Ngẫm về hôn nhân: Vì sao em sợ lấy chồng?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quan niệm xã hội lâu nay là ai rồi cũng đến tuổi phải dựng vợ, gả chồng, một phần để tìm hạnh phúc cho bản thân và một phần để làm tròn đạo nghĩa với cha mẹ. Thế nhưng, ngày càng có nhiều cô gái sợ lấy chồng, sợ đón nhận vai trò làm vợ, làm mẹ, làm dâu. 

Tâm trạng của họ khi nói đến chuyện lấy chồng u sầu như những câu ca: “Bướm vàng đã đậu cây mù u rồi/Lấy chồng sớm làm gì, để lời ru thêm buồn”; “Bước qua dòng sông hỏi từng con sóng/Đời người con gái không muốn yêu ai được không…”.

Ba cô gái mặc váy cưới xuống đường biểu tình ở Bắc Kinh, Trung Quốc để phản đối nạn bạo lực gia đình.
 Ba cô gái mặc váy cưới xuống đường biểu tình ở Bắc Kinh, Trung Quốc để phản đối nạn bạo lực gia đình.

Những nỗi sợ “cản đường” hôn nhân

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019, Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa. 

Cụ thể, tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 3,80 con/phụ nữ năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ năm 2019. Nhiều địa phương có mức sinh thấp hơn trung bình cả nước. Ví dụ, TP HCM có mức sinh 1,39 con/mẹ, thấp nhất cả nước; Đồng Tháp là 1,58 con/mẹ hay Cần Thơ 1,66 con/mẹ theo số liệu cập nhật ngày 30/7/2020. 

Mức sinh thấp gây ra nhiều hậu quả cho xã hội đất nước như khiến già hóa dân số diễn ra nhanh, tạo áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, sự suy giảm về nguồn nhân lực đặc biệt là lao động trẻ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Chính vì thế, tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 588 phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”, trong đó có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân sớm kết hôn, sinh con. Mục tiêu của Chương trình nhằm tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao. Cũng theo Chương trình này thì nam nữ được khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi, sớm sinh con; cán bộ, đảng viên gương mẫu trong việc thực hiện sinh đủ 2 con… 

Tuy vậy, nhiều người trẻ vẫn không mặn mà với chuyện kết hôn và sinh con với rất nhiều lý do như: Không muốn mất tự do sớm, không muốn đẻ vì sợ cơ thể xuống mã, sợ không đủ kinh tế nuôi con…

T.T 27 tuổi là tiếp viên hàng không. Nhiều bạn bè của cô đã lập gia đình và sinh con, nhưng T. vẫn “bình chân như vại” mặc cho bố mẹ giục. “Mình không nghĩ đến chuyện sinh con. Ngay cả bây giờ có lấy chồng, mình cũng không đẻ. Mình sợ đau, sợ xấu, sợ phải chăm con, sợ không đủ tiền nuôi” - T. cho biết. 

Theo tính toán của H.L, một cô giáo đang làm việc tại Hà Nội thì chi phí cho việc sinh nở và nuôi con hiện nay rất lớn, với mức lương như hiện nay của cô và người yêu sẽ không kham nổi. “Ở cấp tiểu học, học phí trường tư thục có thể rơi vào khoảng 2-3 triệu đồng/tháng hoặc 5-10 triệu đồng/tháng tùy lựa chọn của phụ huynh. Ví như học phí khoảng 5 triệu đồng, cha mẹ cần trả thêm đủ loại tiền khác như phí đưa đón, đồng phục, ngoại khóa. Đó là chưa kể tiền cho con học vẽ, múa, võ, tiếng Anh… bên ngoài” – L. đưa ra bài tính và cho biết đây là lý do nhiều bạn bè của mình tuy đã lập gia đình nhưng không phải ai cũng dám sinh con ngay sau khi cưới.

Không chỉ chuyện sinh con, nuôi con mà chuyện đối nội, đối ngoại hai bên gia đình cũng khiến nhiều người trẻ sợ viễn cảnh lập gia đình. Nhiều vợ chồng trẻ tâm sự họ sợ nhất những tháng lễ, Tết về nhà nội, ngoại tốn kém tiền quà cáp, rồi khi người nhà ốm đau ra thành phố khám chữa bệnh cũng không thể thờ ơ… Có nhiều cô dâu trẻ áp lực kinh tế quá khủng khiếp, ngày nào cũng đau đầu tính xem nên chi tiêu ra sao để không thiếu hụt chi phí, đã mắc chứng trầm cảm sau sinh dẫn đến những hành động hủy hoại chính mình hoặc của con như những vụ nhảy lầu tự vẫn hoặc ôm con lao xuống sông tự tử xảy ra gần đây…

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Hôn nhân có đáng sợ?

Trả lời câu hỏi này không dễ. Xin dẫn chứng ra đây một vấn đề mà phụ nữ Trung Quốc – quốc gia láng giềng với Việt Nam đang gặp phải khiến 20% phụ nữ cho biết họ hối hận khi kết hôn. Bạo lực gia đình, trách nhiệm gia đình đã làm tan vỡ sự hứng khởi với hôn nhân của phụ nữ xứ này. 

Theo một cuộc khảo sát gần đây do Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phối hợp thực hiện với Cục Thống kê Quốc gia, Tổng Công ty Bưu điện Trung Quốc và Trường Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh tiến hành trên 100.000 hộ gia đình trên khắp Trung Quốc cho thấy phụ nữ ngày càng không hạnh phúc trong hôn nhân. Theo đó, cuộc khảo sát thường niên này vào năm 2020 ghi nhận gần 20% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ hối hận về điều này, so với 12% vào năm 2017 và 9% vào năm 2012. Trong khi đó, chỉ có khoảng 7% nam giới nói rằng họ hối tiếc khi kết hôn.

Trung Quốc đã chứng kiến số vụ ly hôn tăng và kết hôn giảm trong thập kỷ qua. Theo số liệu của Bộ Dân sự, tỷ lệ ly hôn vào năm 2009 ở mức trên 20%. Sau một thập kỷ, vào năm 2019, con số này đạt 50%. Tỷ lệ này đã giảm vào năm 2020, năm xảy ra đại dịch Covid-19, nhưng vẫn ở mức cao trên 45%. Trong các cuộc ly hôn, chính người vợ thường là người bắt đầu cuộc chia tay. Theo số liệu của TANDTC Trung Quốc, hơn 73% các vụ ly hôn được tất cả các tòa án trên khắp Trung Quốc xét xử trong năm 2017 là do phụ nữ đưa ra.

Nguyên nhân ly hôn theo đánh giá là do những người vợ ở Trung Quốc phải đảm đương rất nhiều công việc, bao gồm cả việc nhà và học hành của con cái. Tỷ lệ tham gia lao động của phụ nữ Trung Quốc vẫn ở mức cao, trên 60%, một trong những tỷ lệ cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, nhiều phụ nữ phải làm việc, nhưng vẫn phải phụ trách việc học hành của con cái, việc nhà, việc đối nội đối ngoại hai bên gia đình mà không có sự sẻ chia của người chồng. Điều này đặc biệt đúng với những người trong độ tuổi từ 36 đến 45, những người không hài lòng nhất về hôn nhân của mình trong cuộc khảo sát của CCTV. 

Ngoài ra, còn phải kể đến việc các phương tiện truyền thông đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ ngày càng tăng, bao gồm một số vụ chồng giết vợ kinh hoàng cũng có thể khiến những người trong hôn nhân thất vọng. Trong 525 vụ bạo lực gia đình được nghiên cứu, 85% nạn nhân là phụ nữ. Trong số đó, hầu hết ở độ tuổi từ 18 đến 60, có nghĩa là phụ nữ đã kết hôn có nhiều khả năng bị bạo lực gia đình hơn. Chưa kể đến, nhiều vụ bạo lực gia đình không được thống kê vì xảy ra ở vùng sâu, vùng xa hoặc vùng kém phát triển, thiếu sự hỗ trợ từ các phương tiện truyền thông hoặc các tổ chức phi chính phủ…

Trung Quốc là vậy còn Việt Nam thì sao? Đây cũng là vấn đề xã hội đã được ông Mai Trung Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế nhắc đến trong hội thảo cung cấp thông tin định hướng mới của Chương trình Dân số Việt Nam vào tháng 11/2020. Theo ông Mai Trung Sơn, nguyên nhân mức sinh thấp là xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao. Tỷ lệ đô thị hóa tăng và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái đắt đỏ. Bên cạnh đó, học vấn, điều kiện sống được cải thiện có tác động nhất định đến mức sinh…

Nói tóm lại, trong xã hội hiện đại dường như nhiều phụ nữ bắt đầu nhận ra rằng mình không nhất thiết phải kết hôn. Kết hôn cũng không còn là mục tiêu cuối cùng, thay vào đó họ mong muốn cuộc sống cho riêng mình. Từ sự nhận thức này, nếu muốn tiếp tục duy trì và bảo tồn hôn nhân thì tin rằng một ngày nào đó quan niệm truyền thống cho rằng “nam giới chỉ cần đầu tư nhiều cho giai đoạn tìm vợ, rồi sau đó phụ nữ phải là người hy sinh nhiều hơn cho gia đình” sẽ dần dần bị loại bỏ, để hôn nhân thực sự là bến bờ hạnh phúc với cả hai người.

Một câu chuyện – hai quan điểm

Có một câu chuyện đang được cư dân mạng Trung Quốc truyền tay nhau về sản phụ tên Lý. Cô đau đẻ suốt hơn 20 tiếng đồng hồ, đến lúc không chịu nổi nữa mới xin chồng cho mổ mà không được vì nhà chồng cho rằng đẻ mổ thì tốn tiền hơn đẻ thường. Lý nhận ra rằng với nhà chồng, cô không quan trọng bằng đứa con trong bụng. Lý kiên nhẫn chờ đợi, cuối cùng sau 28 tiếng đau đẻ cổ tử cung của cô mới mở đủ để lên bàn đẻ. Khi được đẩy vào phòng sinh, cô lén đưa một tờ giấy cho bác sĩ với ánh mắt cầu khẩn. May mắn, cuối cùng Lý cũng vượt cạn thành công. 

Do sinh khó khăn, tử cung bị tổn thương nặng nên Lý bị kiệt sức, cần phải tĩnh dưỡng một thời gian dài. Tuy nhiên, khi sinh xong, chỉ có mình Lý nằm trên giường bệnh, trong khi gia đình chồng đều dồn sang hết em bé. Nhìn thấy cảnh này và mở mảnh giấy đang cầm trên tay, các bác sĩ mới hiểu vì sao người phụ nữ ấy lại viết những lời như thế: “Bác sĩ, nếu một lúc nữa có chuyện ngoài ý muốn xảy ra, bất luận ai nói gì, xin bác sĩ hãy cứu tôi trước. Cảm ơn bác sĩ. Nhất định hãy nhớ, dù là tôi sinh con trai hay con gái thì cũng hãy bảo vệ tôi”.

Nhiều người đã cho rằng Lý ích kỷ khi có lựa chọn như vậy. Con cái là máu mủ của mình, vậy mà cô lại nghĩ đến mình trước trong khi đối diện với ngưỡng cửa sinh tử. Một số người khác thì nghĩ, sinh mạng nào cũng đáng quý và việc Lý lựa chọn chính mình cũng chẳng có gì đáng lên án.

Đọc thêm