Ngay khi vừa chào đời, cô bé Nguyễn Thị Minh Thương (SN 1998, ngụ ấp Suối Sóc, xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) bị người mẹ vứt xuống hầm cầu nhà vệ sinh công cộng sâu 5m. Mười sáu năm đã trôi qua, nhưng sự việc bé Thương bị chính người mẹ đang tâm vứt xuống hầm cầu nhà vệ sinh vẫn còn vẹn nguyên trong kí ức của nhiều người dân xã Xuân Mỹ.
Ban đêm ra nhà vệ sinh vứt con
Một đêm đúng vào mùa World Cup năm 1998, ông Nguyễn Trung Trực (Ba Râu, SN 1948, ngụ cùng địa chỉ trên) đang xem bóng đá, bỗng dưng đau bụng muốn đi ngoài. Tới cửa nhà vệ sinh công cộng, ông phát hiện vết máu tươi dính trên hai tấm ván bắc ngang qua hầm cầu.
Ông Trực linh tính có chuyện chẳng lành, trong bóng tối nhập nhoạng rọi đèn pin soi xuống và phát hiện một một đứa trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn đang thoi thóp nằm sấp dưới hầm chứa phân sâu hơn 5m. Cô bé nhanh chóng được người dân địa phương tìm cách đưa lên khỏi hiện trường và được chuyển đến Bệnh viện Đa Khoa Long Khánh (Đồng Nai) để chữa trị.
Sự việc động trời này đã làm rung động cả huyện Long Khánh (nay thuộc địa giới huyện Cẩm Mỹ).
Cùng lúc đó, người dân ấp Suối Sóc chia nhau truy tìm manh mối về thân thế đứa bé tội nghiệp. Bà Nguyễn Thị Nhiễu (SN 1944) cho biết: “Trước lúc bé Thương bị vứt xuống hầm cầu nhà vệ sinh vài tháng, tôi cũng như nhiều chị em phụ nữ khác đều thấy cô Nguyễn Thị Phương Mai ở cùng xóm có những biểu hiện bất thường về sức khỏe.
Thời điểm đó, Mai đang là công nhân cạo mủ ở Nông trường Cao su Xuân Mỹ. Mai góa chồng và có hai đứa con nhỏ”. Bằng kinh nghiệm của người phụ nữ từng nhiều lần sinh nở, bà Nhiễu biết chị Mai có thai.
Sự thật sau đó đã được phơi bày. Trước đó, trong một lần nông trường khám sức khỏe định kì cho công nhân, một y tá đã phát hiện Mai có bầu. Sợ mình bị chê trách, gièm pha Mai đã nài nỉ nữ y tá giữ kín chuyện này và nói rằng bản thân sẽ có cách xử lý riêng.
Tuy nhiên, Mai sợ nguy hiểm đến tính mạng bèn dùng biện pháp thắt bụng cho đến ngày sinh. Trong cái đêm lâm bồn, sản phụ lê ra nhà vệ sinh sinh nở rồi nhẫn tâm quăng đứa con xuống dưới hầm cầu. Lẽ ra chẳng ai phát hiện bé Thương bị vứt xuống.
Cũng may nhờ vết máu dính trên ván và những nắm tro được rải từ cửa nhà cầu đến nhà Mai nên người dân biết ngay Mai làm chuyện động trời này. Khi vừa vớt bé Thương lên, một số chị em phụ nữ đã tức tốc bế cô bé đến, bảo Mai lấy khăn lau và ủ cho con. Tuy nhiên, Mai tìm cách trốn tránh, coi như chẳng có chuyện gì xảy ra và quay vào nhà, mặc kệ thiên hạ muốn làm gì thì làm.
Phẫn nộ trước thái độ của người mẹ, song thương đứa trẻ bị bỏ rơi, bà Lê Thị Thanh Quỳnh (SN 1955, một người dân trong xóm) đưa đứa bé lên Bệnh viện Đa khoa Long Khánh điều trị. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bé sơ sinh bị thiếu oxy não, chấn thương cột sống, có thể vĩnh viễn mang di chứng sau này. Song bà Quỳnh vẫn ôm đứa bé vào lòng, đem về nuôi, dù rằng bản thân bà còn chồng và 3 đứa con nheo nhóc.
Bà Quỳnh chia sẻ: “Mới lọt lòng đã bị mẹ bỏ rơi, con bé không có tên. Tôi thấy hoàn cảnh của nó quá tội nghiệp, sống nhờ vào tình yêu thương của hàng xóm láng giềng tôi quyết định đặt tên cháu là Thương. Vài ngày sau, việc vụ cô Mai bỏ rơi con được Công an huyện Long Khánh điều tra, xỷ lý. Nhưng vào thời điểm đó, bé Thương bị vứt xuống hầm nhà vệ sinh được người dân phát hiện và cứu sống kịp thời nên cơ quan công an không thể truy tố cô Mai về tội giết con mới đẻ, chỉ có thể xử phạt hành chính”.
Sống cuộc đời thực vật
Đến cuối năm 1998, lực lượng chức năng mới đưa người mẹ ra chính quyền địa phương kiểm điểm công khai trước sự chứng kiến của người dân. Tại đây, người đàn bà này đã khai nhận tất cả mọi hành vi sai trái của mình và thừa nhận bé Thương là con mình. Tuy nhiên, cơ quan công an đã không trao cho Mai quyền nuôi con vì sợ Mai bỏ bé Thương lần nữa.
Người mẹ nhẫn tâm hứa sẽ chăm sóc và hỗ trợ gia đình bà Quỳnh, cùng nhau nuôi dưỡng bé Thương khôn lớn. Lời hứa có nhiều người làm chứng, song kể từ ngày bé Thương được gia đình bà Quỳnh nuôi dưỡng, chưa một ngày nào người mẹ độc ác đặt chân đến thăm hỏi, dù hai nhà chỉ cách nhau vài trăm mét.
Chuyện đau lòng hơn là những di chứng đứa bé phải chịu. Vì bị mẹ vứt xuống hầm cầu, não của bé Thương bị nhiễm nặng khí mêtan, chấn thương cột sống, dẫn đến sức khỏe, tâm thần phát triển không bình thường.
Cô bé Thương và người mẹ nuôi nhân hậu |
Bà Quỳnh tâm sự về cuộc sống của con nuôi: “Những ngày đầu thiếu sữa mẹ, tối nào con bé cũng khóc, thỉnh thoảng lên cơn động kinh, co giật. Để quên đi cơn khát sữa, tối đến con bé toàn ngậm vú da. Gia cảnh khó khăn, không đủ tiền mua sữa hộp, tôi chắt nước cơm, pha thêm chút đường cho Thương bú. Bắt đầu đến tháng thứ 4, bé có biểu hiện dị thường giống người bị nhiễm chất độc da cam. Lúc con bé phát bệnh gào thét cả đêm gia đình vội vàng đưa đi cứu chữa ở hầu hết các bệnh viện Nhi Đồng từ Đồng Nai đến TP.HCM nhưng vẫn không có chuyển biến gì”.
Mười sáu năm qua, bé Thương sống cuộc đời thực vật. Ngày nào bé cũng trong tình trạng chân tay co quắp, mắt chớp chớp nhìn vô tuyến hoặc nghe ai nói câu gì đó. “Mỗi lần bồng con bé mềm nhũn trên tay đi ngang qua nhà cô Mai, tôi lại trào nước mắt. Những lúc như thế tôi tự hỏi bản thân, sao cuộc đời lại có người mẹ nhẫn tâm như thế?”, một người hàng xóm nói.
Mải lo chăm sóc cho đứa bé bất hạnh, gia đình bà Quỳnh vẫn chưa sửa sang được nhà cửa. Căn nhà gỗ tuềnh toàng hơn 30m2 chẳng có đồ vật đáng giá trừ chiếc vô tuyến được một nhà hảo tâm tặng cho bé Thương để làm bạn và cây quạt máy cũ rích.
Mười sáu năm, bà Quỳnh không dám bỏ con nuôi ngày nào. Khi đi đâu xa bà lại nơm nớp lo sợ có tai nạn nào đó xảy đến với đứa con gái tật nguyền. Bà Quỳnh nói trong nghẹn ngào: “Phải chi tôi đừng nuôi nó, để nó chết từ lúc còn bé có phải tốt hơn không, bây giờ ra nông nỗi này nói không được, đi cũng chẳng xong chỉ nằm một chỗ. Nhiều lúc hai vợ chồng nói đùa “đem bé Thương vào cô nhi viện”, con bé nghe được, hai gò má nó lại thấm đẫm những giọt nước mắt, nhìn đau lòng biết chừng nào.
Điều hai vợ chồng tôi lo lắng nhất là bé Thương rất hay đau ốm. Chính quyền địa phương quan tâm, cấp cho Thương thẻ bảo hiểm y tế để thuận tiện cho quá trình khám chữa bệnh, nhưng những loại thuốc mà bé Thương cần đến phải là thuốc đặc trị có giá tiền lớn”.
Đứa bé sơ sinh bị vứt xuống hầm cầu nhà vệ sinh ngày xưa nay đã 16 tuổi. Ở tuổi cùng chúng bạn, khi bạn bè đến trường, em bất lực nằm một chỗ. Đôi khi em cũng biết làm điệu bằng cách xòe bàn tay ra cho chị sơn móng. Mỗi khi nhìn thấy ca sĩ, diễn viên trong vô tuyến hát, cô bé lại ú ớ bắt chước kèm theo đó là chân tay cựa quậy, múa máy theo điệu nhạc. Mỗi khi đói, Thương thè lưỡi ra. Buồn đi vệ sinh, Thương đưa tay ra phía sau lưng. Có người lạ vào nhà, Thương ú ớ kêu những tiếng kêu trong cổ họng.
Thiếu nữ tật nguyền dường như ít nhiều hiểu câu chuyện mẹ nuôi đang nức nở. Trên hai khóe mắt, lệ long lanh. Em khóc thương mẹ nuôi, khóc bất lực cho tình cảnh của mình, hay khóc giận người mẹ nhẫn tâm?