Mục sở thị loại cây quý hiếm sắp cạn kiệt ở Việt Nam

(PLO) - Gù hương là loại cây khó trồng, khó sống nhưng lại có nhiều tác dụng nên được săn lùng, khai thác. Nhiều tài liệu cho rằng loại cây này đã gần cạn kiệt trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên ở tỉnh Yên Bái, vài gia đình đang cố giữ được vài cây loại này, mặc dù nhiều lần bị kẻ trộm nhòm ngó.
Một phần cây gù hương bị chặt...
Một phần cây gù hương bị chặt...

Chỉ độ vài năm về trước, giá một sập gỗ gù hương có thể bán được 200 triệu đồng. Khi đó người Trung Quốc lùng sục loại gỗ này để mua, bất chấp giá cao. Hiện nay, một sập gỗ gù hương dao động trên dưới 100 triệu đồng.

Giữ gỗ đặc biệt quý hiếm

Cách đây khoảng 30 năm, phong trào nấu tinh dầu gù hương tại tỉnh Yên Bái rất thịnh. Mạnh nhất là các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên. Gù hương được nấu để lấy tinh dầu bán ra nước ngoài làm thuốc chữa bệnh. Theo người dân hồi tưởng, lúc đó ven đường đầy những lò nấu tinh dầu thơm phức. Nhà nhà, người người nấu tinh dầu gù hương. Phong trào phát triển mạnh hơn cả nghề nấu tinh dầu quế hiện nay.

Anh Nông Văn Bắc, người dân huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái nhớ lại: Nghề nấu tinh dầu gù hương xuất hiện từ khi nào không ai rõ. Chỉ biết rằng, trong quá khứ, nghề này đã phát triển rất thịnh vượng, đem lại sự giàu sang, phú quý cho nhiều gia đình.

Ở Yên Bái có 2 loại gỗ mà người dân cùng gọi tên là gù hương. Loại thứ nhất gỗ màu đỏ, thơm. Loại thứ hai gỗ hơi vàng, chỉ có loại gù hương gỗ đỏ thì mới nấu được tinh dầu. Tinh dầu gù hương thường được dùng để chữa đau xương khớp, chữa cảm cúm... Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, những lọ tinh dầu gù hương đã được người dân gửi cho bộ đội chữa đau nhức xương khi hành quân qua bến Âu Lâu lên chiến trường Điện Biên Phủ đánh giặc.

Vì nghề nấu tinh dầu gù hương phát triển quá nóng dẫn đến loài gỗ này bị khai thác cạn kiệt. Đến khoảng những năm 1980, loài cây này gần như vắng bóng trên nhiều “thánh địa” gù hương, nhưng nghề vẫn tồn tại. Ban đầu, người ta chặt cây ở những cánh rừng ven khu dân cư, rồi dần dần họ rủ nhau vào tận rừng sâu, đốn hạ những cây gù hương có đường kính lên đến 2m. Chỉ cần đốn hạ được một cây như vậy thì một gia đình nấu nửa năm chưa hết. Cứ như thế, người dân phải vào rừng nhiều ngày liền để săn gù hương. Giữa chốn rừng thiêng nước độc, nhiều người đã phải bỏ mạng vì sốt rét rừng, bị gỗ đè chết... “Hết nạc vạc đến xương”, người dân quay sang bới đất đào gốc những cây gù hương đã chặt trước đó. Một thời gian sau, gốc cũng hết và nghề nấu tinh dầu gù hương cũng biến mất. Đến nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái không còn gia đình nào nấu loại tinh dầu thứ thiệt này.

Mục kích 6 cây gỗ quý tại Lục Yên

Thật may là loại gỗ gù hương quý hiếm này vẫn chưa biến mất hoàn toàn. Trên địa bàn các huyện Lục Yên, Trấn Yên vẫn còn lác đác non chục cây gỗ gù hương, được chủ vườn bảo vệ nghiêm ngặt.Gia đình ông Lục Văn Trường, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên hiện vẫn còn 4 cây gù hương. Trong đó, 1 cây có kích cỡ bằng vòng tay 1 người ôm, cao khoảng 30m, 3 cây còn lại nhỏ hơn. Những cây này có độ tuổi trên 30 năm và hiện được bảo vệ nghiêm ngặt. Ngoài gia đình ông Trường ra, tại Lục Yên còn có gia đình khác là ông Nông Văn Thu cũng tại xã Tân Lĩnh còn giữ được 2 cây gù hương có kích cỡ bằng 1 người ôm.

Ông Nông Văn Thu kể lại: Sở dĩ những cây gù hương này còn giữ được đến ngày nay là do truyền thống dùng thuốc lá Nam của người dân bản địa. Trong số các bài thuốc của bà con dân tộc nơi đây, vỏ rễ cây gù hương là vị thuốc đặc biệt có tác dụng chữa bệnh gan. Hồi những năm 1980 – 1985, cây gù hương này mặc dù còn nhỏ nhưng dân buôn vẫn đòi mua với giá cao. Suy nghĩ mãi, ông Thu quyết định giữ lại để làm thuốc, phòng khi trái gió trở trời. Nhưng vì độ hiếm của loại gỗ này nên cây gù hương của gia đình ông trở thành mục tiêu của người trộm cắp.

Ông Thu nhớ lại: “Hễ khi nào gia đình tôi đi vắng là mấy người dân tộc Dao liền mò vào đào trộm rễ về làm thuốc. Nhiều lần mình thương người ta thì cho họ bóc vỏ có giới hạn để không làm chết cây. Nhưng như thế họ không “đã”. Có hôm biết gia đình tôi đi công việc, họ đến định đào đổ cây gù hương để cưa luôn gốc. Khoảng cách đào đến gốc cây gù hương chỉ còn chưa đầy 60cm. May là tôi về kịp và đuổi mấy đứa ăn trộm đó đi”.

Cây gù hương của gia đình ông Lục Văn Trường cũng chịu cảnh tương tự. Tại vị trí gốc cây, dấu vết của những phi vụ kẻ gian đào bới lấy vỏ rễ vẫn còn. May mắn là thời gian gần đây, cây được gia đình ông Trường bảo vệ nghiêm nên không bị xâm phạm nữa.

Có thể phục hồi loài gỗ đặc biệt quý hiếm

Mặc dù gỗ gù hương rất hiếm, nhưng tương lai về việc phục hồi loài cây này là hoàn toàn có thể, thậm chí có thể nhân giống một cách rộng rãi từ vài cây gỗ còn sót lại.

Ông Lục Văn Trường cho biết, cây gỗ gù hương của gia đình ông bắt đầu ra hoa và quả cách đây hai năm. Mỗi năm, loài cây này ra hoa một lần, sau đó quả già thì rơi xuống gốc và mọc cây mới. Đầu năm 2016, ông Trường thử lấy hạt về ươm nhưng không thành công. Sau đó, ông để hạt mọc nảy mầm tự nhiên dưới gốc cây, hễ cây non nào mới lên là ông bứng cả gốc ươm bầu. Khi cây cao tầm 15cm ông đem ra vườn trồng.

Một điều lạ là trong số 6 cây gù hương hiện còn tại huyện Lục Yên, chỉ có cây gù hương của gia đình ông Nông Văn Trường ra hoa, cây khác có kích cỡ tương tự của gia đình ông Nông Văn Thu chưa bao giờ ra hoa. 

Ông Trường dự định ươm hạt gù hương để nhân giống ra diện tích đất rừng gần nhà. Loại gỗ này từ trước đến nay vẫn được ưa chuộng, không chỉ dùng để nấu tinh dầu mà làm đồ nội thất, làm nhà cũng rất tốt. Gỗ có tinh dầu nên bám mùi thơm rất lâu. Theo truyền thống trước đây, nếu làm nhà sàn thì mùi thơm trong gỗ có thể kéo dài được đến 30 năm. Độ bền ngang ngửa với gỗ pơ mu. Ông hi vọng, khoảng 30 năm nữa gia đình ông sẽ có một khu rừng gù hương độc nhất vô nhị trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

“Nhiều thương lái đến gia đình tôi đòi mua 1,5 triệu đồng/ gốc cây gù hương nhưng tôi không bán. Trong số 2 cây gù hương trong vườn thì có 1 cây là chồi của cây trước đó. Nếu đào gốc này lên ước tính khối lượng gỗ sẽ đạt khoảng 1,5 – 2 tấn. Nếu nấu tinh dầu thì được 4 – 5 nồi. Hiện tại tôi không có ý định bán cây gù hương, mà chỉ để làm thuốc chữa bệnh theo truyền thống của dân tộc”, ông Nông Văn Thu, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên cho biết.

Đọc thêm