Năng lượng và an ninh

(PLVN) - Cách đây vài ngày, tại nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế tổ chức phiên giải trình “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội”.
Ảnh minh họa.

Tại phiên giải trình, “Tư lệnh” ngành Công Thương chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện quy hoạch, phát triển ngành điện, như: Cơ chế chính sách đối với ngành điện còn thiếu đồng bộ, chậm được đổi mới; nguồn lực đầu tư còn hạn chế và dàn trải; chất lượng xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch điện chưa cao; các văn bản pháp luật liên quan đến cung ứng điện còn nhiều bất cập, mâu thuẫn… Nếu như nói về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với điện năng thì những “tồn tại, hạn chế” này trước hết thuộc về Bộ Công Thương.

Để phát triển năng lượng điện trong giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sẽ khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện lực; xây dựng cơ chế chính sách tài chính để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư vào nguồn điện; đẩy mạnh các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

An ninh năng lượng là vấn đề mang tính toàn cầu. Ngay khu vực Đông Nam Á, chỉ nhìn việc phát triển điện năng trên thượng nguồn sông Mê Kông đã cho thấy điều này. Công bằng mà nói, Việt Nam đã xây dựng được một hạ tầng về năng lượng, công nghiệp năng lượng phát triển vượt bậc, toàn diện, cả về quy mô, tốc độ tăng trưởng; đã ứng dụng, nghiên cứu, làm chủ về khoa học, kỹ thuật; đào tạo được một đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý, kỹ sư, công nhân kỹ thuật đông đảo trên các lĩnh vực như: khai thác, chế biến, công nghiệp và năng lượng. Điều này, đã góp phần phát triển kinh tế -xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo của đất nước.

Tuy nhiên, chưa bao giờ an ninh năng lượng được đặt ra như hiện nay. Giai đoạn 2010 - 2019, Việt Nam không xảy ra thiếu điện. Tuy nhiên giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt điện năng. Đất nước đã phải nhập than cho nhiệt điện, gần như các dòng sông đều đã được ngăn dòng làm thủy điện... Điện dự báo sẽ thiếu trong khi thất thoát điện năng còn lớn, giá điện còn cao (so với thu nhập Việt Nam) mà chưa có điều kiện để giảm.

Đây là lúc phải tính bổ sung năng lượng tái tạo: các nguồn điện gió, điện mặt trời vào vận hành; bổ sung thêm các nguồn điện khí... và nhập khẩu. Điện năng cũng giống như sản phẩm khác, sản xuất, tiêu dùng đều phải tiết kiệm. Do vậy, nếu xã hội chưa hình thành “văn hóa” tiết kiệm điện thì áp lực thiếu luôn đặt ra.

Tất nhiên, về phía ngành Công Thương, cơ chế giá điện cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện bảo đảm các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư năng lượng, khắc phục cho được cách tính giá điện chưa hợp lý như hiện nay. Suy cho cùng, không chỉ thiếu điện mới sinh ra bất ổn mà tính giá điện không hợp lý cũng sinh ra “hệ lụy” xã hội./.