Xuân Tân Sửu, mạn đàm về trâu...

(PLVN) - Trâu là con vật đứng thứ hai trong bản mệnh 12 con giáp. Với phẩm chất hiền lành chịu khó, con trâu gắn bó với đời sống lao động sản xuất của người nông dân Việt Nam và trở thành biểu tượng sinh động trong ca dao, thành ngữ dân gian mang ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa giáo dục cao.
Trâu phong thủy.
Trâu phong thủy.

Hình ảnh con trâu đã đi vào ký ức bao thế hệ người Việt chúng ta, ngay từ trong những bài học vỡ lòng thời thơ ấu đã có hình ảnh con trâu với biết bao thân thuộc: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng cấy cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy ai mà quản công/ Bao giờ cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”. 

Với thế hệ chúng tôi, thực ra hình ảnh con trâu xuất hiện từ thuở nằm nôi, qua những lời hát ru của mẹ: “Thằng Cuội ngồi gốc gây đa/ Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời…” Hay trong những câu chuyện cổ của bà về hình ảnh con trâu cần mẫn, trung thành mà thông minh, nhanh trí chiến thắng được cả cọp trong truyện “Trí khôn của ta đây”… Cùng với kho tàng văn hóa dân gian, hình ảnh con trâu góp phần bồi đắp cho tâm hồn con trẻ tình yêu cuộc sống.

Trong cuộc sống lao động của nhà nông xưa kia, trâu là con vật đóng vai trò rất quan trọng. Thậm chí, 3 việc lớn nhất trong đời người đàn ông thì việc tậu trâu được xếp đầu tiên: “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”. Cũng là dễ hiểu bởi với nền sản xuất nông nghiệp thô sơ, thì “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, “Làm ruộng không trâu, làm giàu không thóc”. “Ruộng sâu, trâu nái”, “lắm ruộng nhiều trâu” từng là tiêu chí đánh giá một gia đình căn cơ, giàu có một thời. Đôi khi, hình ảnh con trâu còn là nét chấm phá góp phần tô thắm bức tranh về một gia đình nông dân sung túc, đầm ấm: “Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”. 

 

Trâu hiền lành nhẫn nại, chịu khó cần mẫn giúp con người trong cuộc sống nên trở thành hình ảnh hàm súc gắn với nhiều phẩm chất tốt đẹp của con người và cuộc sống. Cái câu “kéo cày trả nợ” không chỉ lột tả con trâu chịu thương chịu khó mà còn để nói sự vất vả, cực khổ của người nông dân.Trâu dùng để nói về tình đoàn kết, sự chia sẻ, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống: “Trâu béo kéo trâu gầy”; nói về tính cộng đồng: “Trâu có đàn, bò có lũ”. Người Việt Nam luôn trọng danh dự, coi danh dự hơn cả của cải vật chất nên biết tạo danh tiếng cho mình. Câu tục ngữ “Trâu chết để da, người chết để tiếng” là để nhắc nhở mọi người biết giữ gìn danh dự.

Rồi thì kinh nghiệm chọn trâu, mua trâu cũng trở thành bài học kinh nghiệm ứng nhân xử thế trong xã hội: “Mua trâu xem vó, lấy vợ xem nòi”. Mua trâu phải chọn con chân khỏe, vững mới chịu khó kéo cày cũng như chuyện hôn nhân “trăm năm tính cuộc vuông tròn/ Phải dò cho kỹ ngọn nguồn lạch sông”. Kẻo rồi chẳng may cưới phải cô vợ dại cũng khốn khổ như mua phải con trâu chậm: “Thứ nhất vợ dại trong nhà/ Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn.” 

Văn học dân gian nhiều khi dùng hình ảnh trâu đôi để phê phánnhững thói hư tật xấu, phê phán mang tính xây dựng để cuộc sống tích cực hơn. Chẳng hạn “Hùng hục như trâu” để chỉ thói phàm phu, cục súc; “Đầu trâu mặt ngựa” chỉ những kẻ côn đồ xấu xa, trông mặt đã bắt được hình dong. Rồi thì chỉ những người chậm chạp, kém linh hoạt, không may mắn thì ví như: “Trâu chậm uống nước đục”; “Đàn gảy tai trâu” để nói việc đầu tư không đúng chỗ, không tác dụng, không hiệu quả khác gì “nước đổ đầu vịt”.Phê phán những kẻ cơ hội, vô tâm,  lợi dụng “dậu đổ bìm leo”, tục ngữ có câu “Trâu ngã nhiều gã cầm dao”. Rồi chỉ thói vô cảm tàn nhẫn, cơ hội: “Trâu chết mặc trâu, bò chết mặc bò”. 

 

Tội nghiệp con trâu hiền lành cả đời chỉ cần mẫn ăn cỏ, vậy mà đôi khi bị chỉ trích “trâu già hám cỏ non” ám chỉ thói xấu của kẻ “già còn chơi trống bỏi”. Cái bụng trâu có khi được dùng ám chỉ bụng dạ loại người tham lam ích kỷ: “Cơm đâu no bụng chó, cỏ đâu no bụng trâu”. Ca dao có câu truyền đời về “gã lái trâu” để lột tả bản chất thảo mai, giả dối: “Thật thà cũng thể lái trâu/ Thương nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng”. 

Tục ngữ có những câu rất tài tình, nói trâu nhưng thực ra là để nói con người. “Bụng trâu làm sao, bụng bò làm vậy” hay “Bụng trâu cũng như dạ bò”. Giật mình nhớ câu “lòng vả cũng như lòng sung” để mà hiểu mình, biết người, răn mình lấy tình thương và sự bao dung mà chia sẻ. “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết” chỉ việc làm của mình nhưng đôi khi gây hệ lụy đến bao người. “Trâu buộc thì ghét trâu ăn” chỉ thói đố kỵ ganh ghét lẫn nhau trong cuộc sống.

Trong cuộc sống, hiếm có con vật nào mà ngay cả cái vũng đằm, thậm chí vũng chân cũng đi vào văn học dân gian để giáo dục con người như con trâu. Cái câu: “Đi sông đi biển không đắm, đắm ở vũng chân trâu” nhắc nhở người ta thận trọng, tuyệt đối không được chủ quan mà hỏng việc vì những điều nhỏ nhặt. Rồi thì phê phán những kẻ “già kén kẹn hom”, kén chọn kỹ quá rồi “xôi hỏng bỏng không”, mất hết cơ hội tốt đành phải vơ bèo vạt tép: “Nước giữa dòng chê trong, chê đục/ Vũng trâu đằm hì hục khen ngon”.

Ngay cả hình ảnh phân trâu cũng được nhắc đến trong câu tục ngữ “phân trâu để lâu hóa bùn” hàm ý nhắc nhở đừng để sự việc lãng quên, mai một, mất hiệu quả, thậm chí thay đổi bản chất vấn đề.

Xã hội phát triển văn minh, nền nông nghiệp dần được công nghiệp hóa nên những câu “Con trâu đầu cơ nghiệp” không còn phù hợp nữa. Tuy vậy, rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về con trâu đến nay vẫn nguyên giá trị, thậm chí trở thành biểu tượng. Đơn cử như câu: “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”, câu này trải qua lịch sử hàng ngàn năm đến nay vẫn giữ nguyên giá trị và tính thời sự khi hiện nay chúng ta đang kêu gọi “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, Người Việt kích cầu du lịch Việt...

"Dù ai buôn đâu, bán đâu/ Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về/ Dù ai bận rộn trăm bề/ Mồng chín tháng tám nhớ về chọi trâu". Vậy đó, với nhiều người dân thì con trâu gắn với hình ảnh quê hương, bản quán, là nỗi nhớ để những người con xa quê khắp năm châu bốn biển nhớ về. 

Đọc thêm