Hiện nay, hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hiện thực hóa bằng cách nào?
Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng. Trong các “điểm nghẽn” có điểm nghẽn về hạ tầng. Về đầu tư, lâu nay Việt Nam đã tập trung vào hạ tầng giao thông, năng lượng, các dự án tạo sức lan toả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, năng lượng thì đang nguy cơ thiếu, hệ thống cao tốc Bắc – Nam chưa hình thành.
Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam mới xây được có 400 km đường cao tốc, còn tới hơn 1.300km nữa. Theo kế hoạch phải đến 2030 mới làm xong đường cao tốc. Trong khi đó, hệ thống cảng biển, hàng không, hạ tầng số, đường bộ… đều cần được nâng cấp. Không có quốc gia nào phát triển được mà thiếu đường cao tốc. Các trung tâm logistics với ưu việt là kết nối đa phương thức, lan tỏa đều chưa hình thành. Một đất nước 3.260 km bờ biển nhưng giao thông vận tải đường biển trồi trụt. Đất nước chưa có một cảng trung chuyển tầm khu vực, chưa nói đến quốc tế.
Việt Nam đã từng “đi tắt”, “đón đầu” về công nghệ thông tin cách đây khoảng 20 năm và có nhiều dấu ấn. Tuy nhiên, hiện nay câu chuyện “vượt lên” và “đi trước” được đặt ra cần giải pháp gì?
Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam xác định định hướng quan trọng về thể chế là: hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế; xây dựng, hoàn thiện, thử nghiệm khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường.
Dự thảo cũng đưa ra định hướng quan tâm đầu tư đúng mức cho nghiên cứu khoa học cơ bản; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số; tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh, tạo nền tảng để tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển; hình thành và phát triển hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, lấy doanh nghiệp là trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Chưa bao giờ Việt Nam có thế và lực tốt như hiện nay để vươn lên. Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do, bao gồm EVFTA và CPTPP và đang đứng trước cuộc cách mạng 4.0 với nhiều cơ hội để chuyển mình. Ngoài cương lĩnh, chính sách; có lẽ phải thay đổi nhanh chóng tư duy quản trị.