Bản sắc văn hoá hun đúc từ ngàn xưa
Từ lâu, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành ngày giỗ trọng đại của cả dân tộc, được mỗi người dân khắc cốt ghi tâm. Truyền thống thờ Vua Hùng gắn liền với truyền thống thờ cúng tổ tiên của mỗi gia đình người Việt, được xem như một tín ngưỡng truyền thống. Hàng loạt di chỉ khảo cổ học được phát hiện và khai quật với nhiều di vật vừa đa dạng, phong phú, vừa rất lớn về số lượng, đã minh chứng cho một thời kỳ lịch sử của thời đại Hùng Vương từ mấy ngàn năm về trước.
Trong ký ức tâm linh của người dân, hình ảnh Vua Hùng được khắc họa là ông vua mở nước, dựng làng, rồi trở thành ông Tổ của người Việt, sinh ra bọc trăm trứng nở ra 100 người con trai khôi ngô, tuấn tú - hình thành nên nghĩa đồng bào. Hàng ngàn đời nay, người Việt đã lập đền thờ cúng ông Tổ chung các Vua Hùng với hàng ngàn di tích ở khắp mọi miền đất nước.
Quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, người Việt Nam luôn luôn tôn kính các Vua Hùng, lấy đó làm điểm tựa tinh thần, làm đức tin thiêng liêng vào uy linh tổ tiên để chiến thắng thiên tai, thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn, bờ cõi. Từ thời Thục Phán dựng cột đá thề trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh khi Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi, thề sẽ trọn đời bảo vệ giang sơn mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói, trông nom lăng miếu tổ tiên. Đến thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Hán cũng đọc lời thề trên sông Hát: “Một xin rửa sạch nước thù. Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng”.
Chính vì vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của các thế hệ người dân Việt Nam, vừa thiêng liêng, vừa cụ thể, vừa là điểm tựa tinh thần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nhau dựng nước và giữ nước.
Tưng bừng hoạt động văn hoá
Ngày 10/3 âm lịch hàng năm trở thành ngày lễ trọng đại của dân tộc, triệu triệu lượt người hành hương về Đền Hùng thành kính tri ân công đức các Vua Hùng. Du khách thập phương, các đoàn nghiên cứu văn hóa nhân dịp về lễ Tổ, muốn khám phá thêm nét đẹp của những làn điệu Hát Xoan. Lễ hội Đền Hùng được tổ chức tại khu di tích lịch sử Đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Lang, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ. Đây là vùng đất cổ linh thiêng, khởi nguồn dân tộc.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng Bính Thân 2016 - diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 12 - 16/4 (tức từ ngày 6 - 10/3 âm lịch) trong phạm vi Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (TP Việt Trì) và các xã, phường vùng ven Đền Hùng; các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn toàn tỉnh Phú Thọ, trong đó trung tâm là Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và TP Việt Trì.
Như mọi năm, Lễ hội Đền Hùng gồm 2 phần: Lễ và hội. Phần lễ gồm: Lễ Giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương Quốc Mẫu Âu Cơ, Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương; Rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích…
Năm nay, Lễ hội Đền Hùng sẽ có thêm các hoạt động mới, hứa hẹn đem đến nhiều dấu ấn trong lòng người dân và du khách. Phần hội gồm các hoạt động văn hóa như: Trưng bày mẫu phác thảo Tượng đài Hùng Vương - Di tích lịch sử Đền Hùng xin ý kiến đóng góp của nhân dân; trưng bày, giới thiệu, quảng bá du lịch Phú Thọ, kết hợp triển lãm “Ảnh đẹp du lịch Phú Thọ”; triển lãm tư liệu ảnh chủ đề “Nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - bản sắc cội nguồn dân tộc”; hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày tỉnh Phú Thọ mở rộng lần thứ IV; chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ đồng bào về dự lễ hội; Lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì 2016 (trình diễn, diễu hành trên đường Trần Phú và biểu diễn nghệ thuật tại Sân khấu Trống đồng); chương trình “Hát Xoan làng cổ” gắn với điểm du lịch di sản văn hóa; hội thi bơi chải Việt Trì mở rộng - 2016…
Đến với Lễ hội Đền Hùng, ngoài được dâng lên nén hương tỏ lòng tri ân tới các vị Vua Hùng, cầu xin may mắn, sức khỏe và tham gia vào các hoạt động lễ hội vô cùng đặc sắc, du khách còn có thể đi tham quan, khám phá toàn bộ công trình kiến trúc của khu di tích lịch sử Đền Hùng bao gồm: Đền Hạ và chùa, đền Thượng, đền Trung, đền Giếng và lăng Vua Hùng.
Tại buổi họp báo về Lễ hội Đền Hùng 2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hà Kế San cho biết: “Lễ hội năm nay được tổ chức quy mô lớn, lượng đồng bào về rất đông, ước khoảng 6-7 triệu người. Tỉnh Phú Thọ xác định sẽ tổ chức chuyên nghiệp nhất, không để xảy ra tắc đường, “chặt chém”, chèo kéo, những hành vi phản cảm sẽ bị xử lý nghiêm. Các khách sạn, nhà hàng sẽ phải thực hiện nghiêm về giá, những trường hợp “chặt chém” sẽ công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và khuyến nghị người dân không sử dụng dịch vụ của các đơn vị này.”
Liên quan đến việc những vật phẩm cung tiến kỷ lục từng gây ồn ào dư luận trong thời gian qua tại Lễ hội Đền Hùng, ông Hà Kế San khẳng định những vật phẩm cung tiến không liên quan đến lễ hội, không phù hợp Ban Tổ chức Lễ hội sẽ không nhận. “Sẽ không còn bánh chưng, bánh dày kỷ lục, chai rượu kỷ lục như trước nữa” - ông San khẳng định.
Đền Hùng xứng tầm với Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt
Cùng với thời gian và sự phát triển của đất nước, Di tích lịch sử Đền Hùng ngày càng được quan tâm một cách toàn diện, đánh dấu những thay đổi, sự tôn vinh Di tích Đền Hùng và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ở thế kỷ XXI qua hàng loạt quy định về quản lý, bảo vệ, đầu tư tôn tạo xây dựng và tổ chức Lễ hội Đền Hùng. Trong đó, đáng chú ý là Quyết định số 48/2004/QĐ-TTg ngày 30 tháng 4 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án quy hoạch phát triển Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đến năm 2015. Có thể nói, đây là cơ sở vô cùng quan trọng trong việc định hướng đầu tư để bảo tồn, tôn tạo và xây dựng các công trình văn hóa, tín ngưỡng tại Đền Hùng xứng tầm là nơi cội nguồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Từ khi có Quyết định phê duyệt quy hoạch Đền Hùng đến nay, được sự đầu tư của Nhà nước và tấm lòng hảo tâm công đức của các doanh nghiệp, của đông đảo đồng bào trong và ngoài nước, công tác tu bổ, tôn tạo và xây dựng các công trình trong di tích ngày càng được mở rộng và phát huy hiệu quả. Trong đó, đầu tư nguồn vốn ứng trước của ngân sách nhà nước và công đức của các cá nhân với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, khu một gồm đền, chùa, tháp, Lăng Vua Hùng và rừng nguyên sinh với diện tích 32ha sẽ được bổ sung tôn tạo. Khu vực hai là vùng bảo vệ cảnh quan khu di tích sẽ được bố trí các công trình phục vụ lễ hội. Khu trung tâm lễ hội có các công trình: trục hành lễ, quảng trường trung tâm, khu tiếp đón..., khu làng du lịch văn hoá thời Hùng Vương; tháp Hùng Vương và làng du lịch sinh thái đặc trưng các vùng, miền đất nước; các khu rừng phía bắc, rừng phía nam, khu trồng cây lưu niệm và khu nhà văn hoá thanh, thiếu niên Hùng Vương.
Để xây dựng Đền Hùng ngày một quy mô, đáp ứng mong mỏi của hàng triệu người dân khi về Giỗ Tổ Đền Hùng, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý chủ trương đầu tư Dự án hoàn thiện tu bổ, tôn tạo hạ tầng, cảnh quan Trung tâm lễ hội - Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Theo đó, cơ quan chức năng sẽ đầu tư cải tạo Bảo tàng Hùng Vương nhằm bảo đảm điều kiện lưu giữ, nghiên cứu các hiện vật, cải tạo không gian trưng bày, tạo môi trường tham quan khang trang, thuận lợi phục vụ khách du lịch; xây dựng, tôn tạo cảnh quan đồi Công Quán thành khu cảnh quan sinh thái đáp ứng yêu cầu phục vụ lễ hội và tham quan du lịch; tiếp tục đầu tư khu Trung tâm lễ hội (giai đoạn 3) nhằm xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ cảnh quan không gian Khu di tích lịch sử Đền Hùng theo quy hoạch, kết nối hài hòa với không gian cảnh quan chung nhằm tạo dựng một Trung tâm lễ hội hoàn chỉnh…
Thời gian tới, các công trình như: nhà tiếp đón khách; tháp Hùng Vương và đặc trưng các vùng miền đất nước; tượng Hùng Vương; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan và phát triển rừng quốc gia Đền Hùng sẽ tiếp tục được đầu tư.
Đền Hùng vẫn bảo tồn được những nét cổ kính và không gian lễ hội đặc sắc, cùng với đó đó có thêm nhiều hạng mục công trình văn hóa mới, các cơ sở hạ tầng và cảnh quan môi trường được đầu tư khang trang để phục vụ và thu hút đông đảo du khách về thăm. Kế thừa thành quả và tiếp tục trong việc thực hiện các dự án quy hoạch phát triển Đền Hùng, chúng ta sẽ xây dựng Đền Hùng xứng tầm với vị thế là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt - là trung tâm văn hóa tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của dân tộc, thực sự trở thành điểm đến của du lịch Việt Nam thế kỷ XXI, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ.