Mưu sinh trong nghĩa địa

(PLO) -Nổi danh với “Thành phố lăng mộ”, người dân thôn An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đổ tiền tỷ để xây dựng lăng mộ với kiến trúc đồ sộ, độc đáo hiếm có trên nước ta. Và cũng chính nhờ những khu lăng mộ này đã nuôi sống biết bao người dân thợ nề của huyện Phú Vang.
Cả khu nghĩa địa là những lăng mộ “siêu sang”
Cả khu nghĩa địa là những lăng mộ “siêu sang”

Chạy dọc theo quốc lộ 49 về đến huyện Phú Vang hỏi đến “Thành phố lăng mộ” không một ai là không biết đến. Đi theo chỉ dẫn của người dân, tôi từ quốc lộ 49 rẽ vào con đường bê tông nhỏ dẫn ra bãi biển. Dọc hai bên con đường bê tông ấy nhà cửa, cuộc sống của người dân vẫn còn khá nghèo, chỉ khi bước chân qua cái cổng làng An Bằng thì trước mắt tôi là cả một thành phố thu nhỏ. Những ngôi nhà ở đây được xây dựng theo kiến trúc của những ngôi biệt thự sang trọng và hầu như gia đình nào cũng sở hữu cho mình những chiếc xe máy đời mới, khá nhiều nhà còn có cả những chiếc ô tô sang trọng đậu ngay giữa sân. 

Làng An Bằng trước kia là một làng chài nghèo thuộc xã Vinh An, đa số người dân chỉ bám biển mà sống qua ngày, họ chỉ đánh bắt gần bờ với những thuyền cá nhỏ. Vì cuộc sống khó khăn không ít người con làng An Bằng đã bỏ xứ đi “Tha hương cầu thực”, có nhiều người còn đi qua nước ngoài. Đến khoảng năm 1990 thì Nhà nước đã thay đổi chính sách, cho người Việt định cư ở nước ngoài gửi tiền về cho bà con, người thân ở quê nhà. Cũng chính từ đây, người dân làng An Bằng với khá nhiều người thân ở nước ngoài, nhất là Mỹ, đã được trợ cấp về tiền bạc cũng như mọi thứ vật chất và rồi cuộc sống của người dân nơi đây bắt đầu thay đổi, họ xây nhà cửa, mua xe… Nhưng người dân An Bằng lại có quan niệm “Sống cái nhà, thác cái mồ”, vì thế, khi cuộc sống họ đã dư dả thì họ lại đổ tiền vào xây dựng những ngôi mộ cho người đã khuất. Từ đây, ở An Bằng cả khu nghĩa địa mọc lên những khu lăng quy mô tráng lệ, độc đáo và đa dạng về kiến trúc, như phong cách Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Lão giáo… tất cả những công trình đồ sộ này đều do tiền của những người con An Bằng gửi từ nước ngoài về.

Người dân làng An Bằng đã không ngừng rót tiền tỷ để xây dựng những khu lăng tráng lệ. Để xây dựng được một cái lăng như vậy thì ít nhất phải chi ra khoảng 800 đến 900 triệu đồng, quả là một con số không nhỏ đối với người dân Việt, trong khi số tiền này lại được đổ xuống cho những người đã khuất. Nhưng cũng vì chịu chi cho người đã khuất của dân An Bằng lại là nguồn sống cho những thợ nề của những vùng lân cận.

Một thợ nề kiếm sống từ việc xây dựng những lăng mộ “siêu sang”
Một thợ nề kiếm sống từ việc xây dựng những lăng mộ “siêu sang”

Dù đến An Bằng vào ngày nào đi nữa, khi dạo một vòng quanh “Thành phố lăng mộ” tôi không khó để bắt gặp những người thợ xây, thợ phụ, thợ trang trí đang cặm cụi, cần mẫn bên nhưng lăng mộ. Tiến lại một khu lăng đang trong quá trình xây dựng phần thô, tôi bắt chuyện cùng bác Trần Tĩnh (52 tuổi), thợ phụ ở xã Vinh Thanh, một xã giáp với xã Vinh An. Khi tôi hỏi chuyện thì bác chia sẻ: “Tôi làm nghề xây lăng một này cũng ngót 20 năm nay rồi, vì nghề này có thu nhập ổn định và khá, công việc lại nhẹ nhàng. Cũng nhờ những khu lăng này mà chúng tôi có việc làm quanh năm, có tiền trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học”. Bác Tĩnh cũng cho biết thêm: “Thường thì có người sẽ đứng ra làm chủ thầu với một đội khoảng 20 người, họ nhận một lúc 3, 4 cái lăng và chia ra mỗi nhóm 6 người để làm. Và cứ mỗi nhóm như vậy nếu chúng tôi nhận khoán một cái lăng thường thì 3-5 tháng sẽ hoàn thành và tiền công khoán của cả nhóm khoản 200-300 triệu đồng tiền công tùy vào sự đầu tư vào lăng của mỗi gia đình”.

Rời khỏi cái lăng đang bắt đầu xây, tôi đi sâu vào khu nghĩa địa và may mắn bắt gặp một đội lao động khác đang tỉ mỉ gắn những hoa văn, chạm trổ Rồng, vẽ những họa tiết lên ngôi mộ đang trong quá trình hoàn thiện. Bác Đỗ Chấp (42 tuổi), cũng là một người có gần 20 năm trong nghề xây lăng mộ và là người xã Vinh Thanh cho tôi biết: “Tôi không biết sao họ lại có thể bỏ cả tỉ bạc chỉ để xây lăng mộ, tôi thấy nó phí quá. Nhưng mà không sao, nhờ vậy mà tôi đã có việc làm gần 20 năm nay, không chỉ tôi đâu, hầu hết những người thợ ở đây cho đến người chủ thầu đa phần đều là người xã Vinh Thanh”. Đặc biệt, trong nhóm của bác Chấp có một thanh niên còn khá trẻ, khi tôi hỏi đến thì mới biết cậu tên là Hồ Minh Sáu (19 tuổi), sau khi học xong 12 cậu đã xin vào nhóm và đi làm thợ phụ, tính đến giờ cũng được hơn 1 năm cậu đi làm lăng mộ.

Ngoài công việc cho những người thợ xây thì ở đây việc thuê người thắp nhang, bật điện, quét dọn và bảo vệ khu lăng mộ cũng mang lại thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng cho những người làm công. 

Đọc thêm