Nan giải bài toán bảo tồn di sản khảo cổ học

(PLVN) - Trong quá trình khai quật và phát lộ tại khu đền tháp Mỹ Sơn (Duy Xuyên, Quảng Nam), các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam phát hiện một đài thờ sa thạch với Linga-Yoni liền khối còn khá nguyên vẹn, kích thước 2,24m x 1,68m cùng nhiều hiện vật khác có giá trị cao về văn hoá và điêu khắc nghệ thuật.
Hiện vật khảo cổ học cung cấp thông tin về nguồn gốc lịch sử, văn hoá dân tộc.

Di sản khảo cổ trước nguy cơ bị biến dạng, xâm hại

Hoạt động khai quật trên nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác bảo tồn giữa Việt Nam và Ấn Độ tại khu đền tháp Mỹ Sơn, nay đã bước đến năm thứ 4. Cùng với đó, các chuyên gia Việt Nam và Ấn Độ đã khôi phục hoàn thiện nguyên gốc cho đài thờ và 4 trụ đá trước nhóm tháp A tại khu đền tháp Mỹ Sơn. Bộ Linga -Yoni to lớn, liền khối đang được bảo quản cẩn thận tại Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và sẽ sớm được trưng bày phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.

Ông Jalihal Ranganath - Trưởng nhóm công tác bảo tồn cho biết, đây là một bộ Linga -Yoni liền khối lớn nhất tại khu đền tháp Mỹ Sơn cũng như trong điêu khắc Chăm pa. Việc phát hiện và phục hồi lại vị trí nguyên gốc cho đài thờ và 4 trụ đá thuộc ngôi đền này xác định chức năng của ngôi đền là nơi thờ thần Shiva qua biểu tượng Linga -Yoni và đã trả lại không gian thờ tự như xưa. Còn theo Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, đây có thể là Linga -Yoni liền khối từ thế kỷ IX lớn nhất Việt Nam hiện nay. 

Công tác khai quật đã phát hiện ra những di sản có giá trị nhưng việc bảo tồn những di sản này sau khi khai quật được đang là vấn đề được quan tâm nhiều hơn. Di sản khảo cổ học được xem là loại tài sản quý giá không thể tái sinh, không thể thay thế, nhưng lại rất dễ bị biến dạng, hư hỏng theo thời gian do tác động môi trường và con người. Những di sản này cung cấp những thông tin đáng giá về nguồn gốc lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng của dân tộc qua hàng nghìn năm.

Theo báo cáo của Hội Khảo cổ học Việt Nam năm 2019, trên cả nước có khoảng 917 di tích khảo cổ học từ thời kỳ kim khí, tuy nhiên đã có nhiều di tích bị biến dạng, xâm hại nghiêm trọng, thậm chí bị phá huỷ hoàn toàn và chỉ còn được bảo tồn trên giấy.

 Linga-Yoni liền khối thế kỷ IX lớn nhất Việt Nam tại khu Đền tháp Mỹ Sơn.

Đơn cử, di tích Phùng Nguyên (xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ); di tích Hồng Đà (xã Hồng Ðà, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ); di tích Tràng Kênh, các khu mộ táng ở Thủy Nguyên (TP Hải Phòng); các di tích rừng ngập mặn ở huyện Nhơn Trạch (tỉnh Ðồng Nai); di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (TP Hà Nội)… mấy năm nay đều trong tình trạng “điêu đứng” trước nguy cơ bị huỷ hoại nghiêm trọng hoặc bị xoá sổ. 

Nguyên nhân rất nhiều nhưng có thể kể tới: Quá trình xói mòn, phong hoá tự nhiên; ô nhiễm môi trường; tình trạng đô thị hoá, công nghiệp hoá ồ ạt; cư dân địa phương do không biết nên khai hoang làm nơi canh tác, nuôi trồng thuỷ sản; các cơ quan chức năng còn lơ là quản lý…

Lỗ hổng trong quản lý 

Trả lời báo chí, PGS, TS Bùi Minh Trí – Viện trưởng Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết, việc bảo tồn loại hình di sản khảo cổ học rất khắt khe, đòi hỏi phải tuân thủ những chuẩn mực khoa học và cả đạo đức nghề nghiệp, với mục đích chính là bảo tồn tính nguyên gốc của di tích đó dựa trên kết quả khai quật, nghiên cứu khoa học.

Thông thường có hai phương pháp chính: Một là phủ lớp cát lên trên để bảo tồn di tích đó dưới lòng đất nếu không có điều kiện bảo tồn tại chỗ, lâu dài; hai là bảo vệ, bảo tồn tại chỗ bằng cách làm nhà mái che, bao gồm nhà mái che tạm thời và nhà bảo tàng hiện đại trong tương lai (thường áp dụng đối với những di tích có tầm quan trọng đặc biệt).

Ngoài ra, còn có những cách bảo tồn khác như: Xây dựng công trình mới bên cạnh di tích vừa mới khai quật (di tích đền Thái ở Quảng Ninh, chùa Dạm ở Bắc Ninh, Tòa Cửu phẩm ở Côn Sơn); xây dựng công trình mới chồng lên, di tích cũ nằm dưới tầng hầm của kiến trúc mới (chùa Phật Tích ở Bắc Ninh); xây dựng mới hoàn toàn trùm lên di tích khảo cổ: (di tích Lam Kinh, Triệu Tường ở Thanh Hóa; di tích Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh). 

Trên nguyên lý là vậy nhưng thực trạng về việc bảo tồn di sản khảo cổ học vẫn chưa được nhận thức đúng đắn. Do đó, quá trình thực hiện trên thực tế cũng gặp rất nhiều bất cập. Chưa nói đến việc có phát huy được giá trị vốn có của di sản hay không, rất nhiều di sản khảo cổ đang “kêu cứu” nhiều năm nay bởi sự xuống cấp trầm trọng.

Cũng có trường hợp, trong quá trình xây dựng, tôn tạo lại di sản khảo cổ học, người làm không hiểu do cố tình hay vô ý lại “đập đi xây lại”, làm méo mó, biến dạng giá trị gốc của di sản, thậm chí làm biến mất hẳn những dấu tích khai quật được. Bên cạnh đó, nạn đào mộ, săn trộm đồ cổ cũng diễn ra tràn lan khắp nơi nhưng chưa có sự phối hợp chặt chẽ, xử lý triệt để của các cơ quan chức năng và ban quản lý di tích, di vật khảo cổ. 

Quả thực, bên cạnh niềm hoan hỉ phát lộ ra những di sản khảo cổ có rất nhiều giá trị, giới khảo cổ học và những người làm công tác bảo tồn di sản vẫn còn nhiều trăn trở về hiện trạng bảo quản, trùng tu, tôn tạo, bảo vệ cũng như làm mới các di sản. Một mặt, nhận thức của xã hội về bảo tồn di sản khảo cổ học vẫn còn yếu kém, bằng chứng là ngay cả đối với những di tích cấp quốc gia, rất nhiều trường hợp đã bị “bỏ rơi”, “lãng quên” dẫn đến xuống cấp, hoang tàn. 

Mặt khác, pháp luật hiện hành đã có Luật Di sản văn hóa và các nghị định của Chính phủ trong công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy các giá trị khảo cổ học nhưng vẫn chưa đủ. Hiện nay, hầu như không có cơ quan, tổ chức nào giám sát việc thực hiện công tác bảo quản, bảo tồn di sản khảo cổ học có tuân theo đúng những chuẩn mực khoa học, chuẩn mực đạo đức hay không.

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng công tác kiểm kê di sản khảo cổ học cần được quy định chặt chẽ việc kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý và các nhà khoa học tương ứng với các cấp độ di tích khác nhau, trong đó cần đẩy mạnh rà soát lại việc trùng tu, xây dựng mới các khu di tích sau khai quật. 

Đọc thêm