“Thực tế hiện nay có một số cán bộ làm gì cũng sợ sai, không dám tham mưu công việc. Nếu tập thể, cá nhân làm gì cũng sợ sai thì tỉnh khó có thể phát triển. Tôi mong lãnh đạo, cán bộ các sở, ngành, địa phương mạnh dạn vì mục tiêu phát triển chung của tỉnh, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nói.
Nếu nói sợ sai là một căn bệnh của cán bộ, thì thời gian gần đây, căn bệnh này đã lan ra một số tỉnh thành. Một số lãnh đạo TP HCM tại một số cuộc họp đã cho rằng: “Các cuộc thanh tra, khởi tố (…) làm giảm sự năng động của đội ngũ cán bộ, công chức”, và “có tình trạng nhiều cán bộ sợ trách nhiệm không dám làm việc”.
Tại Đà Nẵng, Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng “công chức có sự co lại, tâm lý lo sợ. Nguyên nhân là do thời gian qua, liên quan đến nhiều sai phạm đã có người bị bắt, bị kỷ luật”. Cũng tại Đà Nẵng, một lãnh đạo Sở TN&MT biện bạch: “Nếu ai đó đã từng làm việc với cơ quan chức năng, tham dự một số phiên toà thì không thể không rung động khi tham mưu, bởi lằn ranh giữa tháo gỡ vướng mắc với cố ý sai phạm để gây thất thoát rất mong manh”.
Sự thật thì những phát biểu trên đều có ý đổ lỗi, biện bạch. Lý do nằm ở chỗ căn bệnh chỉ lây lan ở những địa phương nào thực sự có nhiều cán bộ vi phạm pháp luật rõ ràng. Với những nơi cán bộ tuân thủ pháp luật, không cố ý làm sai, không “ăn đất”, không xà xẻo công quỹ, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trục lợi, không vi phạm đấu thầu, không làm tiền người dân và DN… thì “miễn nhiễm” với “virus” này.
Thế nên không thể nại ra lý do “sợ sai” để đổ lỗi. Hệ thống luật pháp của chúng ta đã rất chặt chẽ. Chỉ những hành vi vi phạm quy định trong Bộ luật Hình sự thì mới bị coi là có tội. Chỉ những ai thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu kiến thức luật pháp, cố tình làm trái, cố tình tùy tiện “tháo gỡ vướng mắc” nhằm trục lợi, trong đầu luôn tồn tại quan niệm “lợi mình hại người”… thì mới mang tâm lý sợ sai. Và với những người này, nếu biết sợ sai, thì tốt nhất nên rời khỏi hàng ngũ cán bộ, để công việc ấy cho những người đủ điều kiện đảm trách.
Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” (tháng 12/1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa”. Trước đó, trong bài nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác bình dân học vụ toàn miền Bắc năm 1956, Bác đã nêu rõ: “… Bất cứ một người lao động nào, dù thông minh đến đâu, đôi lúc cũng có thể sai lầm. Chỉ có những kẻ ngồi không mới không có sai lầm mà thôi. Nhưng làm việc mà có sai lầm còn hơn là sợ sai lầm mà khoanh tay ngồi không…”.
Mỗi người, nhất là với người cán bộ, đảng viên, đều phải thấm nhuần lời dạy trên của Bác. Nếu có trách nhiệm với tổ chức, gia đình, bản thân thì trách nhiệm đó phải được biểu hiện bằng chính việc làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình những trọng trách cụ thể, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; không thể nại ra lý do “sợ sai” để né tránh, thoái thác. Và như vậy, cần phải nhận diện chỉ rõ: Với những cán bộ “sợ sai”, đó không chỉ là một căn bệnh, mà còn chứng tỏ sự yếu kém bản lĩnh, thiếu hụt kiến thức chuyên môn, “hổng” kiến thức pháp luật, không xứng đáng là công bộc của nhân dân.