Trả giá đắt vì ham rẻ
Giá rẻ, mẫu mã đa dạng, vô tư thử hàng đã một phần kích thích sự tò mò của người tiêu dùng Việt, đặc biệt là với giới trẻ tại các chợ hàng thùng. Với số tiền khoảng 5 trăm ngàn đồng nhưng nhiều người vẫn mua được 3 chiếc áo ấm với kiểu dáng khá “độc”, không đụng hàng. Trong khi đó, với số tiền này họ không thể mua nổi một cái áo ấm hàng hiệu.
Khi nói về nguy cơ nhiễm các bệnh ngoài da, phụ khoa, viêm, nấm, phần lớn người tiêu dùng đều rất thờ ơ và buông một câu vô tư: “Hàng thùng do đã qua sử dụng, về chịu khó giặt sạch, phơi khô. Cẩn thận hơn thì ngâm nước khử khuẩn, sát trùng là hết vi khuẩn, khỏi lo bệnh tật”. Tuy nhiên, việc giặt giũ, phơi khô và dùng một số loại thuốc khử khuẩn có thực sự khử được hết ký sinh trùng trong các loại đồ này?
Trên thực tế, các chuyên gia da liễu khẳng định có những loại ký sinh trùng, vi khuẩn sống trong môi trường đặc biệt, ký sinh trong các kẽ quần áo nên rất khó để tiệt trùng. Đặc biệt, loại ký sinh trùng này gây nguy hại đến da, tóc, gây các bệnh da liễu, nấm mốc, rụng tóc. Nguy hiểm hơn, chúng có thể chuyển từ ký sinh trên quần áo, giày dép sang ký sinh, phát triển tốt trên cơ thể người. Hơn nữa, da người là môi trường tương đối thuận lợi để một số loài ký sinh sinh trưởng.
Bên cạnh đó, việc các chủ shop lấy quần áo về dựng lều, bỏ đống ngay dưới lòng đường, vỉa hè để bán hết ngày này qua ngày khác cũng là một nguyên nhân để vi khuẩn xâm nhập. Một số loại quần áo, giày do để lâu nên chắc chắn người bán sẽ phải dùng chất tẩy rửa, chất khử mùi để làm mới lại các mặt hàng này hòng qua mắt người tiêu dùng.
Trường hợp của chị Nguyễn Thị Hồng, quận 1, TP.Hồ Chí Minh là một ví dụ về nạn nhân của hàng thùng. Khi đi mua đồ, chị vô tư thử hàng nên đã bị nấm ăn toàn bộ lưng. Chị Hồng cho hay, trong năm 2013, chị chuyên dùng các loại quần áo, giày, mũ hàng thùng, đến giữa tháng 10 vừa qua, cơ thể bắt đầu xuất hiện những nốt chấm đỏ, gây mẩn ngứa, hình thành các bọc mụn, chảy nước, rồi nhanh chóng lây ra toàn thân. Khi đó chị Hồng mới đi khám và nhận kết quả nấm toàn thân vì một loại ký sinh trùng lây nhiễm mang tên erythrasma có trong hàng thùng. Chị Hồng nói: “Biết thế này, tôi đã tránh xa hàng thùng từ trước”. Bác sĩ da liễu khuyên chị nên từ bỏ hàng thùng.
Một nạn nhân khác, anh N.H Hưng ở Hà Đông, sau một tháng xài hàng thùng mua ở chợ Đông Tác cũng bị nhiễm bệnh. Anh Hưng chia sẻ: “Sau khi mua về, bà xã tôi đã khử khuẩn, giặt giũ, phơi khô mới dùng, nhưng một tháng sau trên vùng bụng và ngực xuất hiện các vết mẩn ngứa, cánh tay xuất hiện các bọc mụn nước có màu đỏ khá lớn. Ngay cả ở vùng kín cũng xuất hiện những nốt đỏ”.
Một chuyên gia tại Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, khi tiết trời trở rét, thường hay có người đến trị nấm trên tay, bệnh nhân gần như đã bị sang giai đoạn nặng mới chịu đến bệnh viện vì họ ngại. Có những người biết rõ nguyên nhân bệnh lây do dùng hàng thùng nhiều trong thời gian dài nhưng khi đến khám, bác sĩ hỏi cũng không dám nói.
Cách xử trí để mặc hàng thùng an toàn
Khi đi mua hàng thùng, bạn nên hạn chế việc thử đồ vì hàng thùng khi chưa xử lý chứa vô số các loại vi khuẩn có thể lây sang da người chỉ trong vài giây. Các loại hàng này tiềm ẩn nguy cơ bệnh ngoài da cao. Đặc biệt, với các loại đồ lót, bạn không nên dùng hàng thùng vì nguy cơ lây nhiễm rất cao, nhất là với các bạn nữ. Đồng thời, người mua không nên mua đồ quá cũ hoặc không mua ở nơi mất vệ sinh như các lán, lều dựng tạm bợ, bày bán ngay phía trên cống rãnh nước thải hay những nơi không đảm bảo vệ sinh.
Sau khi mua hàng đã qua sử dụng về, nhất định phải giặt giũ, tẩy rửa an toàn, sấy hấp cẩn thận, đảm bao khử khuẩn thành công để hạn chế nấm mốc gây bệnh thì mới nên dùng. Khi mua hàng về, người dùng nên giặt lại với bột giặt, ngâm vào xà phòng, nước nóng và nên luộc qua nước sôi để khử các vi khuẩn và virus gây bệnh, sau đó là phẳng. Để được an toàn với các bệnh về da liễu và hoa liễu, không nên mua đồ lót cũ.