Hai sự kiện bạo lực trên không chỉ xúc phạm đến thân thể, nhân phẩm của người bị đánh mà thực ra đó là những “cái tát”, “cú đấm” vào ngành Giáo dục. Đáng tiếc là có vẻ như cả hai vị Hiệu trưởng, Viện trưởng đều xem đây là việc bình thường muốn làm nhẹ bớt đi. Đáng tiếc hơn đã một tuần trôi qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vẫn im hơi lặng tiếng.
Phạt học sinh hay trừng trị kiểu giang hồ?
Dư luận đang đặc biệt quan tâm việc nam sinh Hoàng Long N (lớp 6.2, Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) nói tục, bị đội sao đỏ của trường ghi vào sổ, đã bị cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy phạt 231 cái tát khiến học sinh này phải nhập viện điều trị.
Pháp luật đã nghiêm cấm việc xâm phạm thân thể con người, ngay với phạm nhân cũng được pháp luật bảo vệ quyền và thân thể qua các quy định, luật lệ cấm bức cung, nhục hình huống hồ chi đây là trẻ em ở tuổi thiếu niên là những bông hoa nhỏ càng được quan tâm bảo vệ. Nhưng ở đây, cô giáo chủ nhiệm lại xúc phạm thân thể của các em như cách giang hồ “nói chuyện”.
Hậu quả nghiêm trọng của hành vi này với em N là hết sức nghiêm trọng. Lãnh đạo bệnh viện cho biết học sinh N nhập viện trong tình trạng vùng má bị sưng tím, tổn thương phần mềm phía ngoài, há miệng hạn chế, nhai và ăn bị đau. Đặc biệt, tâm lý học sinh này bị ảnh hưởng nên cần động viên, theo dõi.
Cô giáo đã bắt các bạn cùng lớp tát liên tiếp vào mặt N. Sĩ số lớp là 27 học sinh, có 3 em quên vở bài tập, phải về nhà nên không tham gia “tát phạt”. Còn lại 23 em mỗi cháu phải tát N. Theo học sinh phản ánh, nếu bạn nào tát nhẹ sẽ bị phạt sẽ tát ngược lại 10 cái nên N. bị tát rất mạnh. Khi bị tát cái cuối cùng, N. vừa khóc vừa đau, buột miệng nói “em ghét cô” thì bị cô Thủy đứng cạnh vung thêm một cái tát nữa.
Cách hành xử này đã đẩy 23 học sinh còn lại vào con đường bạo lực. Tuổi nhỏ các em buộc phải dùng sức mạnh hành hạ bạn học của mình để được yên thân thì thử hỏi khi lớn lên, các em sẽ ứng dụng bài học này như thế nào? Trái tim nhỏ bé của các em sớm bị đầu độc về giá trị tiền bạc và lòng ích kỷ, lớn lên các em sẽ ra sao?
Đánh vì thành tích, dấu tội ác vì danh hiệu
Điều đáng tiếc là khi sự việc vỡ lở, đăng tải trên nhiều tờ báo và lan tràn trên mạng xã hội, về phía nhà trường, cô giáo Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh lại có biểu hiện muốn bao che vụ việc.
Tuy lên tiếng trên báo chí nhận là có chậm trễ trong xử lý vụ việc cũng như thiếu sự quan tâm đối với em N. và hứa sẽ xử lý nghiêm vụ việc nhưng cô Anh lại không thực tâm xử lý mà muốn bưng bít sự thật...
Cô Hiệu trưởng khẳng định: “Chiều 19/11, tôi không có mặt ở trường, ngày hôm sau tổ chức ngày lễ nên nghe các giáo viên phản ánh lại. Nhà trường đã mời phụ huynh đến để làm việc nhưng họ bận chăm con ở bệnh viện nên chiều 21/11 mới làm việc được. Nhà trường đã yêu cầu cô Thủy viết tường trình, sắp tới sẽ họp để có hình thức kiểm điểm”.
Hiệu trưởng Anh có nhiều phát biểu chống chế như: Cô Nguyễn Thị Phương Thủy là giáo viên dạy môn Toán và Giáo dục công nghệ; lúc trước cô Thủy công tác ở một trường khác và mới chuyển về dạy ở Trường THCS xã Duy Ninh được vài tháng.
Trên Báo Tiền Phong, cô Lệ Anh thừa nhận toàn bộ sự việc và “xin báo chí đừng lên tiếng vì trường sắp được công nhận danh hiệu Trường Chuẩn Quốc gia mức độ II. Nếu chỉ vì hành động sai trái của một cá nhân thì toàn bộ công sức của tập thể nhà trường sẽ đổ xuống sông, xuống biển”. Theo cô Lệ Anh, hoạt động Đội của trường quy định nếu lớp học có em học sinh nói tục là bị trừ 5 điểm nên đã tạo áp lực cho giáo viên chủ nhiệm.
Trong khi đó, Đại tá Đoàn Thanh Tuyên, Trưởng Công an huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) xác nhận cơ quan này đã có quyết định khởi tố vụ án “Hành hạ người khác” theo Điều 140 Bộ luật Hình sự để điều tra việc cô Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên Trường THCS Duy Ninh (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh) chỉ đạo cả lớp tát một học sinh 231 cái thì ngày 26/11 cô Hiệu trưởng Lệ Anh đơn giản chỉ cho rằng biện pháp của cô Thủy đưa ra không đúng, mong phụ huynh thông cảm.
Bên cạnh việc phẫn nộ về hình thức xử phạt của nữ giáo viên Nguyễn Thị Phương Thủy, báo chí và các diễn đàn mạng xã hội có nhiều ý kiến băn khoăn về vai trò và công việc của đội “sao đỏ” trong các trường học.
Trường hợp này, N bị cô phạt đánh vì bị “sao đỏ” phát hiện, ghi sổ và báo cáo với giáo viên chủ nhiệm. Nhiều phụ huynh cho rằng, công việc theo dõi, ghi chép những sai phạm của học sinh trong trường của cán bộ “sao đỏ” có thể tạo nên sự ganh ghét trong học sinh nên nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ mô hình này.
“Sao đỏ” là một hình thức tự quản của học sinh. Các học sinh ưu tú được giáo viên, nhà trường lựa chọn để tham gia quan sát, theo dõi mọi hoạt động, nền nếp của học sinh. “Sao đỏ” sẽ đứng trực tại cổng trường, ngoài cửa các lớp học để ghi chép các vi phạm của học sinh như: đi học muộn, nói tục, không truy bài, nói chuyện riêng trong giờ truy bài… Hầu hết các ý kiến của phụ huynh đều cho rằng đội ngũ “cán bộ” này vô hình trung tạo nên sự ganh ghét, nghi ngờ giữa các học sinh với nhau.
Phụ huynh Lê Tuấn đề nghị dẹp bỏ “sao đỏ” vì: “Người “sao đỏ” bỗng nhiên trở thành “cảnh sát” hay quan tòa cho thầy cô, được trao quyền phán xét hành vi các bạn khác, quyền “sinh sát” với các bạn, từ đó sinh thói ham quyền lực, hách dịch. Các bạn không phải “sao đỏ” thì sống trong sợ hãi, khúm núm, mất sự hồn nhiên. Còn cô giáo thì trở thành ban phát quyền lực, dần dần cũng trở nên tha hóa trong quan hệ với học trò”.
Giảng viên đấm Trưởng khoa do không được khỏe
Chiều ngày 21/11, trong cuộc họp tại Khoa Công nghệ thông tin của Học viện Quản lý giáo dục, một hành vi thô bạo phi giáo dục xảy ra: Giảng viên Nguyễn Văn Đoài đã đấm vào mặt Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng khoa Công nghệ thông tin. Sự việc này đã gây bất ngờ cho các cán bộ giảng viên trong Học viện Quản lý giáo dục - nơi đào tạo cán bộ quản lý cho nghề giáo và làm dậy sóng dư luận cả nước.
Ông Lê Thành Kiên, Trưởng phòng tổ chức cán bộ, xác nhận có vụ việc trên xảy ra, nhà trường đã biết và đang yêu cầu tổ bộ môn và khoa có ý kiến chính thức. Ông Kiên cho rằng, đây có thể do tâm lý của ông Đoài chứ không phải do xích mích hay do tranh luận. Cũng theo ông Kiên, thời gian qua tâm lý của ông Đoài có dấu hiệu không bình thường.
Trong học kỳ 1 năm học này ông kêu đau đầu và yêu cầu khoa không bố trí giảng dạy. Tuy nhiên, ông Kiên thừa nhận hiện vẫn không có chứng nhận y tế hay bất kỳ giấy tờ nào chứng minh ông Đoài không bình thường.
Ngoài ra, ông Kiên chia sẻ thêm: “Nếu như việc này xảy ra với một giáo viên bình thường thì Học viện sẽ có biện pháp xử lý nghiêm. Nhưng đây là trường hợp đặc biệt. Hướng xử lý vụ này là nhà trường sẽ yêu cầu khám sức khỏe. Nếu có triệu chứng thì phải được điều trị. Nếu ông Đoài khám mà có kết quả bình thường như các giảng viên khác thì Học viện sẽ xử lý nghiêm khắc”.
Lập luận của ông Kiên bị nhiều người cho là không thể chấp nhận được. Trường hợp giám định tâm thần chỉ để xem xét trách nhiệm hình sự, dân sự của cá nhân. Cú đấm của ông Đoài được thực hiện khi ông này đang giữ chức trách một giảng viên, người bị đấm vừa là cấp trên, vừa là một người thầy, không gian và thời gian đánh lại là Học viện đào tạo người quản lý giáo dục.
Bởi vậy, nếu xem nhẹ cú đấm ấy, ông Kiên đã đạp đổ những tiêu chuẩn đạo đức gương mẫu của nhà trường và của ngành Giáo dục.
Tại buổi tiếp xúc cử tri Bình Định ngày 28/11, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trả lời về vụ cô giáo Quảng Bình. Khẳng định việc cô giáo cho học sinh tát bạn 230 cái là vi phạm đạo đức nhà giáo, ông Nhạ chia sẻ: “Tôi rất buồn. Quan điểm của Bộ là không thể chấp nhận trong đội ngũ có giáo viên như vậy”.
Xã hội càng văn minh càng phải sớm nói không với bạo lực và nhà trường cần đi đầu trong việc loại bỏ vấn nạn đó. Khi biết sự việc, Thứ trưởng phụ trách đã thay mặt lãnh đạo Bộ bày tỏ quan điểm, chỉ đạo Sở Giáo dục Quảng Bình kiểm tra, gửi báo cáo về Bộ.
Theo Bộ trưởng, hành xử của cô giáo ở Quảng Bình đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành, niềm tin của xã hội vào đạo đức nhà giáo. Cùng với một số sự vụ thời gian qua, dư luận xã hội đã rất lo ngại về bạo lực học đường. Đó là một thách thức với ngành Giáo dục.
Tuy nhiên, ông Nhạ cho rằng phần lớn giáo viên vẫn tận tụy với nghề, yêu thương học sinh. Đã có hàng chục nghìn giáo viên vùng xa hy sinh cả tuổi thanh xuân, chấp nhận khó khăn, gửi con về quê để bản thân tiếp tục gieo “cái chữ” cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều thầy cô coi học sinh như con đẻ, dạy dỗ chăm sóc tận tình...