Mỹ từ của… gia trưởng

(PLO) - Mấy ngày nay dân tình nhất là cánh nữ sôi sục lên vì câu chuyện ông chồng ở Hà Nội tặng vợ chiếc xe SH đắt tiền và kèm theo tấm bảng “Tặng em! Vì em xứng đáng”. 
Mỹ từ của… gia trưởng

Thiên hạ thi nhau tán dương đây mới đích thực là ông chồng của năm, là “soái chồng”. Thậm chí làn sóng tán thưởng còn ảnh hưởng đến cả những người nổi tiếng. Không ít người nổi tiếng cũng rưng rưng cảm động với hành động thể hiện tình yêu đầy ga – lăng của người chồng. Có người nổi tiếng đã bình luận: “Đây không những là món quà, mà còn là sự ghi nhận, biết ơn của người chồng dành cho vợ mình”.

Đồng ý rằng câu chuyện “soái chồng” tặng vợ chiếc xe thực sự là tình cảm và càng cảm động hơn khi báo chí thi nhau đồn thổi về chuyện tình của họ rằng họ yêu nhau từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, vượt qua bao nhiêu thử thách có những lúc tưởng như buông tay (“Có nhiều hơn một lần em nghĩ mình nên vứt bỏ mọi thứ mình có kể cả anh chỉ để đổi lấy tự do cho riêng mình. Yêu nhau 6 năm, lấy nhau 6 năm cũng nhiều mệt mỏi, cũng nhiều đắng cay. Đi được đến ngày hôm nay em thấy mình cũng quá siêu nhân!” – lời cô vợ trên mạng xã hội sau khi nhận được quà) để đến với nhau… Nhưng nghe câu chuyện này, nhất là với những cái tít truyền thông giật: “Chồng soái ca tặng vợ SH vì vợ xứng đáng”, sao thấy hình như có… “mùi gia trưởng” ở trong đó.

Người Việt Nam có câu “của chồng công vợ” mà nếu soi chiếu dưới góc độ tư duy hiện nay thì nôm na để nói về quyền sở hữu tài sản của hai vợ chồng. Vợ chồng đồng lòng, tuy hai mà một nên của cải do công sức chồng làm ra cũng có sự đóng góp lặng thầm, đầy hy sinh của người vợ phía sau giữ cho yên cửa, ấm nhà, mẹ cha, con cái mạnh khỏe, lớn khôn. Nhưng người Việt Nam cũng có câu “chồng chúa vợ tôi”, đã là vợ thì phải “xuất giá tòng phu”, “chồng xướng vợ tùy”, hết lòng hy sinh bản thân, nhu cầu, hạnh phúc cá nhân để phục vụ chồng. 

Có vẻ như cụm từ “vì em xứng đáng” phù hợp với vế thứ hai hơn thì phải. Bởi khi người chồng cảm nhận được sự phục vụ của người vợ dành cho mình hết mực tận tụy và trung thành thì anh ta sẽ cảm thấy cô ấy xứng đáng được thưởng một món gì đó (tương tự như vua thưởng cho quần thần, tướng lĩnh thưởng cho quân lính… vậy). 

Đó là phân tích dưới góc độ ngữ nghĩa, còn với nhiều người, nghe câu chuyện “tặng em vì em xứng đáng” này họ cứ gọi là huỵch toẹt suy nghĩ: “Vợ chồng là nghĩa nặng tình sâu mà sao cứ làm như cơ quan công quyền vậy. Có “xứng đáng” nghĩa là có “phụng sự”, có “phục vụ”. Thế hóa ra vợ là người giúp việc, người hầu, làm tốt “việc vợ” thì được khen à?”

Kẻ khác lại gọi đây là “mỹ từ của gia trưởng” vì thoạt nghe thì rất hay, rất cảm động nhưng nó che đậy dưới đó một nếp nghĩ gia trưởng – vợ, phụ nữ, đàn bà luôn là thứ yếu, là bề dưới của đàn ông, làm tốt thì khen, làm hỏng thì phạt, kể cả trong mối quan hệ vợ chồng thiêng liêng và nghĩa tình…

“Bách nhân bách tính” nên ý kiến thì còn nhiều lắm vì chẳng thể lôi hết ra đây được. Chỉ biết rằng, sau vụ này, mỗi ông chồng khi tặng vợ món quà gì đó, có khi lại dành một phút nghĩ lại để xem mình có… xứng đáng để tặng quà cho vợ không. Khi đó ắt hẳn sẽ hiểu tâm trạng của những bà vợ được nhận quà vì “xứng đáng”.

Đọc thêm