Nan giải chuyện bảo vệ trẻ em

(PLVN) - Hôm nay, 1/6 – Ngày Quốc tế thiếu nhi. Dường như bên tai ai cũng vang lên tuyên ngôn “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

31 năm trước, vào năm 1989, các nhà lãnh đạo thế giới đã đưa ra cam kết mang tính lịch sử cho trẻ em bằng việc thông qua Công ước Liên Hợp quốc (LHQ) về Quyền trẻ em (CRC) – một bộ luật quốc tế cho trẻ em.

Đến nay đã được 196 quốc gia phê chuẩn, Công ước về Quyền trẻ em đã trở thành một văn kiện về quyền con người được phê chuẩn rộng rãi nhất trong lịch sử. Năm nay, đúng 30 năm tính từ năm 1990, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước LHQ về CRC.

Tại Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận về kết quả báo cáo giám sát của “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Dẫn từ báo cáo giám sát đầy đủ, các phụ lục, báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, các  ĐBQH lên án mạnh mẽ tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là tại các đô thị lớn với nhiều phương thức, thủ đoạn và đối tượng khác nhau. Tóm lại, trẻ em đang bị xâm hại dưới nhiều hình thức, trong đó có xâm hại tình dục. 

Một diễn biến khác, sáng 28/5/2020, Bộ TT&TT phối hợp với Quỹ Nhi đồng LHQ - UNICEF Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến, góp ý xây dựng Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng” giai đoạn 2020 - 2025 để tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, cơ quan chức năng, tổ chức chính trị và tổ chức quốc tế hoạt động vì trẻ em trên lãnh thổ Việt Nam trước khi trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2020 này.

Đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ UNICEF tại Việt Nam cho biết: Châu Á Thái Bình Dương có tỷ lệ trẻ em truy cập mạng cao nhất thế giới. Theo thống kê năm 2019 thì tỷ lệ này 57% và 2023 sẽ tăng lên 75%. Tỷ lệ này cũng tương ứng ở Việt Nam. Hiện, Việt Nam có hơn 24 triệu trẻ em dưới 16 tuổi. Khi công nghệ và internet len lỏi vào mọi khía cạnh của cuộc sống, trẻ em là đối tượng đón nhận nhanh nhất những thông tin trên mạng. Đồng thời, đây cũng là đối tượng chịu tác động mạnh mẽ nhất của công nghệ và những vấn đề tiêu cực trên mạng internet.

Môi trường mạng đang “tấn công” tiêu cực vào trẻ em.

Vẫn biết, tại Việt Nam, nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược phát triển con người. Quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được đề cập tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật... Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ở cấp bộ cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết triển khai luật.

Có thể, ngay trong tháng 6 này Đề án vừa nói được ban hành. Vấn đề là làm sao hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng. Đây quả thực là bài toán nan giải.