Ngày xuân nhớ chuyện bà Năm Sa Đéc

(PLO) - Nghệ danh “Bà Năm Sa Đéc” luôn được người dân Nam bộ, nhất là bà con vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long truyền khẩu, ngợi ca. Nghệ sĩ Năm Sa Đéc đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho nghệ thuật hát bội, cải lương, kịch nói và điện ảnh nước nhà.
Sản phẩm hủ tiếu mang thương hiệu bà Năm Sa Đéc tại Hội chợ Công thương Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày xuân, nhắc tới huyền thoại “Bà Năm Sa Đéc” vang bóng một thời để mọi người cùng hoài niệm, ôn cố tri tân và ngợi ca một tài hoa đức hạnh lưỡng toàn, kỳ mỹ…

Bà Năm tài, sắc vẹn toàn

Nghệ sĩ Năm Sa Đéc tên thật là Nguyễn Kim Chung sinh năm 1907, là con của ông Hương Cả Nguyễn Văn Tam (Cả Tam) và là cháu nội của ông Hương Cả Nhiều, (Đông Quới, xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp).

Ông Cả Tam có cả thảy 5 người con, 03 người con đầu do khó nuôi nên đã lần lượt qua đời, chỉ còn lại 02 người con là “Bà Năm Sa Đéc” và ông Nguyễn Duy Cang (Sáu Biết).

Năm 1915, ông Nguyễn Văn Tam đứng ra thành lập và làm “Bầu” một gánh hát bội “Thiện Tiền Ban” đầu tiên tại tỉnh Sa Đéc.

Do có tài năng ca hát, diễn xuất nên vào năm 1928, bà Năm Sa Đéc đã gia nhập gánh hát Phước Tường. Sau đó, bà Năm Sa Đéc lần lượt cộng sự với các đoàn Phụng Hảo, Vân Hảo, Thanh Minh - Thanh Nga…

Từ sân khấu hát bội bước qua lĩnh vực cải lương nên nghề nghiệp của bà rất vững vàng, chỉ cần học tập thêm chút ca cổ là tiến bộ rực rỡ trên con đường nghệ thuật sân khấu cải lương. 

Trong thời gian lưu diễn, bà Năm Sa Đéc đã có rất nhiều khán giả ái mộ và cũng có một vài mối tình đầu đời. Vào khoảng năm 1938 - 1939, một trong những mối tình hương sắc mặn nồng giữa bà Năm và ông Đốc Phủ Sứ Đặng Ngọc Chấn (quê tỉnh Long An) đã cho ra đời một cậu con trai. Nhưng vì một lý do thật tế nhị nên đôi “trai tài, gái sắc” này không thành vợ chồng và bà Năm Sa Đéc đã âm thầm, lặng lẽ nuôi con và đặt tên cho đứa con là Nguyễn Ngọc Đặng! 

Tình yêu tan vỡ, bà Năm đã dồn hết tâm sức, trí lực cho nghệ thuật sân khấu cải lương, kịch nói… Bằng tài năng ca diễn xuất chúng nên danh tiếng của bà Năm Sa Đéc vang lừng khắp nơi, với nhiều vai diễn ăn sâu vào lòng người mộ điệu lúc bấy giờ.

Đến năm 1947, bà Năm Sa Đéc đã phải lòng và kết nghĩa tơ hồng với học giả, nhà biên khảo Vương Hồng Sển (nguyên là Giám thư Bảo tàng Viện Sài Gòn). Hơn 40 năm chung sống với cụ Vương, bà Năm đã hạ sinh một người con trai là Vương Hồng Bảo.

Như vậy, bà Năm Sa Đéc có tổng cộng 2 người con trai cùng mẹ khác cha là: Nguyễn Ngọc Đặng (SN 1939) và Vương Hồng Bảo (SN 1951). 

Không chỉ thành công trong lĩnh vực sân khấu ca kịch cải lương, bà Năm Sa Đéc còn là một nữ minh tinh điện ảnh tài, sắc vẹn toàn luôn được nhiều người ngưỡng mộ, qua các bộ phim “Lệ đá”, “Con ma nhà họ Hứa” (trước năm 1975) và nhiều bộ phim sau năm 1975 là “Cho đến bao giờ”, “Mùa nước nổi”, “Con thú tật nguyền”, “Nơi bình yên chim hót”… 

 Bà Năm Sa Đéc

Năm 1987, bà Năm Sa Đéc thủ vai bà Hai Lành trong bộ phim “Phù sa”. Sau khi quay xong cảnh trong phim tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, trên đường về bà có ý định ghé thăm quê nhà Sa Đéc, nhưng do tài xế quên cho xe chạy tới phà Mỹ Thuận nên tài xế xin lỗi bà và hẹn lần sau sẽ chở bà về thăm quê. Không ngờ khi về Sài Gòn khoảng một năm sau, bà bị bệnh đột ngột và qua đời vào ngày mồng 8 tháng Chạp năm Đinh Mão (SN 1988).

Thi hài của nữ nghệ sĩ tài hoa đã được chồng và con cháu đưa về an táng tại nơi mà bà đã được sinh ra từ hơn 80 năm trước.

Anh Thái Thanh Sang - cháu bà Năm Sa Đéc cho biết: Vào những năm cuối thập niên 40 của thế kỷ XX, lúc bà Năm về chung sống với người chồng Vương Hồng Sển, do vóc dáng nhỏ nhắn, xinh đẹp nên cụ Vương thường gọi vợ là “cô Năm Nhỏ”.

Lúc bấy giờ, khi cô Năm Nhỏ Kim Chung đi hát diễn cùng trong một gánh hát nọ lại có một cô  đào Năm Nhỏ khác (quê ở Cần Thơ) và hai nghệ sĩ này đều nổi tiếng trên lĩnh vực nghệ thuật sân khấu cải lương. Để phân biệt hai người với nhau, nhiều nghệ sĩ trong đoàn hát gọi cô Năm Nhỏ Kim Chung bằng danh xưng cô Năm Sa Đéc hay bà Năm Sa Đéc.

Từ đó, nghệ danh cô Năm Sa Đéc hay bà Năm Sa Đéc vang danh cho tới ngày nay.

Danh thơm còn mãi

Về cái gọi là “hủ tiếu Bà Năm Sa Đéc” từng nổi tiếng trên đất Sài Gòn, theo anh Thái Thanh Sang, cháu ruột của bà Năm, cùng lời kể thêm của nhà thơ Trần Minh Tạo (lấy nguồn từ cô bạn thân lâu năm, vốn là cháu gái ruột gọi bà Năm Sa Đéc bằng bà cô, từng có thời gian khá lâu gần gũi, chăm sóc bà) thì bản thân bà Năm Sa Đéc và các con, cháu của bà từ xưa tới nay không có một ai từng hành nghề mua bán hủ tiếu hay sản xuất bánh hủ tiếu ở bất kỳ nơi đâu. 

Sở dĩ có tên “hủ tiếu Bà Năm Sa Đéc” là do vào khoảng năm 1973, một người con trai thứ ba của người yêu cũ hồi còn trẻ của bà Năm Sa Đéc (quê ở vùng Mỹ Tho, Tiền Giang ngày nay) có mở một quán bán hủ tiếu tại Sài Gòn.

Do hiểu biết, yêu thương mối dây thân tình, trìu mến cũ của cha mình cùng sự ái mộ tài danh nghệ thuật của bà Năm Sa Đéc nên ông đã xin làm con nuôi, sau đó là xin được lấy nghệ danh của bà đặt tên cho quán hủ tiếu của mình và được bà Năm chấp thuận. 

Cháu ruột bà Năm Sa Đéc (ngồi giữa) 

Nhờ tài nghệ chế biến tô hủ tiếu thơm, ngon, hợp khẩu vị với thực khách của “cậu ba” nên quán “hủ tiếu Bà Năm Sa Đéc” thu hút được nhiều người rủ nhau đến thưởng thức món ẩm thực độc đáo này. Từ đó, thương hiệu “hủ tiếu Bà Năm Sa Đéc” vang xa.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975), quán “hủ tiếu Bà Năm Sa Đéc” còn bán một thời gian rồi đổi chủ. Hiện nay, chủ quán “hủ tiếu Bà Năm Sa Đéc” (con nuôi của bà) đang định cư ở Thụy Điển và vẫn tiếp tục theo nghề bán hủ tiếu với thương hiệu “Bà Năm Sa Đéc” như xưa. Trong quán có treo hình bà Năm Sa Đéc tại một nơi rất trang trọng để tưởng niệm, yêu thương và ái mộ.  

Nói về hủ tiếu Sa Đéc (chứ không phải tô hủ tiếu), nhà thơ Trần Minh Tạo chia sẻ: Hủ tiếu Sa Đéc nổi danh xưa nay là nổi danh về “sợi bánh hủ tiếu” được làm ra từ nguyên liệu bột gạo mới của làng nghề làm bột trứ danh Tân Phú Đông (Sa Đéc). Qua bàn tay chế biến của những người thợ sản xuất bánh lành nghề đã cho ra sản phẩm sợi bánh hủ tiếu đặc trưng của làng bột Sa Đéc mà không lẫn lộn với hủ tiếu sản xuất nơi khác.

Sợi bánh hủ tiếu Sa Đéc khi chế biến thành tô hủ tiếu, người sành điệu về ẩm thực khi thưởng thức thấy rất ngon miệng. Bởi, sợi bánh mềm không bở và không dai, vị bánh không chua và không mặn, hương bánh phảng phất mùi thơm của bột gạo… Và sau đó tô hủ tiếu Sa Đéc cũng vang tiếng khắp nơi.

Vì mến mộ tài năng, đức hạnh của bà Năm Sa Đéc nên gần đây có người mở quán hủ tiếu hay lò sản xuất sợi bánh hủ tiếu (không có quan hệ họ tộc gì với bà) đã “mượn” danh tiếng “Bà Năm Sa Đéc” đưa làm bảng hiệu cho cơ sở kinh doanh, sản xuất của mình như: quán “hủ tiếu Bà Năm Sa Đéc”, lò “hủ tiếu Bà Năm Sa Đéc”, Công ty TNHH thực phẩm Bà Năm Sa Đéc chuyên sản xuất bánh hủ tiếu, bánh phở, mì quảng… 

Anh Thái Thanh Sang tâm sự: Các con cháu của bà Năm Sa Đéc ngày nay không có ai nối nghiệp của bà, cũng không ai sinh sống ở quê. Người con trai cả của bà là cậu Đặng cũng đã qua đời, chỉ còn vợ con cậu Đặng hiện sống ở Sài Gòn. Căn nhà to rộng, cổ kính với 3 gian, 2 chái bát dần trên một khu đất rộng cạnh bên con đường nhỏ Cái Bè - Cai Khoa của ông Cả Tam không còn, do giặc Tây đốt rụi hồi năm 1954.

Hiện nay, mảnh đất hương quả rộng hơn 5 công đất này đã được gia đình anh Thái Thanh Sang sở hữu, cất nhà, lập vườn trồng xoài cát Hòa Lộc và lo hương khói, mồ mả, giỗ kỵ cho bà Năm Sa Đéc, cậu hai Đặng cùng các thành viên trong dòng tộc đang an nghỉ nơi đây”. 

Suốt cả một đời hơn 80 năm tại thế, bà Năm Sa Đéc đã sống và cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Nhắc đến bà, người dân Sa Đéc và Đồng Tháp rất tự hào và vinh dự, vì bà đã góp phần làm rạng danh cho mảnh đất quê hương, một thời đóng góp công sức, tài năng tỏa sáng đáng kể cho nền nghệ thuật sân khấu, cải lương, kịch nói và điện ảnh nước nhà./.

Đọc thêm