“Tội ác” bị bỏ quên
Có một phụ nữ trẻ bế đứa con chưa đến một tuổi đến gặp bác sĩ sản khoa và đề nghị bác sĩ giúp cô bỏ cái thai đang hình thành trong bụng vì cô không muốn sinh con quá gần nhau. Vì đây là vị bác sĩ rất nổi tiếng nên cô gái tin tưởng nghĩ rằng ông sẽ đáp ứng yêu cầu của cô. Nhưng nào ngờ, vị bác sĩ lại đưa ra một lời khuyên gây sốc:
“Cô thấy đấy, để cô không phải chăm sóc 2 đứa trẻ cùng một lúc thì hãy giết chết đứa trẻ cô đang bế trên tay. Bằng cách này, cô có thể nghỉ ngơi một thời gian trước khi đứa còn lại được sinh ra. Nếu chúng ta giết một trong hai đứa bé thì không quan trọng là đứa nào phải không? Sẽ không có một mối nguy hiểm đe dọa nào cho cô nếu cô chọn đứa bé cô đang bế”.
Nghe lời khuyên của bác sĩ, người phụ nữ trẻ kinh hoàng, mặt biến sắc: “Không thể được, thưa bác sĩ! Vì đó là giết người!”. Rồi cô gái ôm chặt đứa bé trên tay, chào từ biệt bác sỹ ra về và không mảy may nghĩ đến việc thực hiện điều mà cô vừa định làm cách đó ít phút. Còn vị bác sĩ mỉm cười nhẹ nhõm vì ông đã thuyết phục được người mẹ rằng không có sự khác biệt nào trong việc giết chết một đứa trẻ đã được sinh ra và một đứa trẻ vẫn còn trong bụng mẹ, bởi tội ác là như nhau!
Quả thật, khi đọc câu chuyện này, cộng thêm những thông tin, những con số đang được ngành y tế cập nhật về tình trạng nạo phá thai ở tuổi vị thành niên như: tỷ lệ phá thai hàng năm của trẻ dưới 19 tuổi tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) lên tới 5%; tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) những năm gần đây lên tới 6,05% và vẫn liên tục gia tăng; tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên của Việt Nam xếp vào hàng cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới…, mới thấy rằng đây cũng chính là một “dạng tội ác”, vì những lý do khách quan, chủ quan mà xã hội vô hình trung đã buông lỏng.
Luật hóa thế nào để chặn được tình trạng phá thai?
Thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cho thấy, độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở người vị thành niên Việt Nam ngày càng sớm nên tỷ lệ người vị thành niên có thai trong tổng số người mang thai liên tục gia tăng. Cùng với đó, tình trạng nạo hút thai ở độ tuổi này cũng tăng lên. Nguyên nhân là do tình trạng thiếu hiểu biết nghiêm trọng về các biện pháp tránh thai; các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục còn chưa được phổ biến rộng rãi…
Để giải quyết tình trạng này, theo Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, cần đưa ngay nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên vào Luật Thanh niên và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đang xây dựng, theo hướng tiếp cận với quyền và trách nhiệm của vị thành niên, thanh niên; gắn với quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức có liên quan...
Đồng ý là luật hóa, nhưng luật hóa như thế nào cũng là vấn đề rất đáng bàn. Theo TS Phạm Quỳnh Hương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, hiện có một thực tế là nền giáo dục Việt Nam ở cả trong gia đình và nhà trường, ngoài chuyện thiếu thông tin, kiến thức về sức khỏe sinh sản thì bản thân cha mẹ, giáo viên cũng không có kỹ năng để giảng dạy, vẫn tồn tại tâm lý e ngại, không muốn đả động đến vấn đề này để dạy cho con cái, học sinh.
“Nhà nước cũng cố gắng nhưng gần như bị động trước những tình huống như hiện nay. Nếu trong tương lai không có những sự chủ động thì rất khó để giảm nguy cơ này đối với thanh, thiếu niên” - TS Hương nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, PGS.TS Lê Hoài Chương - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho rằng, giáo dục giới tính cần phải được đưa vào nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông.
Còn theo Ths Trần Thị Ngọc Bích, Viện Chiến lược và Chính sách y tế, chính Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan phải có trách nhiệm trong việc đề xuất, phối hợp thực hiện để đẩy mạnh việc chỉ dạy, hướng dẫn về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục vị thành niên và thanh niên cho học sinh, sinh viên và phải nâng đề tài này thành một nội dung riêng, thay vì qui định chung chung là kỹ năng sống như hiện nay.