các anh em khiêng quan tài của cha đi an táng.
Trong hàng trăm điều thiện thì chữ “hiếu” đứng hàng đầu. |
Đức Phật làm được như vậy là tỏ lòng hiếu thuận triệt để. Nói cách khác, đứng trên lập trường chữ hiếu trong nhân gian thì người ta phải hiếu thuận với cha mẹ bởi cha mẹ như gốc rễ của cây lớn, là nguồn của suối, chăm sóc nguồn cội là đạo nghĩa trong trời đất. Cha mẹ là ân là phúc, nếu ân phúc ấy không báo đáp là đi ngược với lẽ của trời đất, nếu gốc rễ không được chăm sóc tốt thì cành lá liệu có thể phát triển được hay không? Người không tôn trọng cha mẹ, liệu con cái có tôn trọng mình hay không?.
Xét trên lập trường “vượt ra ngoài thế gian” thì người ta phải cố gắng tu hành, chịu khó học tập, giác ngộ chân lý để được cái tâm như Phật Đà, tức là đạt đến cảnh giới cao nhất của chữ hiếu. Đây là ý nghĩa siêu độ chúng sinh trong triết lí chữ hiếu của nhà Phật. Một người tu hành thành đạo có thể giải thoát được “cửu huyền thất tổ”.