Bình luận
Thuật bịt khe hở là một quyền thuật quan trọng trong phép “Tung hoành” cửa Quỷ Cốc Tử, là một thứ đạo thuật tìm ra khe hở của sự vật để lách vào, đột phá từ bên trong, khai hoa kết quả từ nội bộ.
Nhưng khi chưa xuất hiện hoặc chưa phát hiện được khe hở có thể lợi dụng, Quỷ Cốc Tử không chủ trương làm bừa bãi mà khuyên người ta cần náu mình chờ đợi thời cơ, khi xuất hiện khe hở rò rỉ mới hành động.
Mưu lược này thường biểu hiện ở chỗ giấu kín mình đi, chuẩn bị lực lượng. Khi thời cơ chưa chín muồi, hãy che giấu lực lượng của mình, giữ kín ý đồ, lặng lẽ tích trữ lực lượng, tránh bị thiệt hại ngoại lai, bảo tồn mình, chờ đợi thời cơ có lợi.
Việt Vương Câu Tiễn thời Xuân Thu khi thua trận bị Ngô Vương bắt làm từ bình đã dùng mưu náu mình chờ thời, nằm gai nếm mật, đổi lấy tự do nhân thân, quay trở về nước Việt, 10 năm tích trữ lực lượng, cuối cùng đã diệt Ngô rửa nhục.
Thời Tào Nguỵ, binh quyền Tư Mã Ý ngày càng lớn, họ Tào nghi lắm, mâu thuẫn ngày càng sâu sắc. Do thời cơ còn bất lợi, Tư Mã Ý đã giả ốm 10 năm không dự triều chính, tránh được mũi nhọn, đợi khi họ Tào lơ là cảnh giác ra ngoài Kinh đô viếng mộ mới phát động cuộc chính biến cướp lấy chính quyền.
Trong lịch sử Trung Quốc, những chuyện náu mình chờ thời như vậy có nhiều. Khi điều kiện chưa đầy đủ, thời cơ chưa chín muồi, nếu cứ mù quáng tiến bừa bãi thì chắc chắn sẽ bị diệt vong. Vì vậy người xưa nói “Thánh nhân hành động, tưởng chậm mà nhanh, tưởng khoan mà gấp, là để chờ thời”. Chỉ có ẩn mình chờ thời, tích trữ lực lượng, làm đối phương mất cảnh giác, mới thành công được.
Chuyện Cao Dương náu mình lập nghiệp Đế vương
Trong lịch sử Trung Quốc, Lưu Tú thời Đông Hán, Lưu Bị thời Tam quốc đã từng dùng kế sách ẩn mình tích trữ lực lượng chờ thời mà cướp được thiên hạ. Cao Dương, là vua sáng lập Bắc Tề cũng dùng phép này mà lên ngôi Hoàng đế.
Hoàng đế Cao Dương khai quốc Bắc Tề vốn là Đại Thừa tướng Đông Nguỵ, con thứ của Tề Vương Cao Hoan. Sau khi Hoan chết, con trưởng là Cao Đăng nối nghiệp làm Đại thừa tướng, nắm các đạo quân, đóng bản doanh ở Tấn Dương. Cao Dương được phong làm Đại đô đốc Kinh kỳ, phò tá triều chính Nghiệp đô.
Cao Đăng là kẻ tàn ác, ngạo mạn, thói xấu lộ rõ khắp nơi, làm rối loạn triều chính, tự cho mình là nhất.
Cao Dương khác hẳn người anh, hiền hậu thanh nhã, tài giỏi mà làm ra vẻ khiêm nhường, ngu dốt chất phác, rất ít nói, đối với đại sự quốc gia chỉ ngó ngàng đôi chút, qua loa đại khái. Quần thần văn võ đều coi thường ông. Trước mặt anh Cao Đăng, bao giờ Cao Dương cũng tỏ vẻ phục tùng, kính thuận.
Ông sắm cho vợ một đồ trang sức đẹp, Cao Đăng ưa thích bèn lấy luôn làm của riêng. Cao Dương khuyên vợ chẳng nên phiền muộn làm gì. Tỳ thiếp xinh đẹp của Dương nhiều lần bị Đăng chọc ghẹo, Dương cũng giả câm giả điếc cho qua. Đăng rất khinh thường em trai, có lần nói: “Em trai ta được phú quý thì các sách tướng số dự đoán cát hung, giàu sang, nghèo hèn đều là sai cả”.
Dương mỗi khi tan triều về nhà thường đóng cửa ngồi trầm ngâm, đối với vợ con cũng ít nói. Có lúc ông cởi giày và áo ngoài chạy bộ trong vườn. Không ai ngờ chính Cao Dương khi gặp thời cục biến động đã trở thành một con người khác hẳn khiến ai ai cũng phải ngưỡng mộ.
Cao Đăng bất mãn với Hoàng đế Nguyên Thiện, lẻn đến Nghiệp Đô mật bàn với mấy người tâm phúc mưu việc phế Vu nhưng bị tên gia nô đâm chết. Cao Dương được tin, mặt không biến sắc, dẫn quân tiến đến Nghiệp Đô, giết chết tên gia nô Lan Kinh và bọn hung thủ. Ông loan tin Đại thừa tướng bị mưu hại nhưng chỉ bị thương và tâu với Hoàng đế Nguyên Thiện cho ông đưa Cao Đăng về Tấn Dương dưỡng thương.
Nguyên Thiện đồng ý ngay mừng thầm trong bụng, cho rằng Đăng đã bị thương, Dương chẳng làm nên trò trống gì, quyền hành sẽ quy về Hoàng tộc. Sau khi về Tấn Dương, Cao Dương lập tức triệu quần thần lo việc triều chính, ban bố phép tắc mới, trừ bỏ tệ xấu. Chưa đến một năm tình hình Tấn Dương đã đâu vào đấy, phát đạt phồn vinh, bách quân ca ngợi hết lời.
Cao Dương thấy tình hình trong ngoài ổn định rồi mới tuyên bố Cao Đăng đã chết và phát tang. Nguyên Thiện thấy Dương không có dã tâm nên phong ông làm Đại thừa tướng, cai quản các đạo quân và được thế tập phong làm Tề Vương.
Cao Dương đã vận dụng tài tình mưu lược giấu mình tài năng, không để lộ ý đồ, giữ kín mũi nhọn, đợi thời cơ hành động |
Mấy tháng sau, Dương kéo quân về Nghiệp Đô ép Nguyên Thiện nhường ngôi. Nguyên Thiện được tin rất kinh hoàng, đành phải dâng Ngọc Tỉ, Dương lên ngai vàng quay về hướng Nam, đối quốc hiệu là Tề.
Ẩn mình chờ thời là mưu lược giấu mình tài năng, không để lộ ý đồ, giữ kín mũi nhọn, đợi thời cơ hành động. Cao Dương nhờ vào mưu lược này đã lập được nghiệp Đế vương.
Chờ thời cơ diệt trừ Lữ Hậu
Hiến Huệ Vương thời Tây Hán chết, khi phát tang Lữ Thái Hậu chỉ khóc khô, không có nước mắt. Thừa tướng hỏi duyên cớ làm sao, con trai Trương Lương là Trương Quần Cường giải thích: “Hoàng thượng không có con trai lớn, Thái hậu lo ngại về các vị Đại thần.
Nay nếu Thừa tướng xin Thái hậu phong cho Lữ Chiêu, Lữ Sản, Lữ Phong làm tướng quân thống lĩnh các đạo quân Nam Bắc bảo vệ Kinh đô Trường An, nắm được binh quyền lớn, Thái hậu sẽ yên tâm, các vị Đại thần mới tránh được tai hoạ”. Thừa tướng nghe lời Trương làm theo, quả nhiên thấy Thái hậu lại than khóc nước mắt ròng ròng.
Sau khi thân thích họ Lữ nắm quyền, có một số còn được phong tước Vương. Việc làm này trái với di chúc của Hán Cao Tổ Lưu Bang “không phải người họ Lưu mà được phong Vương thì Thiên hạ sẽ diệt trừ”.
Hữu Thừa tướng Vương Lăng là người chính trực, đồng hương với Lưu Rang, trung thành tận tuỵ. Khi được Lữ hậu hỏi ý kiến, ông kiên quyết phản đối nói: “Cao đế đã giết ngựa trắng, cùng với các đại thần lập lời thề: Không phải người họ Lưu mà được phong Vương thì Thiên hạ sẽ diệt trừ. Nay phong người họ Lữ làm Vương là trái với lời thề ước”.
Thái hậu nghe nói rất không vui, lại đi hỏi Tả Thừa tướng Trần Bình, Chu Bột. Chu nói: “Cao Đế bình định Thiên hạ, phong con cháu mình làm Vương, nay Thái hậu đang nhiếp chính thay Hoàng đế, phong cho con cháu họ Lữ làm vương sao lại không được”. Thái hậu vui lắm, bãi triều về cung.
Vương Lãng trách Trần Bình, Chu Bột: “Trước đây đã rỏ máu ăn thề với Cao Đế, chả nhẽ các ông không can dự hay sao? Nay Cao Đế băng hà, Thái hậu phong người họ Lữ làm Vương, các ông đều a dua chiều theo ý Thái hậu, trái với điều thề ước, còn mặt mũi nào gặp Tiên Đế nơi suối vàng”.
Nhưng Trần Bình, Chu Bột nói: “Ông phản đối ngay tại chốn triều đình, đấu lý lẽ, chúng tôi không bằng ông. Nhưng làm thế nào để bảo vệ được Tôn miếu họ Lưu, ổn định thiên hạ họ Lưu, e rằng ông không bằng chúng tôi”.
Lịch sử chứng minh sau này chính Trần Bình, Chu Bột đã diệt trừ được họ Lữ, bảo vệ được Thiên hạ của họ Lưu. Điều đó chứng tỏ, muốn đạt được mục đích, cần biết ẩn mình chờ thời, hành động quyết đoán linh hoạt, khi thời cơ chưa chín muồi mà cứ làm bừa là tất sẽ thất bại. Trong khi điều kiện chưa chín mà Vương Lăng vẫn cứ phản đối ra mặt Lữ Hậu thì không những không đạt được mục đích mà còn bị bãi chức Hữu Thừa tướng. Sau này Vương cáo bệnh về quê nhà.
Ẩn mình chờ thời không phải là chờ thời cơ một cách tiêu cực mà là chủ động, tích cực sáng tạo thời cơ. Thời Mục Công nước Trịnh, Tần phái quân đánh Trịnh. Lái Trâu Huyền Cao một mặt đi thăm dò khắp nơi, mật báo tin tức khiến Trịnh có thời gian chuẩn bị, cuối cùng Đại tướng nước Tần phải huỷ bỏ kế hoạch tiến công. Vì vậy hành động linh hoạt quyết đoán đòi hỏi người lãnh đạo phải khéo nắm thời cơ, giỏi đưa ra quyết sách, nhưng quan trọng hơn là phải biết sáng tạo thời cơ, tránh bị động, giành lấy chủ động.