Mưu trí Quỷ Cốc Tử: Nghệ thuật 'muốn lấy phải cho'

(PLVN) - Muốn nghe được người khác nói thì bản thân mình phải im lặng để cho đối phương nói năng thỏa thích, còn bản thân mình thì ngậm miệng. Muốn để người khác phấn khởi nói ra hết thì bản thân mình phải trầm lắng. Muốn lấy được một cái gì đó của đối phương thì phải cho họ trước đã.
 Chuyện quan huyện Hứa Vân Mộng xử án bày trò phạt tú tài võ nghệ là một ví dụ điển hình nghệ thuật “muốn lấy phải cho” (Hình minh họa)
Chuyện quan huyện Hứa Vân Mộng xử án bày trò phạt tú tài võ nghệ là một ví dụ điển hình nghệ thuật “muốn lấy phải cho” (Hình minh họa)

Bình luận: Nghệ thuật “Dục thủ phản giữ”, muốn lấy phải cho là một cơ mưu biện chứng. Cũng như công việc đồng áng, muốn có thóc ăn thì phải bón phân trước. Trong làm việc cũng vậy muốn lấy được của người khác một thứ gì đó thì phải cho họ trước.

Trong xử thế hàng ngày, biết vận dụng cơ mưu này là có thể thành công. Nếu là một nhà hoạt động xã hội, bạn cần giúp đỡ quần chúng, mang lại một số điều có lợi cho họ thì mới nhận được sự ủng hộ của họ. Nếu là một nhà máy xí nghiệp, bạn phải quan tâm đến cuộc sống của công nhân viên, tìm kiếm lợi ích cho họ, khuyến khích họ ra sức sản xuất làm lợi cho xí nghiệp, mang lại lợi nhuận cao cho xí nghiệp.

Nếu là huynh trưởng, bạn cần quan tâm đến con cái, tạo ra môi trường sinh hoạt, học tập tốt đẹp cho con cái, con cái sẽ báo đáp lại. Bất cứ làm nghề gì, với thân phận gì, đều cần hiểu thấu tư tưởng này, dùng nó để chỉ đạo hành động của mình, có như vậy mới luôn giành được thắng lợi.

Chuyện bày trò phạt tú tài võ nghệ: Hứa Vân Mộng nhà Thanh đã từng làm tri huyện tại huyện Hoa Đình. Ông có tài xử án, rất mưu trí và thường có pha chút hài hước, nhiều vụ án do ông xét xử đã trở thành giai thoại của dân chúng địa phương.

Huyện Hoa Đình có một người đỗ tú tài ban võ, phẩm hạnh rất tồi, thường hay dựa vào danh vị của mình để gây rắc rối, bắt nạt dân lành, thật là một tên vô lại. Quan lại địa phương đau đầu vì hắn. Khi mới về nhậm chức tri huyện này. Hứa Vân Mộng đã gặp một chuyện rắc rối như sau:

Một hôm có một bác nông dân vào phố gánh phân, đã sơ ý làm bẩn quần áo của vị tú tài võ. Thế là chọc vào tổ ong rồi. Tú tài đời nào chịu, vừa bắt bác nông dân xin lỗi trước mặt công chúng, lau sạch chỗ bẩn, vừa thẳng tay đánh đập. Khách qua đường bất bình, xô tới khuyên ngăn. Tú tài thấy đông người lại càng lên mặt làm phách, lôi bác nông dân lên dinh quan huyện để kiện cáo.

Trên công đường, tú tài cố ý làm to chuyện, nói bác nông dân làm bẩn quần áo của hắn là do cố ý và khinh thường phẩm tước của triều đình. Hắn còn đe dọa nói nếu quan huyện không xét xử phạt nặng thì rõ là không làm tròn bổn phận, sĩ tử toàn huyện sẽ không chịu để yên.

Sau khi nghe lời trình của tú tài, quan huyện bèn hỏi bác nông dân và được biết toàn bộ sự việc. Ông suy nghĩ một chút rồi nghĩ ra một mưu kế. Thế là ông đập bàn quát to khiển trách bác nông dân: “Anh là một kẻ tiểu nhân dân dã đã làm bẩn quần áo của tú tài võ nghệ như vậy là hành vi phạm thượng. Đáng lẽ phải trừng phạt nặng nhưng bản quan thấy đây là lần phạm tội đầu tiên nên có khoan hồng đôi chút. Nay phạt anh phải rập đầu vái tạ lỗi 100 lần tú tài võ nghệ”. 

Bác nông dân run sợ quỳ xuống rập đầu vái tú tài. Khi vái được 70 lần thì quan huyện bảo dừng lại và hỏi tú tài võ: “Tí nữa quên mất, ông là tú tài ban văn hay tú tài ban võ nhỉ?”. Đối phương trả lời: “Tú tài ban võ ạ”.

Quan huyện lúc đó mới làm ra vẻ tỉnh ngộ nói: “Thật là sơ suất quá. Huyện ta có quy định: Người dân thường vái tạ lỗi các bậc tú tài thì đối với tú tài ban văn sẽ vái 100 lần còn đối với tú tài ban võ chỉ vái 50 lần. Nay anh nông dân đã vái quá mức 20 lần vậy tú tài võ phải vái hoàn lại đủ 20 lần”. Rồi ông ra lệnh cho tú tài võ phải rập đầu vái tạ bác nông dân.

Tú tài võ hố to, giận run người, mồm loa mép giải, cự tuyệt không chịu vái tạ. Quan huyện nghiêm sắc mặt, thét: "Anh là người có phẩm tước, sao lại dám chống lại phán quyết của quan lớn thụ mệnh triều đình”. Nói rồi sai lính đè đầu tú tài võ bắt vái tạ đủ 20 lần mới thôi.  

Có người nói quan huyện Hứa Vân Mộng xử vụ án này không theo “chính đạo” mà là dùng cách “phạt đùa", nói như vậy quả không sai. Tú tài võ là một tên vô lại quen dùng thủ đoạn làm bừa làm bãi. Loại người này có thể làm cho cái vô lý cũng trở thành có lý, không thể nói chuyện lý lẽ với hắn được.

Ông Hứa biết rõ mánh khoé của hắn, nên đã dùng mưu “muốn lấy phải cho”, phạt bác nông dân vái tạ hắn 100 lần, đợi khi đã vái tạ được 70 lần mới nói tú tài võ chỉ được hưởng 50 vái khiến cho hắn phải vái tạ hoàn lại 20 lần, như vậy là đã trừng phạt cái thói vô lại của hắn.

Chuyện Đường Bá Hổ vẽ tranh: Tại Hàng Châu thời nhà Tống có một chủ nhà trọ rất giảo quyệt, thường hay bắt chẹt khách hàng. Đường Bá Hổ là nhà danh họa, muốn dạy cho hắn ta một bài học.

Hôm đó lão chủ đến xin vẽ tranh chân dung. Đường bảo hắn: “Tranh tôi vẽ chia làm nhiều cấp. Tranh Phúc tướng loại 1 giá 20 lạng bạc, loại 2 giá 10 lạng bạc. Tranh Bần tướng chỉ 10 đồng cũng xong”. Lão chủ nghe nói chớp chớp mắt suy nghĩ: “Tên này đáo để thật bắt bí mình đây, nhưng mặc cả giá tranh thì kém thế quá”. Nghĩ vậy nên lão ta cười nói: “Đồng ý 20 lạng bạc nhưng xin nói trước nếu vẽ không giống thì ông phải đền tôi đủ 20 lạng".

Đường đồng ý ngay, chưa hút xong điếu thuốc đã vẽ xong. Lão chủ cầm bức tranh, giật mình, vẽ giống quá. Nhưng lão vẫn nói: “Không giống, chẳng giống tí nào cả". Đường đoán trước lão chủ sẽ giở mánh khoé đó nên chẳng cần tranh cãi mà chỉ yêu cầu lão ta viết lên bức tranh ba chữ "không giống tôi” rồi trả lại lão 20 lạng bạc. Lão chủ nhà trọ đắc ý lắm, ra về.

Đường Bá Hổ mang bức tranh đến phố huyện nhộn nhịp nhất, mở quầy treo tranh ở cửa một gian hàng lớn, vẽ thêm vài nét vào bức tranh rồi ghi thêm mấy chữ "tranh bần tướng". Tranh được treo cao, người đến xem bàn tán sôi nổi. Họ hàng bà con và bạn bè lão chủ nhà trọ nhìn thấy vội về báo tin, lão chủ tức lắm nhưng đã trót viết mấy chữ "tranh không giống tôi” rồi, chỉ còn cách cho người mang 50 lạng bạc đến xin mua lại bức tranh.

Đường Bá Hổ tránh giao chiến chính diện với lão chủ nhà trọ, không mặc cả giá tranh với hắn, cũng chẳng thèm tranh cãi tranh có giống người thật không mà là vận dụng mưu "muốn lấy phải cho", thuận theo ý của hắn công nhận tranh vẽ không giống, tìm ra một mẹo đối phó rất thích hợp khiến lão chủ nhà trọ mất mặt.

Quan thanh liêm dẹp nỗi bất bình: Trong dân gian có lưu truyền một câu chuyện sau. Một hôm có một bác nông dân gánh phân vào thành Tô Châu. Khi xuống cầu sơ ý bị trượt ngã, cả gánh phân đổ ra tung toé tại cửa một cửa hiệu quần áo. Chủ hiệu thấy thế giận lắm, bắt người nông dân phải cởi áo ra lau. Bác nông dân hiền lành sợ tái mặt, hai chân run bần bật. Bác van xin lão chủ cho phép đi gánh nước về rửa nhưng không được chấp nhận.

Đúng lúc đó thì quan huyện họ Lưu nổi tiếng thanh liêm đi qua. Ông nhìn thấy đám đông bèn dừng lại hỏi chuyện. Ông đã có chủ định, bèn lên mặt quan lớn khác hẳn với thái độ hiền từ xưa nay và nói: "Đúng rồi, ai bảo anh không cẩn thận làm bẩn hè cửa nhà người ta, phải cởi áo ra lau ngay, nếu dám cả gan chống lại sẽ bị xử phạt nghiêm khắc". Bác nông dân thấy quan huyện họ Lưu đến đã tưởng sẽ được bênh vực nhưng nghe thấy vậy thì tiu nghỉu, sự thể đã thế thì đành phải cởi áo bông rách nát ra lau hè cửa.

Cởi áo bông ra, người trần trụi, gió lạnh thổi, toàn thân nổi da gà rét run. Lão chủ hiệu cười gằn, sán đến gần quan huyện phỉnh nịnh: "Quan lớn đèn trời soi xét, chúng con xin đời đời nhớ ơn". Khách qua đường càng nhìn càng hận, thầm thì với nhau: “Quan huyện họ Lưu bình thường vẫn rất công minh, không ngờ cũng chỉ là một hạng quan lại hồ đồ bênh vực bọn giầu có, chèn ép dân đen”.

Một lúc sau bác nông dân đã lau sạch cửa. Ông Lưu mới hỏi lão chủ: “Hè cửa đã lau sạch chưa?”. Lão chủ vội thưa: "Dạ, sạch rồi, sạch rồi", "Thế ông đã vui lòng chưa?". "Dạ, vui lòng rồi ạ, xin đa tạ quan lớn". Ông Lưu lúc đó đổi giọng nói: “Không cần cảm ơn tôi, chỉ có anh này mình trần trụi, dọc đường về nhà chết cóng chết rét thì ai chịu trách nhiệm? Mạng người đâu phải chuyện đùa”. Lão chủ ngây người, không biết trả lời làm sao, chỉ nói: "Xin nghe quan lớn truyền bảo, chúng con xin theo ạ".

Quan huyện họ Lưu nó "Được", rồi mở tủ hàng lấy ra một chiếc áo da vui vẻ nói với bác nông dân: "Gió tuyết lớn thế này, chiếc áo da này được đấy, mặc vào đi".

Lão chủ hiệu mất chiếc áo da cho bác nông dân, đau xót trong lòng. Con người đáng ghét này đã trúng mưu "muốn lấy phải cho” của quan huyện họ Lưu.

Đọc thêm