PLVN tìm về một số địa danh tang thương, gặp lại một số nhân chứng, ghi lại câu chuyện để nhắc nhở chúng ta không bao giờ được coi thường trước những nguy cơ thiên tai.
Cơn lũ kinh hoàng mạnh đến mức tạo cửa biển mới
Do tác động của không khí lạnh mạnh kết hợp dải áp thấp xích đạo các nhiễu động trên cao và là áp thấp nhiệt đới, các tỉnh phải hứng chịu những trận mưa rất lớn từ ngày 1 đến 6/11/1999.
Mưa tại tỉnh Thừa Thiên - Huế với vũ lượng rất lớn, chưa từng thấy 100 năm trước đó. Lũ lụt làm ngập trắng 10 tỉnh thành, 20 huyện thị bị nhấn chìm. Nước mắt miền Trung hòa vào nước mưa, 595 người thiệt mạng dưới cơn thịnh nộ của thiên nhiên, 41.846 ngôi nhà bị cuốn trôi, 570 trường học bị cô lập phá hủy, thiệt hại 3.800 tỷ đồng.
Trong tổng số 595 người chết, danh sách nạn nhân ở Thừa Thiên - Huế là 352. Tại nhiều nơi nước ngập sâu đến 4m. Nhiều đoạn quốc lộ ngập trong nước nhiều ngày dẫn đến giao thông đường bộ ngưng trệ.
Đường thủy, đường sắt, đường không cũng phải tạm dừng hoạt động. Sân bay Phú Bài nằm ở vị trí tương đối cao nhưng nước lũ vẫn tràn lên gây ngập, phải đóng cửa từ ngày 1 đến 5/11. Tại Quần thể di tích Cố đô Huế, nước lũ tràn vào nhiều lăng tẩm, đền đài.
Nước lũ dâng cao, dòng nước chảy xiết về hạ lưu, làm vỡ phá Tam Giang và mở ra cửa biển mới. Đó là đêm 2/11/1999, người dân thôn Hải Thành (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) đang gọi nhau chạy lũ thì nước phá Tam Giang dâng cao rồi cuốn trôi 64 ngôi nhà và 14 người ra biển. Con đường nối từ Hải Thành về làng Hòa Duân (xã Phú Thuận) bị vỡ và xuất hiện một cửa biển mới. Sự cố lũ dữ “tạo cửa biển” được xem là chưa từng xảy ra ở Việt Nam.
Hai mươi năm đã qua, hình ảnh người dân Huế vẫn ám ảnh là sau ngày lũ rút, hàng trăm quan tài gỗ thông vàng đựng thi thể những người thiệt mạng được đưa về khu vực Bia Quốc học để người thân nhận dạng, tìm kiếm. Khăn tang trắng xóa, bóng những người kiệt sức vì lũ nay lại kiệt sức tìm thân nhân vật vờ, tiếng than khóc thê lương…
Anh Thu mất 12 người thân trong cơn “đại hồng thủy”. |
Ông Nguyễn Văn Thu (53 tuổi, ngụ Phú Vang), hồi ức, đêm định mệnh đó đã cuốn trôi 12 người trong gia đình ông gồm cha mẹ, vợ con, gia đình người em trai. Tối 2/11, thấy mưa lớn nước lên nên ông chèo đò đưa vợ và 3 con sang nhà bố mẹ tránh trú. Trên đường quay trở lại nhà lấy thêm ít đồ, ông bị dòng nước lũ cuốn trôi, may mắn có thuyền đi qua nên ông được cứu đưa vào trụ sở Bộ đội Biên phòng.
Khuya hôm ấy, khi ông đang lả người vừa được cứu đưa về doanh trại bộ đội, thì ở khu nhà cha mẹ ông, một tiếng nổ lớn đinh tai, nước lũ xé toạc làm vỡ đập Hòa Duân cuốn trôi 12 người thân của ông ra biển. Mãi sau này ông mới tìm thấy hài cốt người thân đưa về quê an táng khi thi thể họ trôi dạt vào bờ, được người dân ven biển các địa phương chôn cất.
Không buông xuôi số phận
Ông Nguyễn Đăng Tâm (Nguyên Hải đội trưởng Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên - Huế) nhớ lại, mưa lớn nên con đường nối Hải Thành và Hòa Duân (huyện Phú Vang) tạo thành cửa biển mới rộng khoảng 800m, sâu chục mét.
Hải đội 2 được lệnh tổ chức lực lượng ứng cứu, chia làm ba mũi. Mũi 1 tổ chức di dời toàn bộ vũ khí, trang bị và lương thực lên Đồn Biên phòng Thuận An. Mũi 2 sử dụng tàu, ca nô hướng dẫn cho tàu ngư dân vào trú đậu tại cảng, vùng vịnh của đơn vị. Mũi 3 tổ chức lực lượng giúp dân di dời từ vùng bị ngập lên khu vực cao.
Rạng sáng 3/11, nước lũ tiếp tục dâng cao làm khu dân cư bị chia cắt. Trước tình huống khẩn cấp, các cán bộ, chiến sĩ trên hai tàu bất chấp nguy hiểm tiến thẳng đến khu vực dân cư có nhiều tiếng kêu cứu.
Sau những nỗ lực vật lộn với cơn lũ dữ, các tàu cứu được nhiều bà con và đưa hàng chục ghe thuyền đưa vào nơi an toàn. Cũng trong lúc cam go đó, tàu BP 31.02.02 cùng 5 cán bộ, chiến sĩ bị sóng và gió mạnh cuốn trôi ra biển, các chiến sĩ đã quyết bám tàu. Khoảng 10h cùng ngày, bộ đội tiếp cận cứu được 3 đồng đội. Còn lại hai đồng chí Phạm Văn Điền và Lê Đình Tư đã hi sinh.
Từ quân đến dân đều một lòng gai góc quyết không đầu hàng số phận. Như câu chuyện của thầy trò một ngôi trường ở xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà). Trường nằm trên một mô đất cao, cách bờ sông Hương hơn 2 km. Năm lũ cao nhất cũng chỉ vào đến sân trường.
Tan hoang sau lũ. |
Ngày 1/11/1999, lịch học vẫn diễn ra như mọi hôm. Nước lên, các thầy cô giáo được lệnh cho học sinh về nhà tránh lũ. Một số em nhà gần cuốc bộ về, số khác phải ở lại vì nhà xa, cộng thêm nước ngập chia cắt đường về. Tổng cộng có 57 học sinh cùng hai thầy ở lại trường.
Ông Lê Vĩnh Thái (hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, lúc đó là giáo viên mới ra trường), kể lại, 3h chiều hôm đó thầy Vĩnh Thái cùng thầy Hoàng Thái tự phân công nhau. Thầy Hoàng Thái ở lại quản lý học sinh, thầy Hoàng Thái sang sông thuê đò đưa các em về, nhưng chẳng chủ đò nào dám chở, sợ nước lớn quá không thể chạy được.
Về lại trường chừng 5h chiều, hai thầy tập trung học sinh vào phòng học, xếp bàn lại làm chỗ ăn ngủ, người nấu cơm, người đi chặt buồng chuối xanh nấu canh.
Đến 6h sáng 2/11, nước dâng cao tràn hành lang phòng học, mọi người tiếp tục chồng thêm bàn. Đến gần trưa, đầu các em đã chạm trần nhà. Mọi người phá mái ngói leo lên mái nhà.
Thuyền đi qua phát hiện, thầy trò được đưa lên đồi Hóc Tổng. Tưởng đã an toàn, nhưng chỉ được một lúc nước đã đuổi theo lên ngập đồi. Đang chuẩn bị đưa học sinh đi tìm nơi cao hơn thì anh Nguyễn Ngọc Chính, Bí thư Xã đoàn, nghe tin nước lũ bao vây thầy trò nên đến ứng cứu.
Mọi người chạy lên miếu làng Trẹm. Nước vẫn đuổi theo. Thầy trò tiếp tục chạy lên nơi cao nhất vùng đồi. Trời vẫn mưa. Nước vẫn còn dâng. Mệt lả, lạnh, đói.
Đến ngày 3/11, các em gần như kiệt sức. Các thầy không buông xuôi, vừa động viên các em, vừa gắng sức nhổ sắn quanh đồi về nấu cho học sinh ăn tạm. Cuộc “đuổi cùng giết tận” của lũ dữ phải chịu thua ý chí con người. Nước rút, thầy trò dìu nhau tìm về làng xóm tan hoang.
Cả nước hướng về miền Trung
Khi đường sắt và đường bộ chưa hoạt động trở lại, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân lập cầu hàng không ở sân bay Phú Bài phục vụ cứu hộ, cứu nạn và chở hàng cứu trợ.
Quân khu 4, lực lượng công an, biên phòng, quân dân y từ Hà Nội và nhiều tỉnh thành cũng có mặt ở những vùng bị lũ tàn phá nặng để hỗ trợ người dân, khám chữa bệnh và triển khai các giải pháp khẩn cấp cải thiện môi trường. Sinh viên nhiều trường đại học tình nguyện đến Huế giúp người dân dựng lại nhà cửa, dọn rác thải, chôn cất động vật bị chết trôi trong lũ.
Chính phủ lập tức tổ chức một hội nghị về khắc phục hậu quả do trận lũ lụt gây ra. Ngay sau hội nghị, Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định gửi nhiều loại lương thực, thực phẩm, thuốc men đến các tỉnh bị thiệt hại; hỗ trợ 100 tỷ đồng cho dân sinh; 100 tỷ đồng khôi phục cơ sở hạ tầng; người dân được cho vay không thế chấp để khắc phục hậu quả đợt lũ.
Sau cơn “đại hồng thủy”, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, một ngôi làng mới ven biển được lập nên cho những ai đã mất nhà, mất người. Khi khảo sát công tác khắc phục tại đây, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đặt tên ngôi làng là làng Rồng.
Cứ thế, suốt 20 năm qua, cứ mỗi lần lễ, Tết, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lại hỏi thăm và dành những phần quà gửi tặng người dân nơi đây. Hai thập kỷ qua, cuộc sống người dân làng Rồng đã thay da đổi thịt. Hiện làng có 64 hộ với 276 dân khẩu và không có hộ nghèo, chủ yếu sinh sống bằng nghề đi biển.
Nhà nước và người dân không quên sự hi sinh anh dũng của những cán bộ chiến sỹ. Bộ Quốc phòng truy phong trung úy Phạm Văn Điền lên quân hàm Đại úy. Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại úy Phạm Văn Điền.
Bộ Quốc phòng truy phong binh nhất Lê Đình Tư lên cấp bậc Thượng sĩ. Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Thượng sĩ Lê Đình Tư. Và hình ảnh hai liệt sỹ còn sống mãi trong lòng người dân xứ Huế.
Ở ngôi trường xã Hương Thọ, thầy giáo Lê Vĩnh Thái nhận được nhiều bằng khen của Tỉnh Đoàn, Trung ương Đoàn, Huy chương Tuổi trẻ dũng cảm, Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc Trẻ em Việt Nam, Bộ GD&ĐT, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.