Vào dịp giáp Tết Mậu Tuất, đi dọc triền đê sông Hồng ngắm những khu vườn và những cánh đồng mẫu lớn ngút ngát tầm mắt, rực rỡ sắc màu của các loại hoa hồng, cúc, trà ly, hải đường, các loại quả ngọt cam, bưởi, quýt cùng cây cảnh quất, đào tiên, lộc vừng, ai cũng nhận thấy toàn cảnh đổi thay của làng quê, cánh đồng, cuộc sống nông dân vùng đất bên sông Hồng có phần “chung vai góp sức” của những người làm tín dụng chính sách tỉnh Hưng Yên.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Hưng Yên - bà Nguyễn Thị Xuân - cho biết: “Trong 15 mùa Xuân qua đã có trên 700 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên toàn địa bàn tiếp cận được gần 2.400 tỷ đồng vốn ưu đãi của Nhà nước, trong đó có rất nhiều nông dân vùng đất bãi ở các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ và TP Hưng Yên sử dụng vốn vay vào phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng những cánh đồng, khu vườn chuyên canh hàng hóa đạt giá trị kinh tế cao.
NHCSXH đã chú trọng đầu tư tập trung, đầu tư ưu tiên mang tính chất trọng điểm, phù hợp với từng xã, từng giai đoạn, từng loại cây, ở những khâu hộ nghèo yêu cầu, chưa tự làm được hoặc làm được nhưng hiệu quả không cao. Cùng với đó, NHCSXH phối hợp với các ngành, đoàn thể hỗ trợ tập huấn đào tạo nghề chuyển giao công nghệ sản xuất hoa quả tiên tiến theo tiêu chuẩn VietGap. Vì vậy, sang Xuân này, sản xuất nông nghiệp ở các địa phương vùng đất bãi thêm nhuận sắc, những cánh đồng chuyên canh quy mô lớn phát triển hơn.
Đơn cử những nông dân các khu vực chân đất vàn cao, có đê bối bảo vệ ở huyện Kim Động đã sử dụng hàng chục tỷ đồng vốn chính sách biến đổi thành vườn cây sum suê trái ngọt, thực hiện khát vọng đổi đời bên sông Hồng. Tại các xã vùng đất bãi của các huyện Khoái Châu, Văn Giang vốn có ưu thế trong phát triển hàng hóa, trình độ thâm canh cao, cùng với đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của chương trình cho vay giải quyết việc làm đã tiếp sức suốt quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng nhiều khu vực chuyên canh, kinh tế vườn cho thu nhập 400 - 500 đồng/ha/năm, thu lãi trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Về Hưng Yên dịp Xuân mới, tới thăm vùng đất Văn Giang nơi có tuyến đê Bắc Hưng Hải chạy ngang qua và có khoảng 1.300 đất bãi màu mỡ phù sa sông Hồng. Trước đây, diện tích đất canh tác ngoài bãi của 6 xã Xuân Quan, Công Luận, Liên Nghĩa, Thắng Lợi, Mễ Sở của huyện chủ yếu trồng ngô, đỗ, lạc, vừng, sau đó nông dân tự phát chuyển đổi sang trồng rau màu, cây ăn quả nhưng sản xuất vẫn manh mún, mỗi nhà làm một kiểu, hệ thống thủy lợi tưới tiêu và vốn liếng chưa được quan tâm đầu tư nên đời sống người dân vùng đất bãi còn thấp; khả năng tiêu thụ, cạnh tranh của sản phẩm không cao.
Để khai thác tiềm năng lợi thế vùng đất bãi, Huyện ủy Văn Giang đã ra Nghị quyết về đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất nông nghiệp cùng với nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ, trong đó nguồn vốn tín dụng chính sách cùng giúp tạo năng lực mới thúc đẩy kinh tế vùng đất bên sông Hồng phát triển.
Từ ấy, vùng đất bãi Văn Giang bừng thức, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao, gấp nhiều lần trồng ngô đỗ, đến mùa xuân này thu nhập bình quân đạt 180 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 50 triệu đồng/năm.
Cứ mỗi độ Xuân về Tết đến, mỗi ngày, các nhà vườn hộ nông dân nơi đây thu hái, xuất bán khắp thị trường trong nước, quốc tế nhiều tấn quả tươi ngon và các loại hoa, cây cảnh lung linh sắc đẹp.
Vùng đất bãi Văn Giang ngày nay có tên gọi mới “miền quê trăm hoa, vạn quả”, bởi Văn Giang không chỉ là nơi sản xuất, cung cấp hoa quả, cây cảnh lớn nhất châu thổ sông Hồng, mà còn là quê hương của những người dân biết cách sử dụng vốn vay ưu đãi của Nhà nước với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa đạt hiệu quả cao.
Đó là anh Nguyễn Văn Thiện ở xã Liên Nghĩa nhờ 50 triệu đồng vốn chính sách đã thâm canh tươi tốt 2.500m2 vườn cam đường canh, bưởi da xanh ruột hồng. Hay nhà anh Nguyễn Thành Công, xã Xuân Quan vay vốn NHCSXH đầu tư chuyển đổi cây trồng gắn với thị trường, xây dựng khu nhà lưới trồng hàng chục loại hoa lan, hoa ly, hoa thược dược. “Có được cơ sở sản xuất hoa theo công nghệ cao và đời sống khấm khá hơn trước là có công chỉ dẫn, giúp đỡ của các anh, chị cán bộ ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình vay vốn ưu đãi kịp thời đó” - anh Công vui vẻ nói.
Để kinh tế vùng đất bãi phát triển bền vững, tỉnh Hưng Yên vừa thông qua Nghị quyết về phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, hướng đến 2030, trong đó đề ra một số nhiệm vụ giải pháp: Đẩy mạnh tái cơ cấu, khuyến khích đầu tư xây dựng vùng sản xuất hàng hóa, trọng điểm; tiếp tục thực hiện có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất cho nông dân, dựng xây miền quê bên sông Hồng no đủ, tươi vui.