Nâng cao hiệu quả vùng nuôi tôm sinh thái ở Cà Mau

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xác định được lợi ích thiết thực mà loại hình nuôi tôm sinh thái mang lại, trong những năm qua, tỉnh Cà Mau đã chú trọng phát triển loại hình nuôi tôm sinh thái nhằm để tận dụng tiềm năng và lợi thế vốn có của địa phương để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thủy sản.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã nhận được nhiều hỗ trợ từ các dự án của các tổ chức quốc tế trong phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, Cà Mau có khoảng 80.000 ha rừng ngập mặn, trong đó có 30.000 ha nuôi tôm dưới tán rừng. Hiện có trên 19.025 ha được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế. Năng suất bình quân đạt từ 250-300 kg/ha/năm.

Người dân được hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm sinh thái để tạo ra sản phẩm sạch với giá cao hơn giá thị trường 10% -20%.

Người dân được hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm sinh thái để tạo ra sản phẩm sạch với giá cao hơn giá thị trường 10% -20%.

Bên cạnh đó, diện tích sản xuất tôm - lúa của tỉnh trên 43.000ha và thực tế đã khẳng định sản xuất luân canh một vụ lúa, một vụ tôm là mô hình sản xuất bền vững đạt hiệu quả kinh tế cao, năng suất tôm nuôi trên đất có trồng lúa bình quân từ 400 - 460kg/ha/năm, tăng từ 20-30% so với điều kiện nuôi tôm quảng canh không có trồng lúa.

Cụ thể ở một số địa phương như: huyện Trần văn Thời trung bình từ 400 - 450kg/ha/năm, huyện U Minh trung bình từ 470 - 490kg/ha/năm, huyện Thới Bình trung bình từ 470 - 500kg/ha/năm. So với những ruộng nuôi tôm quảng canh không trồng lúa, năng suất trung bình chỉ đạt từ 250 - 350 kg/ha/năm.

Lãnh đạo Chi cục Thủy sản Cà Mau, cho biết: “Nghề nuôi tôm ở Cà Mau so với các tỉnh là sự đa dạng về loại hình nuôi, gắn liền với khu vực rừng ngập mặn và vùng sản xuất tôm - lúa hình thành loại hình nuôi rừng - tôm kết hợp và luân canh và tôm - lúa, với sản phẩm tôm nuôi mang đậm chất sinh thái, vì ở loại hình nuôi này chủ yếu người nuôi chỉ thả tôm giống, tôm nuôi phát triển dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên. Đây được xem là mô hình được các nhà khoa học đánh giá mang tính bền vững cao.

Thu hoạch tôm dưới tán rừng ngập mặn, một trong những mô hình kết hợp hiệu quả nâng cao đời sống của nông dân.

Thu hoạch tôm dưới tán rừng ngập mặn, một trong những mô hình kết hợp hiệu quả nâng cao đời sống của nông dân.

Đặc biệt, lợi ích mô hình nuôi tôm đạt chứng nhận sinh thái mang lại bảo đảm lợi nhuận cao nhất cho người dân, khi đầu ra sản phẩm được doanh nghiệp chế biến cam kết thu mua toàn bộ với giá cao hơn giá thị trường 10% - 20%. Ngoài ra, phát triển nuôi tôm sinh thái đạt chứng nhận có rất nhiều cái lợi, nhà nông được nâng cao năng lực, trình độ nuôi tôm, họ nhận thức được việc bảo vệ rừng là trách nhiệm và có thể đối thoại trực tiếp về giá cả với doanh nghiệp”.

Xây dựng và phát triển loại hình nuôi tôm sinh thái bền vững

Để phát triển loại hình nuôi tôm sinh thái một cách mạnh mẽ và bền vững thời gian tới, tỉnh Cà Mau đã chú trọng chỉ đạo như quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 chuyển toàn bộ gần 30.000ha diện tích nuôi theo hình thức tôm - rừng sang nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng và trên 20.000ha nuôi tôm sinh thái được chứng nhận. Bên cạnh đó, chú trọng nhân rộng nuôi tôm quảng canh kết hợp đa dạng đối tượng nuôi trên diện tích 100.000 ha, nuôi tôm sinh thái theo mô hình sản xuất luân canh lúa - tôm trên diện tích 43.000ha.

Trong Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau, ngành hàng tôm sinh thái được chọn lựa là một trong những ngành hàng tập trung ưu tiên phát triển và chú trọng phát triển chuỗi giá trị tôm sinh thái trên cả 2 lĩnh vực nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn và nuôi tôm luân canh trồng lúa.

Nuôi tôm sinh thái đạt năng suất cao góp phần thu nhập cho nhiều hộ nông dân.

Nuôi tôm sinh thái đạt năng suất cao góp phần thu nhập cho nhiều hộ nông dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nghề nuôi tôm nói chung và nghề nuôi tôm sinh thái, hữu cơ nói riêng ở Cà Mau đang đối mặt với những khó khăn thách thức, cần có những giải pháp mạnh để nhanh chóng tập trung phát triển bền vững mô hình tôm sinh thái, hữu cơ đạt chứng nhận của tỉnh.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản Cà Mau, thời gian tới cần có những chính sách khuyến khích phù hợp như: hỗ trợ đầu tư cho những hộ thực hiện mô hình nuôi tôm sinh thái, hữu cơ đang gặp khó khăn về vốn, đồng thời phải tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư và nhất là công tác phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu lai tạo những giống lúa có khả năng sinh trưởng và phát triển trên đất nhiễm mặn để phục vụ cho sản xuất đồng thời cải thiện cuộc sống của nông dân trong vùng tôm lúa, cũng như tăng cường chính sách hỗ trợ dịch vụ môi trường rừng đối với loại hình nuôi tôm dưới tán rừng... Đồng thời, hợp tác với các trường, viện nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển ngành hàng tôm sú sinh thái, nghiên cứu để chứng nhận đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC,…

Hiệu quả nuôi tôm sinh thái đã nâng cao vị thế tôm Cà Mau.

Hiệu quả nuôi tôm sinh thái đã nâng cao vị thế tôm Cà Mau.

“UBND các huyện chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát những vùng nuôi tôm sinh thái để kiến nghị, kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực đầu tư, hỗ trợ nhằm phát triển chứng nhận đạt các tiêu chuẩn, hữu cơ... Đồng thời, đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị ngành hàng tôm, hình thành vùng nuôi quy mô lớn; duy trì, khôi phục lại các THT/HTX trong thời gian qua hoạt động hiệu quả...; Chủ rừng tăng cường công tác phối hợp với cơ quan liên quan, doanh nghiệp quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ rừng, khai thác rừng hợp lý… nhằm tạo điều kiện phát triển nuôi thủy sản trên đất rừng và phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên” - Chi cục Thủy sản Cà Mau đề xuất.