Năm học này, khối THPT có trường chuyên không?

(PLO) - Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ quy định thi học sinh giỏi tiểu học, xóa lớp chọn ở tiểu học và trung học cơ sở, cấm thi tuyển sinh đầu vào lớp 6... nhằm ngăn chặn dạy thêm, học thêm tràn lan, nhất là ở bậc tiểu học nhưng lệnh cấm này ít được chấp hành. Vì thế, trước kỳ tuyển sinh vào lớp 6 năm nay, bắt đầu từ 1 -15/7/2015, phụ huynh và không ít trường chuyên vẫn đang thấp thỏm...
Năm học này, khối THPT có trường chuyên không?

Lệnh “cấm” không mới

Luật Giáo dục hiện hành quy định: “Trường chuyên được thành lập ở cấp trung học phổ thông (THPT) dành cho những học sinh (HS) đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu của các em về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện”. Thế nên việc hình thành các trường trung học cơ sở (THCS) chuyên như hiện nay là không hợp lệ. 
Vì thế, những trường THCS này đều núp dưới danh nghĩa một trường THPT chuyên. Chẳng hạn ở TP.HCM, dù mang tên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa nhưng lại giảng dạy cả bậc THCS, tương tự là Trường Hà Nội - Amsterdam ở Hà Nội. Từ nhiều năm nay, tình trạng đó dù không đúng luật nhưng vẫn tồn tại. Lâu dần, mọi người dường như cũng quên mất việc nó không hợp lệ.
Theo quy định, HS tốt nghiệp tiểu học có hộ khẩu tại địa bàn nào thì đương nhiên được xét tuyển vào trường THCS của địa bàn đó. Tuy nhiên, với đặc thù riêng của mình, khối trường chuyên vẫn đang đợi chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Tại Hà Nội, hiện nhiều trường THCS theo đặc thù chất lượng cao như Trường THCS Cầu Giấy, Trường THCS Nguyễn Tất Thành - Đại học Sư phạm Hà Nội,… cũng chưa đưa ra phương án tuyển sinh năm học 2015-2016. 
Tháng 11/2014, Bộ trưởng GD-ĐT chỉ đạo không tổ chức khảo sát HS đầu năm học, không tổ chức thi tuyển HS vào lớp 6 chỉ là việc nhắc lại quy định của luật đã có để thực hiện cho đúng.
Lo thầy… nương tay
Theo lý giải của các trường, nếu chỉ xét học bạ tiểu học thì những trường điểm với tiêu chí đầu vào khá khắt khe đang rất lo lắng, bởi Bộ GD-ĐT cho phép các trường tiểu học tự ra đề (trước đây các Phòng GD ra đề) cho học sinh cuối cấp làm cơ sở xét tuyển vào lớp 6. 
Bà Võ Ngọc Thu - Trưởng phòng GD-ĐT quận 5, TP.HCM cho rằng:“Không phải không tin các trường tiểu học nhưng nếu để họ tự ra đề, lo ngại thầy cô vì thương học trò mà ra đề tương đối dễ, HS nào cũng đạt 20 điểm”. Bởi lẽ, nếu năng lực của HS thật sự không đúng 20 điểm mà thầy cô vì thương mà nâng đỡ thì sẽ gây khó khăn cho HS khi vào lớp 6, các em sẽ không theo kịp các bạn được đánh giá đúng thực chất. 
Còn PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường TH Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) chia sẻ, ông đồng tình với chỉ thị của Bộ GD-ĐT về việc cấm thi vào lớp 6 để hạn chế tối đa việc dạy thêm, luyện thêm. 
Tuy nhiên, theo PGS Văn Như Cương, việc cấm thi này chỉ phù hợp với trường công lập. Đơn cử từ thực tế Trường Lương Thế Vinh là trường dân lập nên được tuyển HS toàn thành phố Hà Nội và các tỉnh khác. Số lượng HS dự tuyển thường cao gấp 3-4 lần chỉ tiêu tuyển sinh. Do vậy, trường tổ chức thi tuyển với hai môn Toán, Văn.
Bà Nguyễn Thị Kim Nga - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm cho biết, năm nay trường áp dụng xét tuyển vào lớp 6 theo đúng chỉ thị của Bộ nhưng việc xét tuyển khá khó khăn bởi số lượng xét tuyển theo hồ sơ hàng năm luôn quá cao so với chỉ tiêu. Năm nay, trường đã đưa ra một vài tiêu chí xét tuyển công khai như HS có 5 năm đạt HS giỏi hoặc HS đã đạt giải thi HS giỏi các cấp quận (huyện) từ lớp 3 trở lên. 
Và không thể không… luyện
Như vậy, với mục tiêu cấm thi để tránh luyện thi, học thêm nhưng trên thực tế, dù với cách này hay cách khác, để vào được  lớp chọn, trường chuyên, HS tiểu học không thể không luyện thi. 
Chị Hồng Anh (có con đang học Trường Tiểu học Thành Công) chia sẻ: “Dù quan điểm của mình là không luyện thi nhưng sau khi nói chuyện với một giáo viên THCS thì mình thay đổi quan điểm một chút. Đúng là muốn thi thì phải học thêm, vì thi sẽ có những dạng bài mà không học thì chẳng bao giờ biết được. Vậy thì cứ cho học thêm nhưng vừa phải thôi, ví dụ 1 buổi/tuần, rồi tiếp theo thì vẫn là “đỗ thì tốt, không thì thôi”. 
Chị Mai Trang, quận Ba Đình cũng cho hay, năm nay không chấm điểm ở tiểu học nên chị cũng không biết rõ mức con đạt là điểm mấy. Dù thế, chị vẫn cho con đi học thêm ở Trung tâm Học Mãi có cô giáo Trường Amsterdam và thuê gia sư về nhà để luyện thi cho con. Đích chị nhắm tới là Trường Amsterdam hoặc Trường THCS Giảng Võ…
Chưa kể, ngoài “cuộc đua” luyện thi, để vào được các trường chuyên, trường “đặc thù”, ngay từ thời điểm này, hầu hết các phụ huynh cũng đã “đặt gạch” hòm hòm từ 5, 7 triệu tới vài ngàn USD tuỳ theo lớp chọn, trường chuyên, trường đúng tuyến, trái tuyến… Và cuộc đua bất tận đó sẽ còn kéo dài nếu Bộ GD- ĐT không nhất quán với lệnh cấm của mình. Đã cấm là cấm triệt để, bởi địa phương này cho “đặc thù”, chả lẽ tỉnh khác lại… không? 
Mải luyện “gà nòi”, bỏ qua tài năng
Một hiệu trưởng trường THCS bày tỏ, phụ huynh khi chưa cho con vào được trường chuyên thì chạy đua luyện thi để vào bằng được. Khi vào được rồi thì học và chỉ biết học để vào được đội tuyển, rồi lại tiếp tục luyện thi học sinh giỏi. Hầu như tất cả các HS cuối cấp 1 đều được nhắm vào luyện thi chuyên Toán hoặc chuyên Anh. Vậy các môn khác thì sao? Biết bao nhiêu tài năng đã bị bỏ qua và lãng phí vì chính các bé đã không được phát triển đúng với thiên hướng, tiềm năng cũng như khả năng của chính mình. 
Chờ “cơ chế đặc thù”
Ông  Phạm Hữu Hoan - Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, trước sự lúng túng của các trường chuyên, trường chất lượng cao, Sở đã có văn bản xin ý kiến của Bộ và UBND TP không chỉ về tuyển sinh lớp 6 của Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam mà là của tất cả những trường vốn lâu nay có số lượng HS đăng ký dự tuyển vượt quá xa so với khả năng tuyển sinh của các trường. “Cơ chế đặc thù” mà Sở đề xuất với UBND TP và Bộ là ngoài xét học bạ tiểu học thì vẫn cho phép các trường trên được tuyển sinh thông qua một kỳ kiểm tra đầu vào các môn văn hóa (Toán, Tiếng Việt) như các năm trước.

Đọc thêm