“Rừng chảy máu”

(PLO) - “Rừng chảy máu” là cụm từ để miêu tả những cánh rừng bị tàn phá. Và đi cùng với thảm cảnh của rừng là những hậu quả nặng nề khi mưa lũ mà người dân phải gánh chịu. Qua những trận mưa lũ càng khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của rừng và mô hình phát triển phải tránh “can thiệp thô bạo vào tự nhiên, mà phải thuận thiên là chính” như Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh.
Chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng để giảm thiểu tác hại của thiên tai.
Chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng để giảm thiểu tác hại của thiên tai.

Làm ngơ, tiếp tay cho “giết” rừng 

Tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, tháng 6/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã  chỉ đạo kiên quyết thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên, nên vụ phá rừng phòng hộ tại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam vừa được báo chí “phanh phui” khiến dư luận hết sức bức xúc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh thông tin báo chí nêu về việc phá rừng này. Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định rừng bị phá do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý. Công an huyện Tiên Phước đã khởi tố vụ án, đang củng cố hồ sơ để khởi tố bị can.

Đây chỉ là một trong hàng trăm vụ phá rừng đã diễn ra suốt thời gian qua bất chấp nỗ lực bảo vệ rừng của lực lượng chức năng và người dân. Theo thừa nhận của Bộ NN&PTNT tại Hội nghị trực tuyến về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới” vừa diễn ra trung tuần tháng 10, hơn một năm qua, bằng nhiều cơ chế, chính sách mới và sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo vệ, phát triển rừng, diện tích rừng cả nước tiếp tục tăng lên, hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa nghề rừng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng. 

Tuy nhiên, khu vực Tây Nguyên diện tích rừng tiếp tục giảm. Tình hình vi phạm đối với rừng tự nhiên còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là khu vực Tây Nguyên và một số địa phương khu vực miền Trung, Điện Biên, một số vụ phá rừng nghiêm trọng, nhưng chậm bị phát hiện và xử lý ở các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Nghệ An, Bắc Kạn, Điện Biên,... xử lý vi phạm thiếu kiên quyết, nhất quán; thậm chí có biểu hiện né tránh trách nhiệm, làm ngơ, tiếp tay cho người phá rừng, gây thiệt hại lớn đối với tài nguyên rừng, kỷ cương pháp luật không được thực hiện nghiêm túc, gây bức xúc trong xã hội.

Công tác tăng cường nhận thức về việc bảo vệ rừng để bảo vệ chính “môi trường sống của chúng ta” được thực hiện thường xuyên. Nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể là nguyên nhân từ chính sự thờ ơ, vì lợi trước mắt của một nhóm người mà hàng trăm hecta rừng bị biến thành “đất trống, đồi trọc”, tạo điều kiện cho mưa lũ tăng thêm sức tàn phá. 

Bộ NN&PTNT chỉ rõ, mục đích phá rừng tự nhiên lấy đất trồng rừng, chuyển từ sở hữu rừng nhà nước thành sở hữu tư nhân; canh tác nông nghiệp, trồng cây công nghiệp; khai thác gỗ có giá trị thương mại cao tại một số khu rừng tự nhiên còn gỗ quý. Địa bàn rừng bị phá trái pháp luật tập trung ở diện tích giao cho các Ban Quản lý rừng phòng hộ, Công ty Lâm nghiệp, nhất là diện tích đang trong quá trình sắp xếp chuyển giao về địa phương quản lý; rừng khu vực đưa ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp, nhất là địa bàn các dự án phát triển kinh tế, xã hội; diện tích rừng do UBND cấp xã quản lý.

Nguyên nhân chủ quan của tình hình phá rừng trái pháp luật là do chủ rừng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời, báo cáo diện tích rừng bị thiệt hại không trung thực, không nghiêm túc thực hiện việc khắc phục hậu quả trồng lại rừng đối với diện tích rừng bị phá, để xâm canh, lấn chiếm đất kéo dài tạo thành hệ lụy xấu, khó xử lý (Ban Quản lý rừng phòng hộ Ya Hội, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê, tỉnh Gia Lai; một số chủ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông như: Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ, Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ thương mại Hợp Tiến… và diện tích rừng do các UBND cấp xã quản lý).

Chính quyền địa phương cơ sở không thực hiện hết trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, vai trò chỉ đạo, điều hành còn mờ nhạt, thiếu tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên. Một bộ phận cán bộ công chức các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Kiểm lâm địa bàn năng lực, nghiệp vụ yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không kiểm tra, phát hiện, tham mưu cho chính quyền xử lý kịp thời, thậm chí còn biểu hiện làm ngơ, tiếp tay cho hành vi phá rừng trái pháp luật. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng trong điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ, hầu hết các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép chậm được điều tra, xử lý và để kéo dài.

Chấm dứt khai thác gỗ rừng tự nhiên

Rừng ngang nhiên bị tàn phá, mang lại lợi ích cho một nhóm nhưng để lại những trận lũ quét, hạn hán, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên cuộc sống và đe dọa nghiêm trọng đến sinh kế của hàng triệu người dân vùng có rừng, đến môi trường sống chung của cộng đồng. Hậu quả nhãn tiền mỗi khi lũ tràn về là người dân bị thương vong, mất tích, tài sản bị cuốn trôi theo dòng nước lũ từ thượng nguồn, nhiều địa phương vẫn bị cô lập, nhiều khu vực bị chia cắt.

Thống kê của Bộ NN&PTNT qua kết quả tổng kiểm tra, kiểm kê, công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016 cho thấy, cả nước có 14.377.682ha (tăng 315.826ha so với năm 2015), trong đó bằng khoanh nuôi, tái sinh và các giải pháp bảo vệ rừng tự nhiên hiện có 10.242.141ha (tăng 66.621ha); rừng trồng 4.135.541ha (tăng 249.203ha so với năm 2015); độ che phủ rừng đạt 41,19% (tăng 0,35% so với năm 2015); giá trị lâm nghiệp tăng bình quân 6,75%/năm trong giai đoạn 2013-2016 (so với 5,03%/năm trong giai đoạn 2010-2012); sản lượng gỗ rừng trồng tăng hơn 3,3 lần (từ 5,6 triệu m3/năm 2011 lên 17,3 triệu m3/năm 2016); giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng hơn 2 lần (từ 2,8 tỷ USD/năm giai đoạn 2006-2010 lên 6,52 tỷ USD giai đoạn 2012-2015, năm 2016 đạt 7,3 tỷ USD). 

Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng, giảm áp lực chi ngân sách. Ước hàng năm, cả nước thu từ 1.200-1.300 tỷ đồng; chi trả cho hơn 5,4 triệu ha rừng và ước riêng năm 2017, cả nước thu khoảng 1.650 tỷ đồng... Bằng nhiều cơ chế, chính sách mới và sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo vệ và phát triển rừng, diện tích rừng cả nước tiếp tục tăng, hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa nghề rừng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo sinh kế cho người làm nghề rừng…

Để tiếp tục phát huy lợi thế của rừng và để rừng bảo vệ cuộc sống của chúng ta, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương: Tiếp tục không khai thác gỗ rừng tự nhiên; kiểm soát chặt chẽ các dự án có sử dụng diện tích đất rừng; phát triển du lịch là cần thiết nhưng không được làm ảnh hưởng tới rừng... Rừng trồng và phát triển vốn rừng là hướng phát triển lâu dài của đất nước, do vậy, cần chỉ đạo thanh tra, điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về rừng cũng như người đứng đầu, các chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng thiếu trách nhiệm, không phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi phá rừng; kiên quyết loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi đội ngũ bảo vệ rừng; tiếp tục giải quyết tình trạng di dân tự do, không để tình trạng người dân phá rừng lấy đất sản xuất; tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; khẩn trương rà soát quy hoạch, khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn, ven biển...

Các chuyên gia cũng khẳng định, bảo vệ, phát triển rừng, nhất là quản lý chặt chẽ rừng tự nhiên hiện có, vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa lâu dài; phải được quan tâm chỉ đạo thường xuyên như nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, với các giải pháp đồng bộ: chấm dứt khai thác gỗ rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên hiện có sang các mục đích khác; các dự án đã chuyển mục đích sử dụng rừng phải khẩn trương hoàn thành trách nhiệm trồng rừng thay thế; không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển, rừng ngập mặn; chống chặt phá rừng trái pháp luật có hiệu quả; từng bước khôi phục, phát triển diện tích, chất lượng rừng, nhất là phòng hộ đầu nguồn, ven biển. 

Mặc dù có nhiều nỗ lực để bảo vệ và phát triển rừng nhưng theo báo cáo của Bộ NN&PTNT tại Hội nghị trực tuyến về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vừa qua thì khu vực Tây Nguyên diện tích rừng tiếp tục giảm, với diện tích rừng hiện có 2.558.646 ha, giảm 3.170 ha so với năm 2015, trong đó: rừng tự nhiên 2.234.441 ha, giảm 11.473ha; rừng trồng 324.205 ha, tăng 8.304 ha so với năm 2015.

Tổng hợp báo cáo các địa phương, giai đoạn 2012-2017, diện tích rừng thiệt hại do phá rừng trái pháp luật là 4.218 ha, chiếm 11% tổng diện tích rừng bị mất do cả hành vi vi phạm pháp luật và chuyển mục đích sử dụng rừng.

9 tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện 13.178 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 3.439 vụ (21%), diện tích rừng bị thiệt hại 1.257 ha, giảm 3.078 ha (71%) so với cùng kỳ năm 2016; đã xử lý hành chính 10.985 vụ, xử lý hình sự 263 vụ.

Riêng khu vực Tây Nguyên: 9 tháng đầu năm 2017, phát hiện 3.877vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 10%, diện tích rừng bị thiệt hại 444 ha,tăng23 ha (5%)so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 53,7% tổng diện tích rừng bị thiệt hại cả nước.

Đọc thêm