Nạn nhân thương tâm nhất của thiên tai

(PLO) - Có lẽ hình ảnh đau thương nhất trong trận lũ kinh hoàng vừa qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc đó là hình ảnh thi thể 3 mẹ con bị vùi lấp ở khu vực thác Khanh, xã Phú Cường,  huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.  Khi lực lượng cứu hộ tìm thấy, bé trai nhỏ tuổi nhất mới 3 tháng tuổi tử vong khi vẫn đang được mẹ ôm trong lòng. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Qua hình ảnh này có thể thấy sự tàn khốc của thiên tai đối với đời sống, sinh mệnh con người. Nhưng nếu suy xét sâu hơn nữa thì con người cũng có phần trách nhiệm gây ra “cơn giận dữ của đất trời” như vậy. Chính vì thế giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) là nhiệm vụ được đặt ra ở nhiều quốc gia, nhiều tầng lớp xã hội, cộng đồng.

Mới đây, tại diễn đàn “Phát huy vai trò, tiềm năng của phụ nữ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với BĐKH” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam bà Nguyễn Thị Tuyết đã đưa ra một con số đáng buồn: trong hai thập kỷ qua, thiên tai ở Việt Nam đã làm cho hơn 13 nghìn người chết và gây thiệt hại trên 6,4 tỷ đô la Mỹ. Phần lớn dân cư tập trung ở khu vực đồng bằng hạ lưu các con sông và vùng ven biển, do vậy có tới 70% dân số Việt Nam có nguy cơ gặp rủi ro từ thiên tai.

Có thể thấy, khi lũ lụt, hạn hán kéo đến, tất cả mọi người trong cộng đồng ai cũng bị ảnh hưởng, không phân biệt nam hay nữ, nhưng hậu quả của sự ảnh hưởng đó lại khác nhau dựa trên đặc tính giới. Cụ thể là phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương bởi ảnh hưởng của thiên tai hơn nam giới, tỷ lệ bệnh tật và tử vong cao hơn, theo nhận định của bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện Cơ quan của Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam.

Thực tế cho thấy, trong và sau thiên tai phụ nữ luôn là những người ưu tiên bảo đảm sự an toàn cho các thành viên trong gia đình trên cả bản thân mình, là những người đứng sau chăm sóc cho trẻ nhỏ, người già. Phụ nữ không phải là nhân tố thụ động và là nạn nhân, họ có nhiều tiềm năng để giảm nhẹ rủi ro thiên tai và xây dựng khả năng phục hội của cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay, các năng lực, kỹ năng cũng như nguồn lực của phụ nữ và trẻ em gái thường bị bỏ qua do định kiến giới đã làm giảm giá trị kiến thức của họ và đẩy họ ra ngoài các cấp quyết định ở cấp hộ gia đình và địa phương. Việc đặt phụ nữ ở vị trí thứ yếu đã làm hạn chế khả năng của họ trong hồi phục sau thiên tai, khả năng xây dựng lại cuộc sống và thích ứng với BĐKH.

Vì thế, bà Elisa Fernandez cho rằng, cần phải bảo đảm để những người bị ảnh hưởng nhất do thiên tai trở thành một phần quan trọng trong việc phát triển các giải pháp giảm thiểu và ứng phó với BĐKH. Những năng lực và kiến thức của họ cần được khai thác trong các chương trình của Chính phủ; cần tăng cường tiếng nói và vai trò của phụ nữ trong quá trình hoạch định và quyết định chính sách. 

Được biết, tới đây, để thay đổi quan niệm chỉ coi phụ nữ là nạn nhân của thiên tai, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã có kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đổi mới và thiết thực để phụ nữ ở cộng đồng có kiến thức và kỹ năng tham gia hiệu quả vào các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó với BĐKH.

Cùng với đó, vấn đề nâng cao năng lực cán bộ Hội ở khâu lập kế hoạch và phân bổ nguồn lực phòng chống thiên tai cũng rất quan trọng vì thực tế cho thấy  từ năm 2013 Hội LHPN các cấp mới chính thức là thành viên của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến việc Hội phụ nữ các cấp có tiếng nói chính thức và có trọng lượng trong cơ quan ra quyết định chính về lĩnh vực phòng chống thiên tai. 

Đọc thêm