Ngày mới trên quê hương Cách mạng Roộc Cồn

(PLVN) - Địa danh khu di tích lịch sử Quốc gia Roộc Cồn tại xã Phú Phong huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) luôn là địa chỉ đỏ về truyền thống cách mạng và truyền thống hào hùng của nhân dân xã. Vẫn còn đó đền Cây Chay, cầu Roộc Cồn… những địa danh đã gắn bó với cuộc đấu tranh cách mạng năm xưa và là nơi chi bộ Đảng Phú Phong thường xuyên hoạt động bí mật.
Khu di tích Roộc Cồn ( xã Phú Phong, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đã được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.
Khu di tích Roộc Cồn ( xã Phú Phong, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đã được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, là nơi ghi dấu nhiều sự kiện cách mạng năm 1930-1931, Khu di tích Roộc Cồn đã được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Viết tiếp truyền thống trên quê hương cách mạng, xã Phú Phong hôm nay đang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Vang mãi hào khí Xô Viết Nghệ Tĩnh

Dưới chế độ thực dân - phong kiến đời sống nhân dân xã Phú Phong nói riêng và nhân dân huyện Hương Khê nói chung vô cùng cực khổ. Là một huyện miền núi, đất đai cằn cỗi, dân cư thưa thớt, nơi đây nổi tiếng là vùng rừng thiêng nước độc nên phần lớn nông dân không có ruộng cày, phải đi làm thuê cho địa chủ, quanh năm chịu cảnh ăn cơm vay, cày ruộng rẽ, đói rét, bệnh tật luôn hoành hành.

Ai về Hương Khê lúc bấy giờ chắc sẽ thuộc lòng câu cửa miệng tả về nổi khổ cùng cực của người nông dân: "Nuôi con cơm chéo áo, gạo chéo khăn". Nạn phu đài, tạp dịch, cảnh thuế khóa ngặt nghèo với hàng trăm thứ thuế vô lý như: thuế chợ, thuế đò, thuế thân, thuế muối… đã đẩy người nông dân vào cảnh bần cùng. Đây cũng là nơi tập trung nông dân phá sản từ các huyện khác đến sinh sống hoặc là những người chống phong kiến bị chúng đem lên giam giữ.

Khu di tích lịch sử Roộc Cồn.
Khu di tích lịch sử Roộc Cồn. 

Tuy nghèo khổ nhưng nhân dân Hương Khê giàu lòng yêu nước và tinh thần chống áp bức, cường quyền. Cuộc đấu tranh cách mạng diễn ra tại Roộc Cồn là sự kiện lịch sử hào hùng, oanh liệt của Đảng bộ và nhân dân Hương Khê trong công cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc. Những cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân yêu nước anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh cách mạng tại Rôộc Cồn đã trở thành tấm gương, biểu tượng cao đẹp để thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.

Nhằm tôn vinh tinh thần dũng cảm, sự hy sinh oanh liệt của các chiến sỹ Xô Viết, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống cách mạng cho mọi thế hệ, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã cho xây dựng ở nơi đây một tượng đài liệt sỹ uy nghiêm và kính trọng mang tên nghĩa trang liệt sỹ Roộc Cồn.

Toàn cảnh quê hương cách mạng Roộc Cồn nhìn từ trên cao.
 Toàn cảnh quê hương cách mạng Roộc Cồn nhìn từ trên cao.

Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giáo dục truyền thống lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh vào học trong nhà trường, nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu biết lịch sử dân tộc, quê hương để từ đó giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, truyền thống quê hương đất nước.

Ông Lê Trần Sáng Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Mỗi năm, khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Roộc Cồn đều được Nhà nước, tỉnh nhà quan tâm khi đầu tư nhiều gói hỗ trợ nhằm tôn tạo và bảo trì. Hiện tại huyện Hương Khê cũng đang lập dự án để nâng cấp, tuy nhiên do kinh phí còn hạn chế nên chưa tiến hành thực hiện được”. 

Roộc Cồn xanh màu no ấm...

Roộc Cồn xưa là vùng đồi trọc, xung quanh cây cối bao bọc um tùm. Dưới chế độ thực dân phong kiến, nhân dân xã Phú Phong nói riêng và huyện Hương Khê nói chung vô cùng cực khổ. Nông dân phần lớn không có ruộng cày, phải đi làm thuê cho địa chủ, quanh năm chịu cảnh ăn cơm vay, cày ruộng rẽ, đói rét, bệnh tật luôn hoành hành… Thời đó, ai về Hương Khê đều có câu cửa miệng “Nuôi con cơm chéo áo, gạo chéo chăn”.

Đói khổ, cùng cực, không chịu nổi áp bức, người dân đã vùng lên làm cách mạng. Rôộc Cồn ngày ấy tựa như một ngọn lửa, soi rọi và cháy lên tinh thần yêu nước, chí khí cách mạng của cả một vùng quê. Nó là khởi nguồn nhưng đồng thời cũng chính là nguồn lực vô tận cho các phong trào cách mạng trong mỗi thời kỳ lịch sử. Hôm nay, Roộc Cồn đã trở thành một vùng quê đẹp như bức tranh, cả về bề ngoài lẫn chiều sâu bên trong…

Viết tiếp truyền thống của vùng quê cách mạng, Phú Phong hôm nay đang từng bước đổi thay, mang lại cuộc sống ấm no cho Nhân dân. Những vùng đất bạc màu, cỗi cằn ngày xưa nay được thay bằng màu xanh trù phú của vườn cây ăn quả.

Roộc Cồn xanh ngát một màu no ấm của những vườn cây ăn quả...
 Roộc Cồn xanh ngát một màu no ấm của những vườn cây ăn quả... 

Không chỉ tập trung phát triển nông nghiệp, người dân trên quê hương cách mạng Roộc Cồn còn biết tận dụng lợi thế địa phương gần trung tâm huyện, phát triển nhiều ngành nghề phụ như: Gia công cơ khí, mộc dân dụng, thợ nề, sửa chữa, kinh doanh vật liệu xây dựng, vận tải…

Hiện nay, toàn xã có 21 tổ ngành nghề xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; 268 cơ sở sản xuất, kinh doanh; 12 doanh nghiệp; 5 hợp tác xã dịch vụ; 13 tổ hợp tác sản xuất… Trong đó, có 43 mô hình sản xuất, kinh doanh có doanh thu 100 triệu đồng trở lên. Giá trị sản xuất tăng từ 24 tỷ năm 2015 lên 29 tỷ năm 2020.

Kinh tế phát triển, đời sống của người dân từng bước được nâng cao là điều kiện tốt để Đảng bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bằng những chủ trương đúng, cách làm hay, Đảng bộ Phú Phong đã lãnh đạo, tổ chức vận động nhân dân xây dựng mô hình kinh tế đa dạng trên các lĩnh vực, tiếp cận với phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa.

Năm 2015, Phú phong được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay có 3 thôn đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu, 20 vườn mẫu. Tổng huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới đạt trên 40 tỷ đồng, tăng hơn 20 tỷ đồng so với giai đoạn 2011-2015. 

 

Là địa phương tiếp giáp với địa bàn thị trấn huyện, hầu như không có các chương trình dự án hỗ trợ, Đảng bộ và nhân dân xã Phú Phong đã tự lực, tự cường, từng bước khắc phục khó khăn, phát huy dân chủ, đoàn kết, trí tuệ, hoàn thành và giữ vững các tiêu chí một cách bền vững.

Các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trên từng địa bàn lĩnh vực đều được cấp ủy, chính quyền đề ra một cách cụ thể, sát với yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương. Với những phần việc do người dân đảm nhận, cấp ủy chính quyền và các ban ngành đoàn thể quan tâm tổ chức họp bàn lấy ý kiến, trực tiếp lắng nghe tâm tư nguyện vọng và những đề xuất chính đáng của người dân. Vì vậy, Phú phong đã tạo được sự đồng thuận cao và hưởng ứng tích cực của nhân dân trong các phong trào thi đua.

Sự đổi mới trên quê hương cách mạng Phú Phong hôm nay là niềm tự hào, phấn khởi của cán bộ và nhân dân nơi đây. Trong dòng chảy lịch sử, với đà phát triển của phong trào xây dựng Nông thôn mới, tin rằng Phú Phong sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu mới trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu vào những năm đầu thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025.

Với những nhiệm vụ, giải pháp đột phá đề ra, Đảng bộ và nhân dân xã Phú Phong đang phấn đấu 5 năm tới sẽ đạt tổng giá trị sản xuất 240 tỷ đồng; Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 67,2 triệu đồng; 100% thôn đạt khu dân cư kiểu mẫu và 60 vườn mẫu đạt chuẩn; Xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2022.  Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh, Phú Phong đang hướng tới mục tiêu tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn, mà trọng tâm là xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Roộc Cồn xứng tầm với truyền thống, lịch của quê hương, đất nước trong công cuộc đổi mới hôm nay. 

Đọc thêm