Vấn đề về cấp sổ hộ khẩu và thay đổi sổ hộ khẩu cho hộ gia đình được quy định cụ thể tại Luật Cư trú năm 2006. Theo đó, các trường hợp liên quan đến hộ khẩu, hộ tịch này sẽ được điều chỉnh theo Luật Cư trú năm 2006. Cụ thể như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật cư trú năm 2006 thì những người ở chung một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột thì có thể được cấp chung một sổ hộ khẩu. Do đó, việc bạn đang sống cùng gia đình người anh của bạn trong căn hộ 30m2 do bố mẹ để lại (ở chung một chỗ ở hợp pháp) và được cấp chung một sổ hộ khẩu với gia đình nhà anh trai là phù hợp với quy định của pháp luật.
Về việc thay đổi chủ hộ trong thời gian bạn đang đi công tác nước ngoài: Việc anh trai bạn để cháu của bạn đứng tên là chủ hộ hoàn toàn có thể được mà không cần sử đồng ý của bạn (chỉ cần người con trai này đáp ứng đủ điều kiện về chủ hộ theo Luật Cư trú năm 2006 và có ý kiến của chủ hộ) vì tại Điều 29 Luật cư trú đã quy định rõ:
“Điều 29. Điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu
1. Trường hợp có thay đổi chủ hộ thì hộ gia đình phải làm thủ tục thay đổi chủ hộ. Người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến của chủ hộ hoặc người khác trong gia đình về việc thay đổi chủ hộ.”
Trong trường hợp này, nếu bạn có nhu cầu muốn thay đổi chủ hộ hoặc tách hộ khẩu thì có thể thực hiện như sau:
Trường hợp thứ nhất, bạn muốn đứng tên chủ hộ:
Như đã trích dẫn ở trên, theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Cư trú năm 2006 thì để thay đổi chủ hộ bạn cần nộp hồ sơ xin điều chỉnh thay đổi trong sổ hộ khẩu:
· Thành phần hồ sơ, bao gồm:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Xuất trình sổ hộ khẩu;
- Ý kiến của chủ hộ hoặc người khác trong gia đình về việc thay đổi chủ hộ.
· Nơi nộp hồ sơ điều chỉnh thay đổi trong sổ hộ khẩu:
- Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã.
- Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
· Thời hạn giải quyết:
Thông thường trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải điều chỉnh, bổ sung những thay đổi trong sổ hộ khẩu cho công dân.
Trường hợp thứ hai, bạn muốn tách hộ khẩu:
Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Luật Cư trú năm 2006 thì đối với người đang có cùng hộ khẩu với ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột có thể tách hộ khẩu khi có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu.
Để tách sổ hộ khẩu bạn cũng cần phải nộp hồ sơ tách khẩu tới cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể:
· Hồ sơ tách sổ hộ khẩu:
- Sổ hộ khẩu;
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02).
· Nơi nộp hồ sơ tách sổ hộ khẩu:
- Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã.
- Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
· Thời hạn giải quyết:
Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trân trọng!