Ngẫm ngợi nơi gác nhỏ: Biết khóc cho trâu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thành ngữ Việt: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Xưa, đời người đàn ông có ba việc lớn phải làm mới thành được là: làm nhà/ cưới vợ/ tậu trâu. Không có trâu khó nên cơ nghiệp!
(ảnh minh họa: internet).
(ảnh minh họa: internet).

Đi cày, bố không cho dùng roi hối trâu, ông bảo nó kéo cày ăn cỏ, mình ăn cơm với thịt. Trâu ăn giả làm thật, nó gúp mình làm ra miếng ăn, không được đánh nó. Nó như người, chỉ có điều không biết nói thôi.

Nửa thế kỉ trước, nhà bán con trâu tháu, bố tôi cầm bọc tiền xong còn đứng nói chuyện với nó dặn dò trâu như nói chuyện với con cái. Động tác chia ly cuối cùng là vuốt nhẹ má trâu rồi xoay người vỗ vào mông nó ba cái trước khi người mua dắt trâu đi.

Tôi còn nhớ cái thời kháng chiến, nơi tôi được sinh ra và lớn lên có tên là xã Vinh Hòa. Con dấu Ủy ban có hình chữ nhật đóng mực đen. Thời ấy trâu được kính trọng như người.

Đừng nói chuyện thịt trâu dễ dàng như hôm nay đâu. Một ông trâu ra đi là đầy thủ tục. Người ta chỉ có thể được phép thịt trâu ngã nước chết, trâu chết rét hoặc thụt đầm lầy không lên được, trâu già yếu đi không vững, không còn khả năng làm việc. Một con trâu ra đi phải có người của Ủy ban xã khám nghiệm hiện trạng, lập biên bản kết luận và cho phép giết thịt. Lúc ấy mới cấp giấy “sát sinh” có con dấu vuông mới hợp lệ. Sau đó còn phải nộp thuế má hẳn hoi!. Không có chuyện hối lộ đưa tiền để được giết thịt.

Thịt một con trâu mất bao nhiêu thủ tục. Còn người giết thịt cũng lặng lẽ xót thương. Khi phang dao và con trâu già hấp hối, người ta không dám nhìn vào mặt trâu…Đi nhẹ nói khẽ trong lúc mổ thịt như đưa tiễn một sinh linh.Hình ảnh con trâu trong tôi đến giờ vẫn thiêng liêng.

Hôm trước về quê có việc hiếu thấy trong mâm cơm có đĩa thịt nâu xào rau cần. Cậu lái xe khen ngon, bảo chắc thịt bò vì trâu thì phải đen hơn. Chú em tôi lắc đầu bảo thịt trâu đấy. Bây giờ ở đây ngày nào người ta cũng thịt trâu. Trâu nào cũng thịt, chẳng cứ trâu già. Bây giờ người ta thịt cả trâu tháu (trâu sắp trưởng thành) mà chẳng cần xin xỏ giấy phép.

Trâu tháu thịt mềm nhưng nhạt hơn thịt trâu già một tí. Người ăn thịt giờ nhiều. Thịt trâu giá lại đắt hơn bò, nên trâu chưa kịp già đã thịt. Hạ sát một con trâu bây giờ dễ như mổ gà giết lợn. Vị thế con trâu bây giờ không còn được như cách đây nửa thế kỉ nữa.

Khi có máy cày tay thay sức trâu là người ta trở mặt ngay với trâu. Với lại khi nhiều ngành nghề mở ra, làm nông không phải việc duy nhất. Rồi ruộng đất ít đi, việc canh tác thu lại, vai trò sức kéo của trâu mờ nhạt dần. Bây giờ trâu sống nhàn hơn, nhưng tuổi thọ thì ngắn xuống còn một nửa.

Cụ Huân già có tuổi một thế kỉ vẫn sống lập lòe đầu xóm, mỗi khi thấy một con trâu khỏe mạnh bị giết thịt, ông phều phào buồn bã bảo: con người là giống vô ơn bạc ác cậu ạ! Ông chỉ nói được đến đấy rồi chảy nước mắt. Dòng nước mắt khô hạn của người thợ cày mướn trong làng giờ như nước rỉ sắt, có một tí mà như có máu trộn ở trong.

Ở Tam Nông (Phú Thọ) vào sau Tết, không biết ai nghĩ ra thứ lễ hội dã man, cột trâu rồi cho trai tráng lấy vồ thay nhau đập cho đến chết để "cầu phúc cầu may"(?). Năm trước hội chọi trâu ở Bắc Ninh thấy có một phóng viên viết trên tờ báo nọ khen thịt trâu năm nay mềm ngọt. Những đám người hôm nay nhăn nhở làm cái việc hãm hại con trâu kia một thời cha ông họ đã ngắm đít trâu để sống vậy mà…Không biết sự bạc ác đến với họ tự bao giờ.Làng tôi giờ hình như chỉ còn mỗi ông lão Huân, người thợ cày mướn già là còn biết khóc cho trâu!

Nước ta tượng đài to nhất đáng phải là con trâu và người nông dân với bó lúa. Tại Hà Nội, tượng đài người nông dân và con trâu tại vườn hoa Canh nông bị đập bỏ sau cách mạng. Chúng ta mất một di sản đáng tiếc, mặc dù tượng đài đó do người Pháp làm.

(Rút từ tập “Gã thợ xăm”- NXB Hội nhà văn mới xuất bản)

Ở nước ta, ngay từ thời Lý Trần (thế kỷ XI-XIV) đã lấy nông nghiệp làm nguồn kinh tế chính cả nước, do đó đã ban hành chính sách phân chia ruộng đất cho nông gia để khuyến khích việc đồng áng tăng gia sản xuất. Ðồng thời, chính quyền cũng rất quan tâm tới “con trâu” vì nó là động lực giúp nhà nông trong mọi nông vụ.

Vì thế, vào mùa hạ, tháng tư, năm Quý Mão (1123), nhà vua lại xuống chiếu quy định về việc cấm giết trâu. Lời chiếu nêu rõ: “Trâu là vật quan trọng cho việc cày cấy, làm lợi cho người không ít. Từ nay về sau ba nhà làm bảo, không được giết trâu ăn thịt, ai làm trái thì bị trị tội theo hình luật”.

Lý Anh Tông, năm Quý Hợi (1143) tháng 2 xuống chiếu: “Từ nay về sau, trong nước cứ 3 nhà làm 1 bảo không tự nhiên mổ trâu bò. Nếu có việc cúng tế phải tâu xin được chỉ rồi mới cho mổ, làm trái thì trị tội nặng, nhà láng giềng không cáo giác cũng xử cùng tội”…

Sang đời Trần, pháp luật cho phép hoàng thân công chúa lập điền trang thái ấp, trong đó có những khu vực chăn nuôi trâu. Có thể minh chứng là: Hoàng Mai và Tương Mai là hai làng cổ ở gần kề gốc Đông Nam Thăng Long. Đời Trần nơi này là thái ấp Cổ Mai hay còn gọi là trang Cổ Mai do các vua Trần phong cho anh em Trần Khát Chân. Trong đó có Đồng Mui Trâu là nơi chăn nuôi do lý tướng Phạm Ngưu Tất (người định ám sát Hồ Quý Ly) trông coi.

Hoàng Việt Luật lệ (luật Gia Long) của triều Nguyễn quy định về tội trộm cắp súc vật, trong đó có trộm trâu ở điều 239 mang tên Đạo mã ngưu súc sản (ăn trộm ngựa trâu súc sản): "Phàm ăn trộm ngựa, trâu, heo, dê, gà, chó, ngỗng, vịt thì tính giá trị ấy làm tang vật. Trường hợp này chia làm hai hạng là nhân dân và tại quan mà buộc tội".

Trong thời kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 144-SL ngày 2/3/1948 về cấm hẳn việc giết trâu bò trong toàn cõi Việt Nam.

“Đối với những trâu bò già yếu, hoặc những trâu bò không dùng vào việc công tác được nữa, phải có phép của Ủy ban kháng chiến kiêm hành chính địa phương và sự thoả thuận bắt buộc của Ty thú y địa phương mới được giết (Điều 2- Sắc lệnh số 144/SL)

“Ai phạm vào cấm lệnh nói trên, sẽ phải phạt tiền từ 1.000 đến 2.000 đồng. Số thịt bắt được sẽ tịch thu cho bộ đội. Trong trường hợp tái phạm, có thể bị phạt tiền gấp đôi và bị tù từ một tháng đến sáu tháng” (Điều 3- Sắc lệnh số 144/SL).

Ngày 17/11/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục ký Sắc lệnh 163/SL thay thế Sắc lệnh số 144/SL. “Để cho việc chăn nuôi được phát triển hợp lý, lợi cho tăng gia sản xuất và hợp với chính sách tiết kiệm chung, nay hạn chế việc làm thịt trâu bò trong toàn quốc” (Điều 1- Sắc lệnh 163/SL).

Nguyễn Văn Thanh

Đọc thêm