Mùa xuân đến sớm nhờ... món nợ cuối năm

(PLO) - Cuối năm, Tết là dịp để vui, thì gia đình ông Hậu cứ buồn so vì… Tết. Nghĩ tới khoản nợ “to tướng” sắp tới ngày trả cả lãi lẫn gốc, ông bà héo hon mặt mày. Không trả được, gia đình mất Tết, có lẽ còn mất luôn căn nhà… Cực chẳng đã, ông đành họp gia đình…

Năm vừa qua, ông Chuyện quyết “vượt khó” kinh tế bằng một dự án xây trường học mới. Mối tốt ắt nhiều người nhăm nhe. Vì thế, ông cũng đi “chạy” dự án. Vét cả gia sản còn hơn trăm triệu, ông mang tới nhà của một người đàn ông tự xưng có khả năng giúp ông Hậu “về đích”. Người này còn hứa hẹn, nếu không giúp ông trúng thầu được sẽ tự động trả lại số tiền đã nhận, không thiếu một xu. Đến tận nhà, lại là chỗ quen biết từ trước, ông Hậu chẳng may may lo lắng. Đưa tiền xong, ông còn hồ hởi đi mua ít mồi, bảo cả nhà làm cơm… ăn mừng dự án mới sắp về tay.

Thế rồi, 1 tháng, 2 tháng trôi qua, ông Hậu không thấy người đàn ông kia gọi điện thông báo tình hình. Ông gọi, thi thoảng mới thấy người ấy bắt máy, cũng trả lời vắn tắt rằng “có gì mới sẽ chủ động gọi”. Lại đợi, tin tức ngày càng mất hút. Ông cùng vợ tới nhà người này thì thấy cửa nhà đóng im ỉm, bấm chuông không ai trả lời. Ông sang nhà hàng xóm hỏi thì tá hỏa biết tin người đó đã… ôm tiền bỏ trốn hơn 1 tuần nay, công an đang truy lùng. 
Ông im lặng không nói vì quá đau lòng, vợ ông khóc sụp ngay tại cửa nhà của gã. Chẳng cần nói thêm, cả hai vợ chồng ông hiểu rằng số tiền của mình đã chính thức “bốc hơi”, cộng thêm số tiền nợ cộng dồn từ trước đó. “Thế là mất Tết rồi ông ơi” – vợ ông vừa khóc, vừa nói.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Ảnh minh họa. Nguồn internet 
Ngay tối hôm đó, ông Hậu tổ chức họp gia đình, với sự góp mặt của 3 cô con gái đã lấy chồng và 3 chàng rể. Ông trầm ngâm kể rõ tình hình nợ nần, cũng như tình trạng “rỗng ruột” của kinh tế gia đình. Ông họp không để nhờ các con gồng gánh nợ cùng, mà để nói: “Cha xin lỗi, có lẽ cha sẽ rao bán nhà để trả hết nợ luôn. Hơn 200 triệu nặng lãi mà không trả thì lãi mẹ đẻ lãi con, không bao lâu sẽ mất cả căn nhà này mất. Bây giờ bán đi, cha sẽ dành phần tiền còn lại mua một căn hộ chung cư nhỏ, nợ nần cũng hết. Mất đứa thông cảm cho cha”. Nói đoạn, ông bảo các con về nhà, ông bà cũng buồn bã đi ngủ.
Nhưng 4 đứa con của ông Hậu không về, cũng không tài nào ngủ nổi. Họ ngồi cùng nhau, cùng bàn bạc với ý nghĩ giữ lại cho bố mẹ căn nhà, đặc biệt là khoản nợ nặng lãi kia. Thược, chị gái cả trong nhà là người cất tiếng đầu tiên: “Lương của chị khá cao, nhưng do mới làm nhà xong nên tích lũy cũng hết. Giờ chị nghĩ tới 1 phương án, là chị sẽ vay ngân hàng bằng lương và trả góp hàng tháng. Chị đoán sẽ vay được chừng hơn 100 triệu, trả trong vòng vài năm. Vay ngân hàng được thì ổn định, không bị đòi đột xuất hoặc chịu lãi cắt cổ như bên ngoài”. 
Nghe chị gái nói xong, Chuyên như mở cờ trong bụng: “Đúng đấy, em cũng vay lương em. Hai chị em góp lại cũng đủ cho bố trả phần nặng lãi. Những phần nợ còn lại sẽ từ từ tính tiếp”. 
Hùng – chồng của cô con gái thứ hai lúc này chậm rãi lên tiếng: “Hai chị em cứ tiến hành như vậy. Vợ chồng em không vay nhưng sẽ bán chiếc xe ô tô ít sử dụng để góp tiền. Mấy anh chị em chung tay sẽ giải quyết được cho bố mẹ đa phần nợ. Ít nhất sẽ giữ lại được ngôi nhà này. Thôi thì bố mẹ cả đời vất vả rồi, giờ đến lượt chị em ta cũng không sao. Thời buổi này làm ăn khó khăn, đây cũng là vận hạn chung của người thôi”
Sau buổi bàn bạc, phần ai người nấy tiến hành các thủ tục vay nợ, rao bán xe… Mấy chị em cứ âm thầm làm, không nói lại cho bố mẹ trước khi có kết quả cuối cùng. Sau 2 tuần triển khai, ngân hàng tiến hành giải ngân cho khoản vay của Thược và Chuyên, được hơn 200 triệu đồng. Chiếc xe ô tô cũ bán được hơn 300 triệu đồng. Đến lúc này, mấy chị em mới dồn góp lại, tới gặp bố mẹ thưa lại mọi chuyện. 
Vợ chồng ông Hậu nhận tiền từ các con mà run run xúc động. Ông Hậu không ngờ, những đứa con lại sẵn sàng vay mượn vì cha mẹ. Ông cũng thương các con phải vì ông mà vất vả. Nghe tâm sự của bố, chị Thược cũng nước mắt lã chã: “Một chút tiền này làm sao so sánh được những ngày bố mẹ chở chúng con đi học xa từ 4h sáng, dù mưa rét hay nắng nóng. Làm sao so được những gì bố mẹ đã bươn chải vì chúng con. Nếu có thể gom góp nhiều hơn, chúng con cũng làm. Nhưng tạm thời chỉ thế này thôi, bố mẹ hãy cho phép chúng con san sẻ bớt, mỗi người một chút sẽ đỡ áp lực nhiều phần…”.
"Nhờ" món nợ lớn cuối năm, cả nhà thêm gần nhau, mùa xuân dường như đến sớm hơn với đại gia đình ông Hậu.

Đọc thêm