Ngăn ngừa mang thai hộ kiếm tiền

(PLO) - Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2014 lần đầu tiên cho phép việc mang thai hộ được đánh giá là giải pháp “cứu cánh” cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Tuy nhiên, pháp luật chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo mà nghiêm cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại. Đây cũng là tội danh hoàn toàn mới trong Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ 1/7/2016.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giải pháp nhân đạo

Cho phép mang thai hộ là một giải pháp mang tính nhân văn nhằm tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có cơ hội để thực hiện được quyền làm cha, làm mẹ của mình.

Theo số liệu của Bộ Y tế cung cấp tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về nghiên cứu sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục ngày 12 tháng 12 năm 2012 thì Việt Nam có tỷ lệ vô sinh trong cả nước khá cao là 7,7% (tương đương khoảng 700.000 - 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn trong cả nước).

Theo báo cáo của Bộ Y tế đánh giá 8 năm thi hành Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12/2/2003 về sinh con theo phương pháp khoa học thì hiện nay, nhu cầu mang thai hộ là có thật và khá phổ biến, nhưng do pháp luật cấm nên ngày càng có nhiều cặp vợ chồng phải ra nước ngoài để thực hiện trái phép việc mang thai hộ. Điều này gây khó khăn, tốn kém không chỉ cho các đương sự mà còn cho cả các cơ quan nhà nước trong việc quản lý về khai sinh, đăng ký hộ khẩu, hộ tịch và các vấn đề khác.

Đánh giá việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là giải pháp nhằm tạo cơ hội cho một số cặp vợ chồng được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ chính đáng nên tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật HN&GĐ năm 2014 (có hiệu lực từ 1/1/2015) trong đó có quy định về mang thai hộ.

Để tránh lạm dụng, Luật HN&GĐ cũng quy định chặt chẽ, rõ ràng và đầy đủ về điều kiện của người mang thai hộ; điều kiện của người nhờ mang thai hộ; hình thức pháp lý của việc mang thai hộ; quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên và nhiều vấn đề khác phát sinh từ việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Phải chặt từ khi tiếp nhận hồ sơ

Sau khi Luật HN&GĐ năm 2014 có hiệu lực, Bộ luật Hình sự năm 2015 lần đầu tiên đã đưa vào quy định về tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại nhằm phòng ngừa, xử lý những người lợi dụng hoạt động này để trục lợi.

Theo đó, hình phạt cao nhất với tội danh này có thể lên tới 5 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền và cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã có quy định chi tiết về các vấn đề liên quan đến mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Với điều luật nói trên, theo dự báo của nhiều chuyên gia sẽ có tính khả thi cao vì việc xác định mang thai hộ vì mục đích thương mại là không khó vì Luật HN&GĐ đã có những quy định chặt chẽ giúp nhận diện tội phạm trong lĩnh vực này dễ hơn.

Ví dụ người nhận mang thai hộ có đủ điều kiện theo quy định, tự nguyện mang thai mà không đòi hỏi bất cứ lợi ích vật chất nào. Ngược lại, mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ đặt lợi ích vật chất (hoặc lợi ích khác) lên đầu, chỉ quan tâm và làm theo nhu cầu của người cần mang thai hộ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, ranh giới giữa nhân đạo và thương mại rất mong manh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng: vấn đề ở đây là các trung tâm hỗ trợ sinh sản phải làm thật nghiêm, kiểm tra kỹ hồ sơ, kiểm soát đúng người mang thai hộ là cùng dòng, họ hàng liên quan.

Ông Tiến cho rằng khả năng mang thai hộ vì mục đích thương mại rất khó vì các quy định của luật cũng hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tiến khi tiếp nhận thực hiện mang thai hộ, bệnh viện phải hết sức chặt chẽ để tránh tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại”.

Còn các chuyên gia pháp luật về hình sự thì đề nghị cần có những hướng dẫn cụ thể về chương tội phạm HN&GĐ, trong đó có tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại để việc áp dụng trên thực tế được hiệu quả, thống nhất. 

Ngày 22/1/2016, em bé đầu tiên mang thai hộ đã chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Em bé là con của vợ chồng chị Nguyễn Thị H ở Hà Nam. Sau nhiều năm chạy chữa không có kết quả, được biết Luật HN&GĐ cho phép mang thai hộ, vợ chồng chị H. đã nhờ người cô họ thụ thai. Và kết quả cháu bé ra đời trong sự hân hoan của gia đình. Tiếp đến ngày 16/3 cặp song sinh đầu tiên nhờ mang thai hộ cũng chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM.

Được biết 1 năm sau khi Luật HN&GĐ có hiệu lực, đã có hơn 60 hồ sơ mang thai hộ đã được duyệt tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Cả nước có khoảng 100 hồ sơ đủ điều kiện cho phép mang thai hộ. Sắp tới sẽ có thêm nhiều em bé ra đời bằng phương pháp mang thai hộ.

Đọc thêm