Cho mượn đất rồi… mất đất?
Theo trình bày của chị Cao Thị Huyền và ông Cao Xuân Tân (trú tại xóm 2 Thanh Tân, xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ, Nghệ An), năm 1992, gia đình ông Nguyễn Bá Luân, bà Giản Thị Viện (cùng xóm) lỡ xây nhà trên một phần đất của gia đình chị. Lấy lý do “đã lỡ xây nhà”, ông Luân đã sang nhà gặp ông Tân đề nghị được mượn đất và hứa khi nào gia đình cần sẽ trả. Vì nghĩ tình làng nghĩa xóm, lại chưa cần dùng đến mảnh đất đó nên gia đình ông Tân đồng ý cho mượn.
Chị Huyền trình bày: “Qua hai lần Nhà nước tổ chức cấp sổ đỏ vào năm 1996 và 2009, cán bộ địa chính đã xác minh rõ việc nhà của ông Luân đang có một phần trên đất của gia đình tôi. Để cấp sổ đỏ, hai bên đã ký giáp ranh và đồng ý với việc một phần đất ngôi nhà ông Luân thuộc quyền sử dụng của gia đình chúng tôi. Đến năm 2010, chúng tôi muốn lấy lại phần đất đã cho ông Luân mượn này thì ông Luân không chịu dỡ nhà, trả đất mà còn tuyên bố đất đó là đất của nhà mình. Sau khi xảy ra cãi vã, gia đình ông Luân đã chủ động dỡ nhà, trả đất cho chúng tôi san lấp mặt bằng. Bất ngờ, đầu năm 2011anh Nguyễn Bá Sơn, con trai ông Luân đã có đơn kiện ra tòa đòi đất với lí do “họ đã mua đất rồi mà gia đình chúng tôi không chịu giao đất”.
Chứng cứ mà ông Sơn đưa ra là hai tờ giấy mua bán viết tay và tờ giấy nhận tiền, có chữ ký của đại diện hai gia đình. Sau nhiều lần hòa giải bất thành, Bản án sơ thẩm số 02/2012 ngày 22/02/2012 của TAND huyện Tân Kỳ đã tuyên giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất (giấy bán đất) ngày 17/2/1995 giữa gia đình ông Luân, bà Viện với ông Tân vô hiệu, buộc ông Tân phải hoàn trả lại số tiền 7 triệu đồng tiền chuyển nhượng đất và thanh toán cho bà Viện, ông Luân số tiền gần 211 triệu đồng tiền bồi thường cho đất trượt giá (tổng là hơn 217 triệu đồng).
Có vi phạm Bộ luật Tố tụng Dân sự?
Không đồng ý với bản án này, gia đình ông Tân làm đơn kháng cáo vì cho rằng chưa chuyển nhượng đất cho bất kỳ ai. Theo ông Tân, tờ giấy viết tay với nội dung giao dịch mua bán giữa ông và ông Luân, bà Viện ghi ngày 17/2/1995, người mua đất là ông Luân, bà Viện nhưng người ký là ông Nguyễn Bá Sơn. Nhưng việc mua bán trên không hề có mặt ông Sơn. Mặt khác, chữ viết và chữ ký của ông Tân trên giấy chuyển nhượng là không phải của ông (trên giấy chuyển nhượng là “Xân Tân” còn tên ông là “Xuân Tân”), đồng thời yêu cầu giám định lại chữ ký.
Bản án phúc thẩm số 30/2015 ngày 27/5/2015, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên bố bác đơn kháng cáo của ông Cao Xuân Tân, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Không đồng ý với cả hai bản án, gia đình ông Tân có đơn gửi TANDTC đề nghị giám đốc thẩm.
Trong đơn gửi Báo PLVN, ông Tân cho rằng, kết quả giám định của 2 bản kết luận giám định không đầy đủ, rõ ràng, mang tính chủ quan, phiến diện. Cụ thể, tại Bản giám định số 404 ngày 16/01/2015, Viện Khoa học hình sự kết luận: “Không đủ cơ sở kết luận về người ký và viết” và yêu cầu “Cần thiết phải có thêm mẫu chữ ký, chữ viết của anh Cao Xuân Tân trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 1995 với số lượng không hạn chế để tiến hành giám định tiếp”. Nhưng Bản giám định 1080 ngày 29/9/2014 lại được thực hiện bởi cùng một Giám định viên có tên Lưu Hải Thanh. Theo ông Tân, điều này là vi phạm Khoản 3 Điều 90 Bộ luật Tố tụng Dân sự: “Người đã thực hiện việc giám định trước đó không được thực hiện giám định lại”.
Gia đình ông Tân và dư luận đang mong chờ TANDTC sẽ xem xét kháng nghị giám đốc thẩm để làm rõ những khúc mắc trong vụ án mượn đất hy hữu này.