Nếp nhung Tam Sơn thơm, dẻo nức tiếng Bắc Ninh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nếp nhung Tam Sơn là giống lúa truyền thống gắn bó với Bắc Ninh từ hơn 20 năm nay. Từ sản phẩm thô đơn thuần là thóc, cơ sở tại địa phương đã thay đổi chiến lược sang chế biến thành phẩm đa dạng, đóng gói với mẫu mã bắt mắt nhằm quảng bá đặc sản, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường.
Nếp nhung Tam Sơn đã có chỗ đứng trên thị trường, góp phần gìn giữ tinh hoa của những món ẩm thực đặc sắc vùng Kinh Bắc.
Nếp nhung Tam Sơn đã có chỗ đứng trên thị trường, góp phần gìn giữ tinh hoa của những món ẩm thực đặc sắc vùng Kinh Bắc.

Tam Sơn (thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh) đang nỗ lực xây dựng thương hiệu gạo nếp nhung và phát huy tối đa giá trị của loại gạo đặc sản này để đăng ký chứng nhận OCOP cho sản phẩm. Năm 2020, gạo nếp nhung Tam Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận. Nhãn hiệu này sẽ góp phần bảo vệ, nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm.

Sau thời gian thuần hóa, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, giống lúa này trở thành cây trồng chủ lực tại Tam Sơn, đem thu nhập ổn định cho người nông dân.

Tại Tam Sơn có giống lúa nhung lùn với đặc điểm cây thấp nên hạn chế việc gãy đổ, cho năng suất cao hơn so với nhiều giống nếp khác. Trung bình mỗi vụ đạt 1,8 - 2 tạ/sào. Nếu thời tiết thuận lợi, có thể đạt 2,2 tạ/sào. Tùy từng thời điểm, nhưng những vụ lúa gần đây, sau khi trừ chi phí, người nông dân lãi khoảng 1 triệu đồng/sào.

Bà Ngô Thị Phong, cán bộ khuyến nông xã cho biết: “Để giống nếp được thơm ngon, người dân trồng lúa xã Tam Sơn chú trọng từ khâu chọn giống bằng cách sử dụng giống của Công ty giống cây trồng Bắc Ninh hoặc tự để giống. Khi lúa được thu hoạch, bà con chọn những bông chắc khỏe, có đầy đủ các đặc tính của giống, xử lý bằng tay để tránh vị vỡ, lẫn tạp. Quá trình bảo quản giống tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật”.

Gạo nếp nhung tại Tam Sơn có chất lượng được đánh giá cao, hạt gạo to, tròn, màu trắng đục. Đặc biệt, khi nấu có mùi thơm thanh nhẹ, dẻo, độ dính được giữ nguyên ngay cả khi để nguội.

Sau khi thu hoạch, người dân xã Tam Sơn đem lúa phơi trong 3 ngày, mỗi ngày chỉ phơi 2 tiếng và không phơi liên tục, nên chất lượng gạo tốt, có giá trị dinh dưỡng cao.

Gạo nếp nhung có hạt to, tròn, mập, màu trắng đục. Gạo khi nấu lên thành xôi có cảm giác nó nở ra, mùi thơm ngay từ khi nước sôi, hạt xôi dẻo thơm, có độ dính, ăn vào thấy vị ngọt, đến khi nguội vẫn còn giữ được độ keo dính. Nếp nhung là loại gạo có năng suất cao hơn hẳn so với các dòng nếp khác, cũng là loại gạo có tỉ lệ ra hạt cao nhất.

Bà Nghiêm Thị Nguyệt có 20 năm kinh nghiệm trồng lúa nếp nhung tại Bắc Ninh.

Bà Nghiêm Thị Nguyệt có 20 năm kinh nghiệm trồng lúa nếp nhung tại Bắc Ninh.

Để tiến tới mục tiêu đưa gạo nếp nhung Tam Sơn đạt chứng nhận OCOP, Ban Quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp Tam Sơn cho biết sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý, ngành chức năng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để gạo nếp nhung Tam Sơn “vượt qua” được kỳ đánh giá công nhận, phân hạng sản phẩm OCOP vào cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, xây dựng và sử dụng hệ thống nhận diện thương hiệu (nhãn mác, bao bì thân thiện và đẹp, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng), phát triển các dịch vụ hỗ trợ sản xuất và làm trung gian kết nối giữa sản xuất, chế biến với thị trường tiêu thụ...

Bà Nguyễn Thị Hồng, chủ cơ sở chế biến gạo tại thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn cho biết, trong gạo nếp nhung có chứa đến 80% hàm lượng glucid, tỉ lệ tấm chưa đến 6%, không có tạp chất vô cơ và độ ẩm dưới 11%. Gạo nếp nhung là một phần không thể thiếu trong văn hóa lễ hội của dân tộc, là nguyên liệu để làm các món bánh chưng, bánh giày, bánh đúc...

Gạo nếp nhung là loại thực phẩm hút ẩm cao, cần bảo quản ở nơi thật thoáng mát, khô ráo. Tuyệt đối không để gạo ở những nơi có độ ẩm cao hoặc có ánh nắng trực tiếp của mặt trời chiếu vào. Nắng và độ ẩm có thể làm cho gạo bị giảm sút chất lượng, hoặc mất đi hương vị và hàm lượng chất dinh dưỡng trong gạo.

Hướng dẫn cách nấu gạo nếp nhung bằng nồi cơm điện

Bước 1: Đong gạo theo nhu cầu

Bước 2: Vo gạo vài lần bằng nước sạch

Bước 3: Cho nước theo tỉ lệ 1kg gạo/ 0,8l nước

Lưu ý: dùng nước theo sở thích có thể dùng nước dừa để thổi

Hướng dẫn thổi xôi gạo nếp nhung bằng chõ

Bước 1: Đong gạo theo kích thước của chõ (chỉ nên thổi 70 - 80% công suất)

Bước 2: Ngâm gạo trước khoảng 4 - 6 tiếng

Bước 3: Cho nước vào chõ dưới và đổ gạo vào phần chõ trên

Bước 4: Đồ xôi khi nào cơm chín thì mở vung ra đánh tơi, trong quá trình cơm chín có thể cho thêm dừa, gà vào để cho ngon cơm.