Sinh ra và lớn lên tại xã miền núi nghèo Tam Quang (Tương Dương, Nghệ An), chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào người dân tộc mình, Vi Dương Phong sớm ý thức học hành mới thoát nghèo, góp phần xây dựng quê hương.
Từ khi còn học cấp 2, Vi Dương Phong đã đưa ra mục tiêu của bản thân là phấn đấu thi vào Trường Dân tộc nội trú tỉnh, và mục tiêu của cậu học trò người dân tộc đồng bào thái đã thành hiện thực. Năm 2021 Phong xa gia đình xuống thành phố Vinh, học tại Trường dân tộc nội trú tỉnh, là học sinh giỏi của trường từ năm lớp 10 đến nay.
Sản phẩm vải thổ cẩm làm từ bẹ chuối có giá trị bảo vệ môi trường |
Chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, cậu học trò Trường Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An, từ khi sinh ra đã thấy bà ngoại và mẹ quay tơ, dệt vải. Phong gắn với khung cửi và dệt, thêu thổ cẩm từ khi còn chưa tập đi, tập nói.
Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học và trân trọng những giá trị văn hóa bản địa, mỗi khi rảnh rỗi, Phong mày mò nghiên cứu để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. Năm học cấp 2, Phong từng nghiên cứu làm ra một loại men vi sinh từ trấu để nấu thành rượu. Cuối năm lớp 10, khi nghiên cứu về các sản phẩm nông nghiệp, đọc một số tài liệu, Phong nhận thấy sợi chuối có những công dụng và đặc tính rất hay. Mong muốn tạo ra sản phẩm có giá trị bảo vệ môi trường, Phong nghĩ tới việc lọc lấy bẹ chuối để sử dụng.
Lớn lên ở huyện miền núi Nghệ An, Phong từng không ít lần chứng kiến người dân bị bệnh nhưng không có tiền chạy chữa, cũng không được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cao. Điều này dẫn đến tình trạng bệnh chuyển biến nặng hơn, thậm chí mất đi sinh mạng. Vì thế, ước mong của Phong là học tập và trở thành bác sĩ, được quay trở về để cống hiến và giúp đỡ cho người dân ở bản làng vùng cao.
Theo Phong, sợi làm ra từ thân cây chuối có độ thấm hút tốt. Nếu kết hợp với sợi bông thường dùng để tạo thành sợi vải sẽ thấm hút và có độ bền cao. Chia sẻ ý tưởng này với thầy cô giáo dạy môn Hóa và các bạn, Phong nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tận tình. Vì thế, Phong và bạn cùng lớp là Lê Du Pa bắt đầu nghiên cứu quá trình sản xuất vải từ bẹ chuối và một số loại cây nông nghiệp.
Để chứng minh hiệu quả, hai em đã phải thực nghiệm nhiều lần. Các thao tác được cả hai làm hoàn toàn thủ công. Sau khi lọc bỏ những phần già và thừa chỉ để lấy phần bẻ chuối, nhóm của Phong sẽ đun sôi với dung dịch NaOH (còn gọi là xút) theo tỷ lệ nhất định, sau đó tách thành từng sợi rồi đem phơi khô. Về màu sắc, Phong và các bạn cũng sử dụng các nguyên liệu trong tự nhiên, chẳng hạn màu đỏ lấy từ rễ cây hoa phượng, màu vàng từ củ nghệ, màu tím của hoa và lá đậu biếc… Những sợi thành phẩm sau đó được đem dệt bằng máy dệt thổ cẩm để cho ra những tấm vải.
Vi Dương Phong mơ ước lớn lên trở thành bác sĩ để hỗ trợ cho bà con đồng bào |
Phong cho biết, thời gian đầu do không căn được lượng chất hóa học bỏ vào nước, các sản phẩm cho ra đều không đạt tiêu chuẩn. Thậm chí trong quá trình dệt, sợi vải không chắc, đôi khi sẽ bị đứt hàng loạt. Phong phải thực nghiệm không dưới 50 lần mới tìm ra được công thức hoàn chỉnh. Có những giai đoạn làm đi làm lại nhưng không cho ra kết quả, bản thân em thấy rất áp lực, thậm chí đôi lúc còn nản lòng. Nhưng đề tài được thầy cô đánh giá cao và thường xuyên động viên, khích lệ, vì thế cả hai tiếp tục nỗ lực hoàn thiện. Từ lúc bắt đầu lên ý tưởng cho đến khi ra sản phẩm hoàn chỉnh là các vỏ bọc ghế ngồi, ga trải giường, vỏ gối, túi… kéo dài tới gần 1 năm.
Năm 2023, Phong đem sản phẩm này tham dự Cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh THPT tỉnh Nghệ An và giành giải Nhất. Với sự khích lệ của thầy cô, Dương Phong tiếp tục phát triển đề tài, nâng tầm dự án để đem đến cuộc thi Olympic Phát minh và Sáng chế khoa học quốc tế 2023 diễn ra ở Seoul, Hàn Quốc, sau đó giành được Huy chương Vàng và giải đặc biệt.
Với sản phẩm vải thổ cẩm làm từ bẹ chuối, nghiên cứu của Phong được kỳ vọng sẽ có giá trị trong việc bảo vệ môi trường, tăng sự phong phú trong ngành may mặc. Đồng thời, có thể bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, hướng đến bảo vệ môi trường.
Sản phẩm này được các bà, các mẹ tại làng nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc Thái đánh giá cao về độ bền, đã được kiểm định bởi Viện kiểm nghiệm và kiểm định chất lượng VNTEST.