Nam sinh mồ côi, từng đi cấy năm 10 tuổi để nuôi em giờ ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 15 năm gồng gánh nuôi bản thân và em trai, Lê Thanh Truyền bắt đầu gặt hái thành quả đầu tiên.
Lê Thanh Truyền, nam sinh mồ côi từng đi cấy năm 10 tuổi để nuôi em. Ảnh: NVCC
Lê Thanh Truyền, nam sinh mồ côi từng đi cấy năm 10 tuổi để nuôi em. Ảnh: NVCC

Kết thúc ca làm việc tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, Lê Thanh Truyền (25 tuổi, quê Quảng Ngãi) gửi vài dòng tin nhắn ngắn gọn đến em trai, nhắc ăn uống đầy đủ, không làm việc quá sức.

Dù em trai chỉ kém một tuổi, 15 năm qua, Truyền vẫn luôn yêu thương, quan tâm em đúng như lời dặn của ba. Để có cuộc sống tạm ổn, “đủ ăn, đủ mặc” như hiện tại, Truyền phải trải qua hành trình dài tự lập, vừa học vừa nuôi em.

Mẹ Truyền bỏ đi khi em vừa lên 2 tuổi. Năm em học lớp 6, cha mắc bệnh phong sau đó tai biến và nằm liệt một chỗ. Gánh nặng mưu sinh dồn lên vai cậu bé 10 tuổi đang ở tuổi ăn, tuổi chơi.

Khi Truyền học lớp 11, cha qua đời, em phải cáng đáng mọi việc. Ban ngày đi học, chiều về cấy lúa, thỉnh thoảng, em lại đi làm gia sư kiếm tiền. Mùa hè đến, em đi phụ bán sách tại một cửa hàng trong thị trấn để có sách vở cho 2 anh em và thêm chi phí trang trải cuộc sống.

Lê Thanh Truyền là cựu sinh viên Đại học Y dược TP HCM. (Ảnh: NVCC)

Lê Thanh Truyền là cựu sinh viên Đại học Y dược TP HCM. (Ảnh: NVCC)

Cuộc sống cực khổ nhưng Truyền vẫn chăm chỉ học hành. Em luôn là học sinh tiên tiến và giỏi, được trường cử đi thi học sinh giỏi và đoạt giải nhì cấp tỉnh môn Sinh học vào năm lớp 9 và lớp 12, đoạt giải nhì cấp tỉnh môn Máy tính bỏ túi.

Năm 2015, Truyền đạt 24,25 điểm và trúng tuyển vào ngành Bác sĩ Y học Dự phòng của ĐH Y Dược TP HCM. Em chia sẻ 2 lý do chính để quyết tâm theo ngành Y và cả 2 lý do này đều liên quan đến ba.

“Ba từng tâm sự ngày nhỏ, ba mơ ước được làm bác sĩ nhưng chiến tranh nên không thực hiện được. Em muốn viết tiếp ước mơ của ba. Lý do thứ 2 là trước khi mất, ba em bị bệnh phong. Khi đó, mọi người chưa nhận thức rõ ràng về căn bệnh này nên em quyết tâm học y với mong muốn thay đổi nhận thức của mọi người về các căn bệnh và để chăm sóc sức khỏe cho những người thân yêu của mình”, Truyền tâm sự.

Mang theo hoài bão vào TP HCM, Truyền làm mọi công việc để trang trải học phí, sinh hoạt phí và gửi tiền về quê nuôi em ăn học. 9X từng đi dạy thêm, làm phục vụ tại trung tâm tiệc cưới, chạy xe ôm công nghệ, bán bánh dạo. Truyền cũng lên kế hoạch chi tiêu chi tiết để hạn chế những khoản chi không cần thiết.

Ngày Truyền học lên năm 2 cũng là lúc em trai bước vào năm nhất đại học tại TP HCM. Mừng vì em trai có chí học hành nhưng 9X cũng không khỏi lo lắng bởi từ đây, mọi chi phí sẽ đội lên gấp đôi. Truyền cố gắng kiếm thêm nhiều công việc để nuôi em trai.

Truyền tham gia chống dịch tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM. (Ảnh: NVCC)

Truyền tham gia chống dịch tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM. (Ảnh: NVCC)

Dù phải làm thêm nhiều công việc cùng lúc, Truyền luôn duy trì tốt việc học tập tại trường. Truyền nhận được nhiều học bổng của Thành đoàn TP HCM cùng nhiều tổ chức khác. Nam sinh cũng dành thời gian tham gia các hoạt động như hiến máu tình nguyện, giúp đỡ những gia đình hoàn cảnh khó khăn…

Truyền từng chia sẻ định hướng nghề nghiệp trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Cùng bạn lên giảng đường” cho học sinh tại trường THPT Số 1 Đức Phổ - ngôi trường cấp 3 mà Truyền từng theo học. Ngoài ra, Truyền cũng tham gia vào Mạng lưới Y học dự phòng trẻ Việt Nam (Young Preventive Medicine In Viet Nam) và đảm nhiệm vai trò Phó chủ tịch phụ trách khu vực miền Nam từ năm 2018 đến hiện tại.

Nhóm bạn thân của Thanh Truyền trong suốt 6 năm đại học. (Ảnh: NVCC)

Nhóm bạn thân của Thanh Truyền trong suốt 6 năm đại học. (Ảnh: NVCC)

Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại TP HCM, nam sinh tham gia chống dịch tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM. Truyền cũng từng đảm nhận công việc đưa thuốc kháng virus Molnupiravir tới tận nhà bệnh nhân, hướng dẫn cách sử dụng, điều trị, chăm sóc sức khỏe và tinh thần.

Tháng 11/2021, Truyền tốt nghiệp và nhận bằng bác sĩ Y học Dự phòng, ĐH Y Dược TP HCM. Hiện Truyền làm trải nghiệm (thử việc) để chứng minh năng lực tại Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Đây là bước tiền đề quan trọng trước khi bước vào vòng phỏng vấn và có cơ hội trúng tuyển, trở thành bác sĩ chính thức của bệnh viện.

Thanh Truyền nhận bằng Bác sĩ Y học Dự phòng. (Ảnh: NVCC)

Thanh Truyền nhận bằng Bác sĩ Y học Dự phòng. (Ảnh: NVCC)

Truyền còn mở cửa hàng thời trang y tế nhỏ mang tên YoungMed chuyên cung cấp áo blouse, khẩu trang, bộ đồ mổ... Em trai Truyền hiện cũng đi làm thêm và tự lo được cho bản thân.

Với Truyền, cuộc sống hiện tại chưa quá dư dả và còn phải phấn đấu rất nhiều, nhưng nó vẫn khiến anh tự hào bởi suốt bao năm qua không bỏ cuộc, nỗ lực tiến về phía trước. Bây giờ là lúc Truyền bắt đầu “hái quả ngọt”. Trong tương lai, Truyền tiếp tục vừa làm vừa học thêm để nâng cao trình độ chuyên môn.

“Quan trọng hơn, em muốn giúp đỡ, chăm sóc những bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn như em từng được nhận từ các mạnh thường quân khác”, Truyền tâm sự.

Đọc thêm