Mưu kế Quỷ Cốc Tử: Soi việc xưa, sáng tỏ việc nay

(PLO) - Quỷ Cốc Tử từng viết: Cổ đại có đại tạo hoá, cùng tồn tại với đạo tự nhiên. Quay đầu nhìn lại lịch sử cũ, kiểm nghiệm việc hiện nay. Nhìn về quá khứ, có thể nhận thức được hiện tại. Nhìn về quá khứ là để nghiên cứu cổ nhân, rồi nắm biết được bản thân. Quy luật động tĩnh, hư thực của sự vật nếu không phù hợp với hiện nay thì phải nhìn về quá khứ, tìm ra nguyên nhân bên trong.
Hình minh họa
Hình minh họa

Bình luận: Mọi sự vật trên thế gian đều có quan hệ với nhau theo cách này hoặc cách khác. Nhưng người ta xem xét sự việc thường chỉ chú ý cái vỏ ngoài mà coi nhẹ mối liên hệ sâu xa. Quỷ Cốc Tử không như vậy, ông chủ trương tìm hiểu sự vật, nắm bắt cần suy nghĩ trong một không gian rộng lớn. Dự đoán tương lai không thể không nhìn lại quá khứ, muốn biết việc hôm nay phải quay đầu lại nhìn lịch sử. Suy nghĩ như vậy mới phù hợp với cái đạo của Thánh nhân.

Theo Quỷ Cốc Tử, khi khảo sát sự vật cần trải qua một quá trình từ cái nọ xét đến cái kia, từ cố xét đến kim, từ kim xét đến cổ. Phương thức suy nghĩ như vậy chính là bản ý của các thánh nhân. Nếu không quan sát nghiên cứu kỹ sẽ không thể phát hiện ra dấu hiệu phát triển biến hóa của sự vật.

Tư tưởng mưu lược này của Quỷ Cốc Tử rất có tác dụng đối với việc xử thế của con người thời hiện đại.  

Chuyện Trương Mạnh Đàm hiến kế Triệu Nhượng Tử: Thời chiến quốc, Trương Mạnh Đàm hiến mưu kế cho Triệu Nhượng Tử kích động Ngụy Tuyên Tử và Hàn Khang diệt Tri Bá; sau khi chính quyền nước Triệu được củng cố ông đã xin từ bỏ công danh, quyền thế lui về ở ẩn.

Triệu Nhượng Tử cảm thấy khó hiểu, Trương bèn giải thích: “Nhỏ việc xưa, sáng tỏ việc nay. Tạo dựng nghiệp bá trong lịch sử, quyền thế của đại thần không nên lớn quá, lớn quá sẽ gây ra đố kỵ, sinh ra xung đột và hỗn loạn nội bộ. Nay kẻ hạ thần này đã công thành danh toại nên cần rút lui”.

Hãy tạm chưa bàn luận lời Trương nói đúng hay sai nhưng câu cách ngôn cảnh báo “Nhớ việc xưa sáng tỏ việc nay” của ông bất kể là thời xưa hoặc thời nay đều cực kỳ có ý nghĩa. Trong lịch sử đời người, mỗi người chúng ta đều nên tổng kết và ghi nhớ bài học kinh nghiệm tiền nhân hoặc của chính mình, coi đó là tấm gương xử thế về sau, như vậy sẽ bồi dưỡng được trí tuệ và tài năng của bản thân, tránh phạm phải sai lầm tương tự trong quá khứ.

Nhà văn Anh Hakasori đã từng nói: “Được nếm trải vài lần thất bại trong thời kỳ đầu là hết sức có ý nghĩa”. Tức là dùng kinh nghiệm đó đau đớn lắm nhưng chỉ cần nghiêm chỉnh tổng kết rút ra bài học là có thể giúp bản thân trưởng thành, đi tới thành công.

Có thể nói mỗi vĩ nhân làm nên sự nghiệp vĩ đại đểu là do đã khéo tổng kết và rút ra bài học kinh nghiệm lịch sử. Vua Đường Thái Tông tổng kết cái được cái mất của vài triều đại xưa cho rằng nhà Tần đến đời Tần Nhị Hoàng đã bị diệt vong, nhà Tùy chỉ kéo dài trên 30 năm đã sụp đổ, nguyên nhân chủ yếu là do triều chính thối nát, xa hoa vô đạo. Như vua Tùy Dạng Đế tham lam cùng cực, kiêu xa vô độ, bắt thiên hạ và vạn vật phải phục vụ thỏa mãn ý riêng mình, cuối cùng không tránh khỏi nạn diệt vọng. 

Soi vào bài học lịch sử “chúa tham thì mất nước, thần tham thì mất mạng”, Đường Thái Tông đã làm rõ sâu sắc mối quan hệ giữa vua chúa với thần dân. Ông nói: “Vua là thuyền, dân là nước. Nước có thể chở thuyền mà cũng có thể dìm thuyền”, “Vua dựa vào nước, nước dựa vào dân; nghiệt ngã với dân để phục vụ vua thì chẳng khác gì tự cắt thịt mình mà ăn, bụng no mà thân chết, vua giàu nhưng nước mất”. 

Trên cơ sở đó, từ thời đầu Trinh Quan (niên hiệu vua Thái Tông) ông đã ra sức diệt trừ tệ nạn:  1. Thi hành chính sách lao dịch và thuế má nhẹ, cải thiện cuộc sống của dân. 2. Giảm bớt châu huyện, tình giản quan viên, hoàn thiện chế độ binh dịch, tiết kiệm chi tiêu. 3. Đình chỉ xây dựng cung đình, lâu dài, giải phóng cung tần mỹ nữ, bãi chức tên quan lại xa hoa quá độ khi xây dựng cung điện. 4. Bản thân nêu gương và kêu gọi toàn dân thực hiện tiết kiệm, phản đối ăn mặc và dùng đồ xa xỉ. Do đó đã xây dựng được thời thịnh trị Đại Đường “Công tư đều giàu có, thiên hạ đại vui tươi”.

Về ý nghĩa rộng hơn nữa mà nói, trong quá trình tổng kết và rút ra bài học kinh nghiệm, nhân loại có thể mở rộng kiến thức, nâng cao lý tính, tăng tiến trí tuệ và tài năng. Vì nhân loại biết dùng cách tổng kết rút kinh nghiệm để hoàn thiện hoặc thay đổi phương pháp xử lý các vấn đề nhân sinh nên họ có thể tiến tới thắng lợi qua thất bại và va vấp.

Mỗi cá thể của nhân loại chỉ cần khéo tổng kết kinh nghiệm thất bại (thất bại bao giờ cũng chỉ là tạm thời) thì bao giờ cũng rút ra được bài học tốt cho mình. Kẻ thất bại hoàn toàn là do không rút ra được bài học kinh nghiệm qua thất bại.

Lời răn của Đường Thái Tông với đại thần Kính Đức: Đại tướng triều Đường là Kính Đức do có công lớn dựng nước nên ngạo nghễ phóng túng, chèn ép khinh người. Các bạn đồng liêu có nhiều người bất bình bèn kết đoàn với nhau mật tấu ông mưu phản.

Vua Đường Lý Thế Dân nhận được báo cáo bèn triệu ông đến cung vua trực tiếp xét hỏi. Kính Đức cảm thấy hết sức oan uổng vội tâu: "Kẻ hạ thần này xưa nay đã theo bệ hạ chinh chiến khắp nơi, trải qua trăm trận, gian nguy trong tên bắn giáo đâm mới còn lại tấm thân này. Ngày nay thiên hạ thái bình, thần đã được hưởng phú quý sao lại còn dám mưu phản”.

Nói xong ông cởi áo để lộ trên mình đầy vết sẹo thương tích. Vua Đường nhớ lại chuyện cũ, cảm động lắm, đầm đìa nước mắt, dùng lời ngọt ngào an ủi. Từ đó Kính Đức càng ỷ thế làm càn, thói xấu kiêu ngạo bộc lộ hết mức.

Một lần Kính Đức tranh luận với các quan trong tiệc rượu xem ai là bậc bề trên, đã nổi nóng đánh nhau với Nhiệm Thành Vương Lý Đạo Tông ngồi bên cạnh, làm Lý bị mù một mắt. Vua thấy Kính Đức bậy bạ làm vậy rất không vui và bỏ dở tiệc rượu ra về.

Sau đó Đường Thái Tông cho gọi Kính Đức đến và răn dạy thẳng thắn: "Trẫm muốn cùng khanh hưởng thụ phú quý, chấn hưng nước nhà, sáng lập cơ nghiệp, nhưng khanh cứ cậy công lên mặt, nhiều lần xúc phạm người khác. Chẳng lẽ khanh không biết chuyện Hàn Tín, Bành Việt xưa kia vì đâu mà bị giết hay sao?". Kính Đức nghe nói giật mình kinh sợ, từ đó về sau tu tỉnh lại nhiều.

Vua Đường đã dùng biện pháp “xét cổ soi kim”, không trực tiếp nói rõ có người tố cáo Kính Đức mưu phản mà lại nêu chuyện lịch sử Hàn Tín, Bành Việt bị giết vì tội mưu phản để ám thị nói ngầm cho Kính Đức biết nếu không chịu tu tỉnh lại sẽ gặp kết cục bi thảm. Đường Thái Tông dùng cách này vừa cảnh cáo được Kính Đức lại vừa thể hiện được tấm lòng ưu ái của đấng quân vương.

Chuyện người ngọc thời Lưu Bị: Lưu Bị thời Tam Quốc có một bà vợ là Cam phu nhân, tuy xuất thân nghèo khổ nhưng mặt hoa da phấn xinh đẹp lắm. Khi trấn thủ Từ Châu, Lưu Bị nghe nói Cam xinh đẹp mới lấy làm vợ. Sau này bà vợ cả là Mi phu nhân sớm mất, Lưu Bị bèn đề bạt Cam làm chính thất gọi là Cam phu nhân. 

Cam vốn bẩm sinh mỹ miều, nước da như tuyết, Lưu Bị thường từ ngoài cửa sổ ngắm nhìn cảm thấy như tuyết tụ dưới ánh trăng, đắm đuối mê say lắm, ngay cả khi gặp gian nguy phải bỏ chạy cũng không bao giờ xa rời. 

Sau này có một người dâng hiến cho Lưu Bị một người bằng ngọc chế tạo rất tinh xảo, cao 1m giống như người sống, sáng long lanh, Lưu Bị thích lắm không muốn rời tay, đặt người ngọc vào buồng Cam phu nhân để cả hai cùng đua sắc khoe tươi.  

Cam phu nhân biết rõ Lưu Bị phải trải qua bao gian nan mới có thể từ một anh bán hàng rong vô danh mà chiếm được đất Tứ Xuyên, xây dựng nên chính quyền nhà Thục Hán. Tất nhiên đó là điều đáng vui mừng nhưng mới chỉ là bước đầu, còn cần phấn đấu nhiều nữa, vì kế hoạch lúc đầu của Lưu Bị là phục hưng nhà Hán, diệt Tào Tháo, thôn tính Đông Ngô, thống nhất thiên hạ.

Nay thấy Lưu Bị từ khi lập được chính quyền Ba Thục đến nay chỉ ham mê chơi người ngọc, tin dùng bọn tiểu nhân, ý chí sa sút, đại chí sắp tiêu vong, còn đâu là lý tưởng cao cả bao trùm bốn biển. Bà nghĩ đến điển tích thời Xuân Thu "Tử Hãn không coi ngọc là báu vật".

Chuyện rằng người nước Tống thời cổ đại được viên ngọc quý đem dâng tặng quan Chính khanh nước Tống là Tử Hãn, nhưng Tử Hãn không những không nhận mà còn không thèm nhìn. Người dâng ngọc nói: "Ngọc này gọt giũa thành hình người, là báu vật hiếm có trên đời, tôi mới dám dâng tặng ngài".

Tử Hãn nói: "Ta bình sinh vẫn coi không tham là báu vật. Ông coi ngọc là báu vật, nay đem tặng ta thì cả hai đều mất báu vật. Ông thì mất ngọc quý, còn ta thì mất viên ngọc liêm khiết”. Tử Hãn không coi ngọc là báu vật, đã được coi là giai thoại thời Xuân Thu truyền tụng mãi về sau.

Đúng lúc Lưu Bị đang hứng thú nghe chuyện thì Cam phu nhân nói thêm: "Nay Tào Tháo, Đông Ngô còn chưa bị tiêu diệt, Bệ hạ vẫn mải mê ngọc quý, xin Bệ hạ nhớ cho dâm đãng và mê hoặc đều sẽ sinh biến, không thể cứ mải mê mãi như vậy"

Lưu Bị nghe xong trầm tư suy nghĩ, cuối cùng đã vứt bỏ người ngọc, lánh xa bọn tiểu nhân, dốc sức vào nghiệp lớn.

Đọc thêm