Ngày tàn của sòng bạc Đại Thế Giới

(PLO) - Làm giàu từ cờ bạc thì chẳng có gì để được nhắc nhở, đừng nói là ngợi khen. Tuy nhiên, bởi nét đặc thù của Sài Gòn thời xưa là sự pha lẫn giữa làm giàu bằng ý chí phấn đấu tự vươn lên, lại có những kẻ làm giàu bằng bóc lột, bằng những mánh khóe gian xảo. Chuyện một số người giàu lên và tàn lụi từ cờ bạc là như vậy. PL4P xin giới thiệu tài liệu của tác giả Thượng Hồng.
Sòng bạc Grand Monde tại số 11 Rue des Marins (Đồng Khánh, nay là đường Trần Hưng Đạo). Hình chụp năm 1950.
Sòng bạc Grand Monde tại số 11 Rue des Marins (Đồng Khánh, nay là đường Trần Hưng Đạo). Hình chụp năm 1950.

Grand Monde (Đại Thế Giới) là một sòng bạc được người Pháp dựng lên, nhưng bị khống chế bởi những đầu nậu và sau đó là những thế lực “Lục lâm thảo khấu”. Nếu so về tầm cỡ lúc đó, thì Đại Thế Giới được ví ngang với vài sòng bạc thuộc loại lớn nhất nhì ở Macau.

Khi thấy cái bảng hiệu bằng chữ Pháp thật to “Grand Monde” được trương lên trước khu đất rộng trên 1ha, dân Sài Gòn cứ ngỡ đó là một câu lạc bộ giải trí dành cho người Pháp. Nhưng đến ngày khai trương, thì thiên hạ mới ngớ ra, bởi điều khiển toàn bộ công việc trong Grand Monde là người ngoại quốc, và dịch vụ của nó không là giải trí thể thao mà chính hiệu là một sòng bạc.

Người trực tiếp điều hành là Lâm Giống, một trùm cờ bạc từ Hong Kong tới. Đó là một tỷ phú nhờ kinh doanh dịch vụ cờ bạc ở Macau, Hong Kong, trước khi được móc nối tới Sài Gòn và trụ lại khá lâu ở Đại Thế Giới. Về nhân vật này, nghe nói cũng lắm huyền thoại khá ly kỳ, được thêu dệt từ chính những bạn bè đồng sự của ông ta. 

Theo đó, Lâm Giống thời thanh niên đã từng làm đủ nghề, từ phổ ky (chạy bàn trong quán ăn), rửa chén, quét nhà, dọn bàn ghế và hầu phòng, đánh giày cho mấy tay trùm cờ bạc. Chính nhờ nghề sau cùng đó, Lâm Giống đã làm quen với nghề cờ bạc. Từ một “tên tép riu”, dần dần Lâm Giống đã học được nghề, lão luyện trong các mánh để làm trùm. Đầu thập niên 30, họ Lâm đã có cổ phần trong hai sòng bạc lớn nhất Macau. 

Vào năm 1937, khi Sài Gòn lập hai sòng bạc Đại Thế Giới (Chợ Lớn) và Kim Chung (vùng Cầu Ông Lãnh) thì Lâm Giống đã có mặt. Nghe nói ông ta đã đấu thầu để được quyền khai thác sòng bạc Đại Thế Giới với giá 10 triệu đồng (nên nhớ vào những năm đó, giá một lạng vàng chỉ có trên dưới 100 đồng) và chịu đóng thuế 200 ngàn đồng mỗi ngày.

Suốt trong thời kỳ xảy ra thế chiến thứ hai, khi khắp nơi điêu đứng vì chiến tranh, vì nền kinh tế suy sụp, thì ở Sài Gòn, Chợ Lớn, hai sòng bạc Đại Thế Giới và Kim Chung vẫn bình yên mở cửa ngày đêm, sát phạt nhau điên đảo.

Bao nhiêu con thiên thân đã lao đầu vào ánh đèn néon rực sáng hai chữ Grand Monde đó, bao nhiêu người đã tán gia bại sản, bao nhiêu mạng sống đã bị hủy hoại một cách oan uổng bởi cái máu đỏ đen… 

Lâm Giống càng ngày càng giàu ra, thu tiền bạc một cách dễ dàng. Người ta đồn rằng, vào thời ấy ở Sài Gòn – Chợ Lớn không ai giàu hơn Lâm Giống. Ông ta đầu tư vào nhiều ngành, đặc biệt là ngành nhà hàng, khách sạn và vũ trường (dancing).

Ông ta tổ chức đưa các vũ nữ, gái lầu xanh từ Hong Kong, Macau sang lũng đoạn cả thế giới ăn chơi của Sài Gòn. Khi thế chiến thứ hai chấm dứt, cũng là lúc Lâm Giống ngự trên đỉnh cao sự giàu sang. Ông ta là “vua” muốn gì được nấy, trong nhiều năm.

Cho đến đầu thập niên 50, một “khắc tinh” của Lâm Giống đã loại ông ta ra khỏi cuộc chơi. Đó là Bảy Viễn. Người nào từng sống ở Sài Gòn vào thời kỳ đó, đều biết đến cái tên nghe thuần túy Nam Bộ này. Bởi Bảy Viễn là một con người cùng một lúc có đến 3 - 4 “chức danh”: Đầu đảng thảo khấu Bình Xuyên, “tư lệnh” lực lượng võ trang Bình Xuyên, chủ sòng bạc Đại Thế Giới kiêm… tỷ phú.

Bảy Viễn vào những năm đầu thập niên 40 là một trong 4 - 5 tên tuổi đứng đầu của làng thảo khấu vùng Sài Gòn – Chợ Lớn (Bình Xuyên là một làng vùng ven chạy dài từ Nhà Bè, quận 8, đến giáp Bình Chánh), từng ở tù Côn Đảo về tội cướp.

Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, Bảy Viễn cũng len lỏi vào hàng ngũ, đội lốt “chống Pháp” một thời gian, nhưng sau đó bị Tây mua chuộc, được người Pháp ưu đãi, cho cát cứ vùng Chánh Hưng, lập nên “lực lượng Bình Xuyên”. Với cái “mác” Bình Xuyên, Bảy Viễn nhằm vào “kho bạc” Đại Thế Giới và chiếc ghế “Thần bài” của Lâm Giống.

Chân dung Bảy Viễn năm 1948
Chân dung Bảy Viễn năm 1948

Với chủ trương áp dụng “luật mafia”, Bảy Viễn đã làm áp lực, buộc Lâm Giống phải nhường lại Đại Thế Giới. Lúc đó, Bình Xuyên quá mạnh, Lâm Giống chẳng dại gì cưỡng lại, nên chỉ sau một đêm thương lượng, đã lẳng lặng rút lui, nhường lại toàn bộ cơ ngơi Đại Thế Giới cho Bảy Viễn. 

Thật ra thì đằng sau Bảy Viễn đã có một bàn tay nâng đỡ rất có thế lực, đó là Bảo Đại và chính phủ bảo hộ Pháp. Bảy Viễn chấp nhận nâng mức thuế đóng lên 500 ngàn đồng mỗi ngày. Với số thuế lớn như thế, vậy mà Bảy Viễn vẫn còn lãi gấp 5 – 7 lần. Chẳng mấy chốc, Bảy Viễn trở thành một tỷ phú vượt tất cả các nhà giàu đương thời.

Tuy nhiên, loại làm giàu kiểu Bảy Viễn không bao giờ bền. Chỉ đến cuối năm 1954, khi xảy ra cuộc “tương tàn” giữa lực lượng Bình Xuyên và lực lượng của Ngô Đình Diệm, để rồi cuối cùng Bình Xuyên bị đánh tan tác, Bảy Viễn bỏ chạy sang Pháp ẩn thân. Đại Thế Giới “rụng” bảng hiệu.

***

Trước khi tại Sài Gòn nổi lên một sòng bạc thuộc loại lớn nhất nhì Á châu, người ta đã biết tới một tay trùm và hệ thống cờ bạc không bảng hiệu của ông ta, đó là Sáu Ngọ. Có người nói ông ta là Lê Văn Ngọ, có người bảo là Nguyễn Văn Ngọ, trong khi chính đương sự thì lại thích được gọi bằng cái tên Tây P.Ngọ. Sobnng, để dễ gọi, người ta thường gọi nôm na là Sáu Ngọ, hoặc Thầy Sáu.

Ở Sài Gòn thời ấy, người ta thường có câu cửa miệng:  “Cờ bạc mà được như Sáu Ngọ thì hãy nên cờ bạc!”. Như thế đủ thấy rằng “Thầy Sáu” không phải là tự xưng, mà do chính bàn dân thiên hạ tặng, chỉ vì họ sánh Sáu Ngọ ngang hàng với nhiều loại “thầy chú” khác rất có máu mặt ở Sài Gòn.  

Vào thời sau thập niên 20, ở Sài Gòn còn lắm nhiễu nhương, người dân còn nhiều cơ cực, nên một trong những thú vui là mê đỏ đen. Một số người đánh bạc vừa mong đổi đời, cũng vừa thỏa tính ngông cuồng, do đó họ rất khoái có những tay “hảo hán” theo kiểu Sáu Ngọ.

Thuở ấy, người dân Sài Gòn dù là dân giàu, mấy ai lên xe xuống ngựa được như Sáu Ngọ. Ông ta có đến bốn chiếc ô tô riêng, mà chiếc nào cũng thuộc loại đắt tiền, lộng lẫy. Cứ sáng sáng, “Thầy Sáu” diện đồ láng coóng, đầu đội nón nỉ, tay cầm ba-toong, bảo tài xế đưa đi một vòng Sài Gòn, ghé lại các nhà hàng loại xịn như La Pagode, Brodard, hay Continental, ngồi nhâm nhi cô nhắc, mạc-ten, phì phà thuốc lá.

Sáu Ngọ khởi đầu sự nghiệp cũng bằng hai bàn tay trắng như hầu hết những tay giang hồ hảo hán khác, nhưng đặc biệt hơn là ở chỗ ông ta biết mượn thời thế để phất lên. Ban đầu không nhiều tiền thì làm cò con, tổ chức những sòng bài rải rác ở các điểm khác nhau, trốn xâu lậu thuế…

Dần dần có tiền tích trữ khá, Sáu Ngọ bung ra làm ăn táo bạo. Ông ta nắm được cái “bệnh” chung của hầu hết nhân viên công lực thời đó là khoái ăn của đút, cho nên hễ tổ chức nơi nào thì y như rằng lính nơi đó đều bị “Thầy Sáu” mua đứt. 

Mua bằng cách nào, đó là một nghệ thuật riêng. Đầu tiên, ông ta điều tra, biết được đối thủ của mình thuộc loại nào, thích ăn chơi như thế nào, đã có bồ bịch chưa… Tùy theo tình trạng của mỗi người, các sách lược sẽ được áp dụng. Với cách đó, ít khi Sáu Ngọ thất bại, thậm chí với cả các quan chức người Pháp.

Bởi vậy, chỉ sau một năm “kinh doanh”, Sáu Ngọ đã nghiễm nhiên trở thành một bộ mặt bự trong làng. Vào lúc xảy ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, cũng là lúc Sáu Ngọ lên ngôi “vua”, đã tóm thu hầu như trọn các sòng bài lớn nhỏ ở khắp vùng Sài Gòn, Chợ Lớn.

Thực ra, Sáu Ngọ còn có những chiêu rất ngoạn mục khác mà nhà cầm quyền không ngờ tới được. Đó là sự ăn chia sòng phẳng cho mọi đàn em. Hễ đàn em nào trung thành, làm được việc, thì sẽ được hưởng lợi nhuận xứng đáng, thậm chí còn được cứu sinh mạng khi lâm nguy. Từ đó, Sáu Ngọ nhận được sự đền ơn đáp nghĩa tận tình.

Lúc ở trên đỉnh cao của sự nghiệp, Sáu Ngọ sở hữu một lúc đến trên 10 ngôi biệt thự ở khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, ngoài ra còn có các cơ ngơi khác ở nhiều nơi, trị giá tài sản rất lớn. Sáu Ngọ thậm chí còn mua được quốc tịch Pháp, được ưu tiên, miễn trừ một số mặt, và nhờ thế, ông ta đã càng giàu thêm. Mãi đến lúc người Pháp cho phép thành lập Đại Thế Giới, thì những hoạt động của Sáu Ngọ mới tàn lụi dần.  

Đọc thêm