Nguyên nhân được các nhà nghiên cứu chỉ ra rất nhiều, có chủ quan và khách quan. Về chủ quan, đặc biệt lưu lý tình trạng do năng lực, trình độ của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán còn hạn chế, chưa đáp ứng đòi hỏi đấu tranh PCTP. Các cơ quan tham gia tố tụng chỉ quan tâm đến chứng cứ buộc tội, thỏa mãn với lời khai nhận tội của bị can, không xem xét đến các mâu thuẫn, chứng cứ gỡ tội, so sánh với các nguồn chứng cứ khác... Trong các nguyên nhân chủ quan có nguyên nhân về trưng cầu giám định tư pháp (GĐTP) không được thực hiện.
Đây chính là nội dung chiều 21/5/2020, Quốc hội thảo luận về một số nội dung dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP, trong đó có việc bổ sung qui định về “Phòng giám định kỹ thuật hình sự” thuộc Viện KSND tối cao.
Cách đây 15 năm, Trung ương có Nghị quyết số 49/2005/NQ-BCT về Chiến lược cải cáchTtư pháp đến năm 2020, đề ra nhiều việc phải làm. Từ đó đến nay, nền Tư pháp đã làm được nhiều việc việc như: đặt công tố ngang hàng với bào chữa; bị can nếu bị điều tra có tội nghiêm trọng thì phải có luật sư ngay từ đầu; ban hành án lệ; chuyển giao tổ chức và công tác thi hành án dân sự cho Bộ Tư pháp…
Tuy nhiên, đến nay chưa hoàn thành việc tổ chức lại ngành Tòa án và ngành Kiểm sát theo cấp xét xử; chưa chuyển giao tổ chức và công tác thi hành án hình sự cho Bộ Tư pháp; chưa khắc phục triệt để tình trạng “án tại hồ sơ”; chưa thực hiện nghiêm qui định “chứng cứ là những gì có thật”; … Tất cả những thứ “chưa” đó là những tồn tại cần giải quyết.
Đối với nhân dân, trong lĩnh vực hình sự, án oan sai đã xảy ra, trong đó nhiều vụ khiến cơ quan chức năng đã phải công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho người bị kết tội không đúng pháp luật. Có vụ án thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, một số đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng vì muốn bảo vệ niềm tin vào công lý.
Trong tình hình đó, việc lập mới một “Phòng giám định kỹ thuật hình sự” trực thuộc Viện KSND do Chính phủ trình để Quốc hội xem xét và quyết định là một biểu tượng sinh động cho tính ưu việt của sự phân công và phối hợp giữa ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Dù thảo luận còn ý kiến khác nhau, đó là bình thường. Nhưng sẽ là không bình thường nếu biết rằng cải cách tư pháp vẫn còn nợ Đảng và nhân dân nhiều việc chưa làm được. Dự thảo của Chính phủ về tổ chức mới đó là rất tiến bộ, giúp củng cố niềm tin sẽ có thêm nhiều đổi mới tiếp theo để giảm các món nợ đã và đang có về cải cách tư pháp. Người dân hy vọng dự Luật GĐTP (sửa đổi) được hoàn thiện và sớm thông qua.